Viêm khớp cùng chậu là bệnh rất phổ biến ở độ tuổi trưởng thành. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng thường gặp của tình trạng này. Do đó việc thăm khám, điều trị bệnh chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, để hiểu rõ về bệnh viêm khớp cùng chậu và cách khắc phục an toàn, bạn đọc hãy bớt chút thời gian theo dõi nội dung chia sẻ dưới đây.
Khớp cùng chậu là khớp gì?
Khớp cùng chậu là khớp nằm ở vị trí tiếp giáp giữa xương cùng cụt tại cột sống thắt lưng và hai xương cánh vùng chậu. Dựa vào đặc điểm, chức năng trên cơ thể, khớp cùng chậu được xếp vào nhóm khớp bán động, đóng vai trò đặc biệt quan trọng đến các hoạt động của vùng thắt lưng và hai chi dưới.
Tuy vậy, ít người chú ý đến sự tồn tại và chưa hiểu rõ tầm quan trọng của nó. Chỉ đến khi bệnh khởi phát mọi người mới bắt đầu tìm hiểu và điều trị. Chính điều này đã khiến việc chăm sóc, bảo vệ khớp cùng chậu còn gặp nhiều hạn chế và gây ra nhiều biến chứng xấu cho sức khỏe.
Viêm khớp cùng chậu là gì?
Viêm khớp cùng chậu là thuật ngữ trong y học dùng để chỉ tình trạng viêm ở khớp xương cùng chậu. Bệnh có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên khớp xương cùng. Khi loại viêm khớp này xảy ra bạn sẽ gặp phải cảm giác đau ở vùng hông và thắt lưng dưới.
Theo các chuyên gia bệnh Cơ xương khớp, hiện tượng viêm khớp cùng chậu thường có sự liên quan đến các bệnh lý khác về cột sống. Ví dụ như bệnh: Viêm khớp vảy nến, viêm cột sống dính khớp hay viêm khớp phản ứng,…. Ngoài ra, nó cũng có thể xảy ra song song với bệnh Crohn (viêm ruột xuyên thành mãn tính) hoặc viêm đại tràng.
Triệu chứng viêm khớp cùng chậu
Các biểu hiện thường gặp của bệnh viêm khớp cùng chậu gồm có:
- Xuất hiện cảm giác đau âm ỉ và kéo dài ở vùng bụng dưới, đau vùng cột sống thắt lưng. Cơn đau xoay quanh ở giữa hai bên mông và khung chậu hông.
- Cơn đau thường xảy ra khi ngồi lâu. Kèm theo cảm giác đau và tê cứng như đau thần kinh tọa.
- Không thể hoặc gặp khó khăn trong việc duỗi, co, khoanh chân và các hoạt động khác từ vùng thắt lưng trở xuống
- Cảm giác bỏng rát, ửng đỏ và khó chịu ở phần da ngoài vùng khớp cùng bị tổn thương
- Một số trường hợp kèm theo triệu chứng sốt cao, buồn nôn, tiểu buốt, đi tiểu ra máu,…
Nguyên nhân viêm khớp cùng chậu
Nguyên nhân điển hình nhất gây ra hiện tượng viêm khớp cùng chậu là các bệnh về xương khớp. Thường gặp nhất là:
- Bệnh viêm xương khớp: Bệnh xảy ra khi xương khớp bị bào mòn, lão hóa tự nhiên theo yếu tố tuổi tác
- Bệnh viêm khớp vảy nến: Viêm khớp vảy nến có thể gây ra các phản ứng viêm ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể. Trong đó có hiện tượng viêm khớp cùng chậu
- Bệnh viêm cột sống dính khớp: Bên cạnh việc gây ra sự đau đớn khi vận động, tình trạng này còn dẫn đến hiện tượng viêm khớp cùng chậu
Ngoài “thủ phạm” là các bệnh lý nêu trên, viêm khớp cùng chậu cũng có thể mắc phải do một số nguyên nhân sau:
- Chấn thương trong quá trình chơi thể thao, làm việc hoặc tai nạn giao thông
- Phụ nữ mang thai khiến các cơ, dây chằng vùng xương chậu bị căng giãn quá mức gây ra triệu chứng viêm
- Do nhiễm khuẩn xương cùng chậu. Bệnh thường mắc phải do Staphylococcus aureus tấn công vào khớp cùng chậu gây ra
Viêm khớp cùng chậu có chữa khỏi được không?
Về vấn đề viêm khớp cùng chậu có chữa khỏi được không thì các bác sĩ chuyên khoa cho biết là có thể chữa được. Tuy nhiên, đây là căn bệnh mãn tính, khó điều trị dứt điểm. Do đó việc phục hồi sức khỏe khi bị viêm khớp cùng chậu phụ thuộc rất lớn và thời điểm chữa bệnh, phương pháp điều trị cũng như chế độ chăm sóc sức khỏe của mỗi người. Nếu để bệnh kéo dài, không được điều trị hiệu quả có thể dẫn đến tình trạng teo cơ mông và tàn phế.
Cách điều trị viêm khớp cùng chậu
Những biện pháp được điều trị bệnh viêm khớp cùng chậu gồm:
- Dùng thuốc Tây
Các loại thuốc Tây dùng để điều trị viêm khớp cùng chậu gồm có:
- Thuốc giảm đau: Có tác dụng làm dịu triệu chứng đau nhức
- Thuốc giãn cơ: Được sử dụng với mục đích làm giảm sự co thắt cơ, kiểm soát triệu chứng bệnh
- Nhóm thuốc ức chế TNF: Thuốc có tác dụng làm giảm phản ứng viêm ở xương cùng
Lưu ý: Người bệnh chỉ được sử dụng thuốc khi có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc trong mọi trường hợp để tránh xảy ra các tác dụng phụ nguy hiểm.
- Mẹo dân gian chữa viêm khớp cùng chậu
Trong dân gian lưu truyền khá nhiều bài thuốc chữa viêm khớp cùng chậu. Trong đó có bài thuốc uống nước sắc cà gai leo, ngậm tỏi sống hoặc đắp ngải cứu rang muối trắng lên vùng khớp bị đau nhức được áp dụng phổ biến. Chữa viêm khớp cùng chậu bằng mẹo dân gian được đánh giá cao về tính an toàn và dễ thực hiện, chi phí cũng khá thấp. Mọi người có thể tham khảo áp dụng tại nhà. Tuy nhiên bạn cần kiên trì thực hiện ít nhất 15 ngày bài thuốc mới có thể đem lại tác dụng tốt nhất.
- Vật lý trị liệu chữa viêm khớp cùng chậu
Người bệnh có thể áp dụng các bài tập kéo giãn cơ, chườm nóng, chườm lạnh, tập thể dục,…. để chữa viêm khớp cùng chậu tại nhà. Phương pháp giúp tăng cường tuần hoàn máu, giúp gân cơ, dây chằng cùng chậu linh hoạt, dẻo dai hơn. Từ đó giúp đẩy lùi triệu chứng đau, viêm hiệu quả.
- Phẫu thuật
Trong trường hợp điều trị viêm khớp cùng chậu bằng 3 phương pháp nêu trên không đạt được hiệu quả tốt sẽ được cân nhắc điều trị bằng cách phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ được thực hiện kỹ thuật hợp nhất hai xương lại với nhau nhằm mục đích loại bỏ triệu chứng bệnh, phục hồi khả năng vận động cho khớp. Tuy vậy, quá trình phẫu thuật có thể tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và để lại di chứng hậu phẫu.
Viêm khớp cùng chậu là bệnh lý phổ biến và có thể dẫn đến biến chứng bại liệt. Do đó mọi người nên chủ động trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về bệnh để có biện pháp can thiệp kịp thời, giảm thiểu tối đa các biến chứng xấu cho sức khỏe!