Thận ứ nước là một bệnh lý nguy hiểm, thứ phát sau các bệnh lý gây tắc nghẽn đường niệu. Nếu không được xử lý kịp thời có thể gây ra thận mất chức năng và dẫn tới tử vong. Cùng kinh tế nông thôn đi tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng thận ứ nước, cũng như cách điều trị hiệu quả trong bài viết sau đây.
Thận ứ nước là gì?
Thận ứ nước là tình trạng thận bị giãn nở hoặc sưng to lên do nước tiểu ứ đọng, tắc nghẽn trong thận, gây tổn thương tế bào và suy giảm chức năng thận. Tình trạng này xảy ra cấp tính với các biểu hiện lâm sàng rầm rộ. Nếu được xử trí kịp thời thận ứ nước có thể được giải quyết nhanh chóng. Ngược lại, thận bị ứ nước quá lâu sẽ dẫn đến suy chức năng thận.
Thận là cơ quan có chức năng đặc biệt quan trọng trong việc đào thải các chất độc. Khi một chất nào đó vào cơ thể, chúng được chuyển hóa tại gan, theo máu chảy trong lòng mạch đến thận. Tại đây thận có chức năng lọc máu loại bỏ các chất độc và đưa xuống bàng quang để đào thải ra bên ngoài môi trường.
Ban đầu khi dòng máu đi qua các đơn vị của nephron của thận, dưới một áp suất lọc nhất định nước tiểu đầu được tạo ra. Và trải qua một quãng đường dài ở trong ống thận, các chất cần thiết được tái hấp thu, nước tiểu lúc này được đổ vào đài bể thận để đưa xuống bàng quang.
Đây là quá trình lọc máu ở cầu thận để tạo ra nước tiểu. Vì một nguyên nhân nào đó, khiến đường tiết niệu bị tắc nghẽn, nước tiểu sẽ bị ứ đọng trong đài bể thận, dần dần sẽ làm mất cân bằng nội môi trong tế bào thận. Kết quả cuối cùng là các tế bào thận bị trương phù gây ra bệnh cảnh là thận ứ nước.
Triệu chứng thận ứ nước
Triệu chứng của bệnh thận ứ nước phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra, vị trí, thời gian tắc nghẽn và mức độ ứ nước trong thận. Khi tình trạng tắc xảy ra nhanh thì thường gây ra cơn đau quặn thận. Cơn đau xuất hiện đột ngột, dữ dội, bắt đầu từ vùng thắt lưng sau đó lan ra phía trước theo đường dưới sườn tại rốn và xuống tận cơ quan sinh dục ngoài. Bệnh nhân phải gập đôi người cho đỡ đau, đau tăng lên dữ dội nếu uống nước, vã mồ hôi, mặt tái, lo lắng, sợ sệt, có thể kèm theo nôn, buồn nôn và/hoặc đái máu. Các loại thuốc giảm đau thông thường không có tác dụng.
Tắc nghẽn ở một bên niệu quản không làm ảnh hưởng tới dòng nước tiểu. Nếu tình trạng tắc nghẽn xuất hiện ở cả hai niệu quản, hoặc bàng quang – niệu đạo thì dòng nước tiểu sẽ bị ảnh hưởng. Tắc niệu đạo hoặc cổ bàng quang có thể gây đau, tăng áp lực và căng trướng bàng quang. Bệnh nhân có thể xuất hiện rối loạn tiểu tiện (bí tiểu – tiểu nhiều lần – tiểu đêm…), có thể có kèm theo tăng huyết áp hoặc không.
Bệnh nhân bị thận ứ nước mãn tính không biểu hiện triệu chứng hoặc có thể có những cơn đau âm ỉ ở vùng hông, gây khó chịu bên thận ứ nước. Sỏi thận có thể làm tắc tạm thời niệu quản gây đau ngắt quãng. Thận ứ nước là một yếu tố nguy cơ cao dẫn đến nhiễm trùng đường niệu. Bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiểu có thể tiểu ra mủ, sốt, đau vùng hạ vị và thắt lưng.
Thận ứ nước có thể gây ra những triệu chứng ở đường ruột một cách mơ hồ như buồn nôn, nôn, đau bụng. Đây là những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh liên quan đến đường tiêu hóa khác. Cần thăm khám kĩ càng về lâm sàng và cận lâm sàng để đánh giá chính xác.
Nguyên nhân thận ứ nước
Thận ứ nước thường là do tắc khúc cuối bể thận niệu quản. Những nguyên nhân gây tắc gồm:
- Bất thường về mặt cấu trúc: Khuyết tật bẩm sinh trong đó chỗ tiếp nối của niệu quản vào bể thận quá cao hoặc do kém phát triển cơ trong thành niệu quản (tắc do chỗ nối thận niệu quản bẩm sinh).
- Tắc nghẽn hoặc chèn ép trong thận: Do sỏi thận, cục máu đông trong bể thận.
- Tắc nghẽn hoặc chèn ép niệu quản: Do những bó mô sợi, các động mạch, tĩnh mạch bất thường, khối u. Sỏi niệu quản, huyết khối trong niệu quản, khối u ở trong hay gần niệu quản, thoát vị niệu quản, hẹp niệu quản do khuyết tật bẩm sinh, chấn thương, nhiễm trùng, xa trị, phẫu thuật cũng là những nguyên nhân hay gặp. Thận ứ nước cũng có thể là do tắc dưới khúc nối chỗ bể thận niệu quản hoặc do chảy ngược dòng nước tiểu từ bàng quang lên.
- Sự tắc nghẽn dòng nước tiểu chảy từ bàng quang xuống niệu đạo trong phì đại tuyến tiền liệt, u xơ tuyến tiền liệt hoặc do phân lèn chặt trong trực tràng.
- Các nguyên nhân khác có thể kể đến như: Sa thận; rối loạn của cơ, thần kinh niệu quản, bàng quang; ung thư bàng quang, tử cung, tuyến tiền liệt hoặc những tạng khác vùng chậu. Hoặc do sự co bóp bất thường của bàng quang do bẩm sinh hoặc tổn thương tủy sống, thần kinh hay bởi sự hình thành mô sợi ở trong và xung quanh niệu quản do phẫu thuật, xạ trị, thuốc (đặc biệt là methysergide).
Với phụ nữ có thai thận ứ nước có thể xảy ra ở cả 2 thận. Hiện tượng này được giải thích là do trong quá trình mang thai, thai nhi tăng trưởng theo thời gian làm tăng áp lực trong ổ bụng và chèn ép niệu quản, gây hẹp niệu quản từ đó xuất hiện thận ứ nước thai kỳ. Ngoài ra những thay đổi về hormone trong thai kỳ có thể làm nặng thêm bệnh cảnh thận ứ nước do làm giảm sự co thắt cơ trơn niệu quản mà bình thường sự co thắt này giúp đẩy nước tiểu xuống niệu quản. Bệnh cảnh này được gọi là thận ứ nước do thai, thông thường sẽ khỏi sau sinh.
4 phân độ thận ứ nước
Thận ứ nước được chia ra làm 4 độ dựa theo các dấu hiệu lâm sàng và trên cận lâm sàng.
- Thận ứ nước độ 1: Đây là mức độ nhẹ nhất của bệnh, thận chỉ sưng giãn nhẹ chỉ số dA-P khoảng 5-10mm, không có teo nhu mô. Ở giai đoạn này bệnh nhân có những biểu hiện bằng các cơn đau kéo dài ở vùng hông hoặc lưng, tiểu đêm nhiều, huyết áp có thể tăng.
- Thận ứ nước độ 2: Bể thận và các đài thận giãn ra vào khoảng 10-15mm, không có teo nhu mô. Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng: đau mỏi hông, tức hông, đau thắt lưng tăng lên, rối loạn tiểu tiện (tiểu buốt, rát, ra máu, tiểu nhiều lần về đêm, nước tiểu đục, cảm giác chưa tiểu hết), tăng huyết áp.
- Thận ứ nước độ 3: Đây là giai đoạn thận đã bị tổn thương khoảng 70-75%, bể thận bị phình giãn trên 15mm cho phép. Chụp CT cắt lớp có thể sẽ không phân biệt được bể thận với đài thận, thận bị ứ nước nặng nề.
- Thận ứ nước độ 4: Giai đoạn bệnh rất nặng, thận đã bị tổn thương khoảng 75-90 %. Sự giãn nở đài thận quá mức, trên 20mm ngoài sưng phù tay chân, phù mặt bệnh nhân có thể đi tiểu ra máu, và các biểu hiện của suy thận.
Ngoài ra Phân độ thận ứ nước có thể dựa vào siêu âm ổ bụng tổng quát. Đây là một phương pháp thăm dò không xâm lấn, giá thành rẻ, nhanh cho kết quả, đặc biệt là rất hữu ích cho điều trị và tiên lượng bệnh trên lâm sàng.
Thận ứ nước có nguy hiểm không?
Thông thường dòng nước tiểu chảy ra khỏi thận với áp suất thấp. Nếu dòng nước tiểu bị tắc, nước tiểu sẽ bị dội ngược ở phía sau chỗ tắc, cuối cùng đến những ống nhỏ trong thận. Làm thận trướng ra và làm gia tăng áp lực lên các cấu trúc bên trong thận. Tình trạng tăng áp lực do tắc cuối cùng gây tổn thương thận và làm mất chức năng thận.
Khi dòng nước tiểu bị tắc gây ra nhiễm trùng đường niệu và sỏi có nhiều khả năng sẽ được hình thành. Nếu 2 quả thận đều bị tắc có thể gây ra suy thận. Tình trạng ứ nước bể thận và niệu quản kéo dài cũng có thể ức chế những nhu động của niệu quản mà bình thường những nhu động đó sẽ đẩy nước tiểu từ niệu quản đến bàng quang. Mô sẹo sau đó sẽ thay thế cho mô cơ bình thường trong thành niệu quản và gây ra tổn thương vĩnh viễn.
Chẩn đoán sớm thận ứ nước là rất quan trọng vì đa số trường hợp tắc có thể điều trị được và nếu chậm trễ trong điều trị sẽ gây tổn thương thận không phục hồi. Chẩn đoán thận ứ nước không chỉ dựa vào các dấu hiệu cơ năng và thực thể mà còn dựa vào các thăm dò chức năng để đánh giá và tiên lượng bệnh. Do đó người bệnh nên đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.
Cách điều trị thận ứ nước
Tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng toàn thân, mức độ ứ nước ở thận, nguyên nhân gây ứ nước và chức năng thận suy giảm cấp tính hay mạn tính mà có phương pháp điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân cụ thể. Nguyên tắc chung là loại bỏ yếu tố gây tắc nghẽn ở thận.
Điều trị nguyên nhân gây bệnh
Điều trị thận ứ nước nhằm làm giảm nguyên nhân gây ra tắc. Nếu tắc niệu quản là do phì đại tuyến tiền liệt hoặc do ung thư tuyến tiền liệt thì việc điều trị có thể bao gồm cho thuốc, hormon điều trị hoặc phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt, nong niệu đạo cho rộng ra. Trường hợp sỏi làm tắc thì phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể hoặc phẫu thuật nội soi có thể là cần thiết.
Với những trường hợp nhiễm trùng đường tiểu, suy thận hoặc đau dữ dội thì không thể điều trị thông tắc ngay được, điều này là do nguy cơ tổn thương thận thứ phát sau các biện pháp thông tắc. Lúc này phải sử dụng sonde để dẫn lưu nước tiểu. Trong thận ứ nước cấp tính thì nước tiểu sẽ ứ trên chỗ tắc có thể được dẫn lưu bằng ống mềm luồn qua da vào trong thận (phẫu thuật mở thận ra da) hoặc luồn 1 ống bằng plastic mềm nối bàng quang với thận (stend niệu quản). Biến chứng của phương pháp này bao gồm tuột ống, đặt lộn chỗ, nhiễm trùng…
Với các trường hợp thận ứ nước mạn tính, giảm ngay lập tức mức độ ứ nước mãn tính ở thận là không cần thiết. Nếu xuất hiện nguyên nhân gây tắc nghẽn làm hình thành đợt cấp thì cần làm giảm ứ đọng nước tiểu ngay. Nhìn chung cần điều trị tốt các bệnh nguyên gây tắc nghẽn đường niệu tại thận.
Điều trị biến chứng mà bệnh gây ra
Kháng sinh
Chỉ sử dụng kháng sinh nếu bệnh nhân có tình trạng nhiễm khuẩn, tốt nhất nên sử dụng kháng sinh theo kháng sinh đồ. Kháng sinh đồ giúp cho việc chọn chính xác kháng sinh đặc hiệu với từng chủng vi khuẩn. Trong trường hợp chưa có kết quả kháng sinh đồ có thể dùng thuốc theo kinh nghiệm. Các nhóm thuốc có thể sử dụng là Fluoroquinolon, Cephalosporin và Etarpendem.
Thuốc huyết áp
Đa số trường hợp thận ứ nước có đi kèm tăng huyết áp từng mức độ. Việc phối hợp các nhóm thuốc hạ huyết áp sẽ nâng cao tác dụng kiểm soát huyết áp. Luôn khống chế huyết áp cho những bệnh nhân này trong khoảng dưới 130/80 mmHg để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Điều trị các rối loạn do suy giảm chức năng thận
Để duy trì cân bằng điện tích và ổn định màng tế bào cần điều chỉnh tích cực mức Natri và Kali máu. Trong bệnh thận ứ nước, các rối loạn nước và điện giải thường diễn biến phức tạp. Cho nên cần điều trị các rối loạn điện giải đặc biệt chú ý tình trạng rối loạn Kali máu và Natri máu. Các điều chỉnh này phải kịp thời và từ từ đến giới hạn cho phép.
Nếu có suy giảm chức năng thận thì kiểm soát toan máu, phòng tăng phospho máu, điều trị thiếu máu, điều chỉnh mỡ máu nếu có rối loạn. Việc này góp phần phòng chống các biến chứng gây ra bởi thận ứ nước.
Chế độ ăn uống của những người bị thận ứ nước cũng đóng vai trò quan trọng trong điều trị. Bệnh nhân thận ứ nước có chế độ ăn tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng cá thể. Nhìn chung cần kiểm soát lượng nước đầu vào chỉ khoảng 500ml/ngày cộng thêm lượng đái ra nếu có. Hạn chế muối khoảng 3-5g/ngày. Điều này giúp cho huyết áp của bệnh nhân được kiểm soát một các tốt nhất. Ngoài ra việc bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất cũng là rất cần thiết.
Tuy nhiên không nên ăn uống quá nhiều thực phẩm gây sỏi thận vì đây là nguyên nhân hàng đầu gây thận ứ nước. Các thực phẩm nên tránh như: Rau muống, rau dền, cam, bưởi, cacao, socola…
Cây thuốc nam chữa thận ứ nước
Việt Nam là một nước có nền dược liệu vô cùng phong phú và đa dạng, có thể chữa hầu hết các chứng bệnh cho nhân dân. Đại danh y Tuệ Tĩnh đã nói “Nam dược trị nam nhân” vì vậy các cây thuốc nam luôn có vai trò nhất định trong công tác phòng chống bệnh tật. Các cây thuốc nam có công năng điều trị thận ứ nước hầu hết đều có công tác dụng lợi tiểu, hạn chế hình thành sỏi và có khả năng kháng khuẩn, tăng mức lọc cầu thận. Một trong số đó phải kể đến:
Kim Tiền Thảo
Kim tiền thảo (Desmodium styracifolium) là cây thân thảo, mọc bò sau đó mọc thẳng, lá mọc so le gồm 1 hoặc 3 lá chét hình tròn, mặt trên có màu xám lục, nổi gân rất rõ, mặt dưới phủ lông màu trắng bạc, mịn như nhung. Cụm hoa mọc thành chùm ở kẽ lá hoặc thân cây. Cây thường ra hoa vào khoảng tháng 3 đến tháng 5. Ở Việt Nam cây thường thấy ở các vùng núi thấp và trung du phía Bắc như: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nội, Thái Bình, Phú Thọ…
Bộ phận dùng của kim tiền thảo là toàn cây trên mặt đất. Theo Đông Y, kim tiền thảo có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp và lợi niệu. Có tác dụng điều trị sỏi tiết niệu, vàng da, phù thũng… Kim tiền thảo là một trong 3 vị thuốc trong bài thuốc cổ phương “ Tam kim bài thạch” điều trị rất hiệu quả sỏi tiết niệu.
Theo các nghiên cứu dược lý hiện đại, trong kim tiền thảo có hoạt chất soyasaponin I có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành sỏi Calcioxalat ở thận và tăng bài tiết citrat niệu, do đó có tác dụng rất tốt trong điều trị thận ứ nước. Liều dùng của kim tiền thảo từ 15-30 gram/ngày.
Mã đề
Mã đề (Plantago major) hay còn gọi là Xa tiền, là một cây mọc nhiều ở nước ta. Là loại cây cỏ, thân ngắn sống lâu năm, lá mọc bố trí hình hoa thị, có cuống dài và rộng. Phiến lá hình thìa hay hình trứng, có gân dọc theo sống lá. Mã tiền mọc ở khắp nước ta, cây dễ sống.
Theo Đông y, mã đề có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, thoái hoàng và lợi niệu. Mã đề có tác dụng rất tốt trong điều trị viêm đường tiết niệu, sỏi tiết niệu, viêm cầu thận và các chứng vàng da. Liều dùng của mã đề từ 10-20 gram/ngày.
Râu mèo
Râu mèo (Orthosiphon aristatus) là cây thân cỏ, sống lâu năm, thân đứng hình vuông, thường có màu nâu tím. Lá có đối, đầu nhọn, mép có khía răng to. Hoa màu trắng, quả dẹt, nhăn nheo. Cây ra hoa kết quả từ tháng 4 đến tháng 7. Ở nước ta, cây mọc hoang ở nhiều nơi, trồng bằng cách giâm cành.
Theo Đông Y, râu mèo có tác dụng thanh nhiệt trừ thấp, lợi niệu thông lâm. Trị các bệnh sỏi tiết niệu, nhiễm khuẩn đường tiết niệu… Liều dùng từ 30-50 gram/ngày dưới dạng thuốc sắc.
Ngoài ra, còn rất nhiều vị thuốc nam khác có thể điều trị được tình trạng thận ứ nước như: nhân trần, râu ngô, ý dĩ… Đây đều là những vị thuốc quen thuộc trong dân gian mà ông bà ta đã trải qua nhiều năm để phát hiện ra công dụng của nó.
Nói tóm lại, thận ứ nước là một tình trạng bệnh lý nguy hiểm và để lại hậu quả nghiêm trọng nếu không được phát hiện kịp thời. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là việc tắc nghẽn đường tiết niệu. Để tránh bị thận ứ nước, người có các bệnh lý về sỏi thận, hẹp niệu quản hay dị dạng niệu quản cần được tư vấn và thăm khám thật kỹ càng.