Trồng mướp vào tháng mấy? Cách trồng mướp hương quả sai lúc lắc

Một giàn mướp trĩu quả trước nhà không chỉ rợp bóng râm mát mà còn cung cấp cho gia đình thêm một loại thực phẩm thơm ngon, bổ dưỡng và vô cùng tốt cho sức khỏe. Vậy trồng mướp vào tháng mấycách trồng mướp hương để cho ra những trái to đều, giàn lúc lắc quả sẽ được chia sẻ trong bài viết dưới đây.

Đặc điểm của cây mướp

Mướp là loại cây thân leo cùng họ với bầu bí, được trồng nhiều tại các vùng nông thôn ở nước ta.

Cây mướp có các đặc điểm:

  • Thân: Thân mướp màu xanh lục nhạt, có lông ngắn màu trắng, mặt trên có rãnh ở giữa, leo bằng tua cuốn. Tua cuốn phân nhánh, cùng màu thân, có tiết diện đa giác.
  • Lá: Lá mướp bản to, tròn, dài 8-16cm, rộng 7-20cm. Mặt trên của lá màu xanh lục đậm, mặt dưới nhạt hơn, phủ một lớp lông màu trắng. Phiến lá hình trái xoan dài 8-16cm, rộng 7-20cm. 
  • Hoa: Hoa mướp có 5 cánh, màu vàng tươi. Hoa đực mọc thành chùm, trục phát hoa dài 20-24cm. Hoa cái mọc riêng lẻ, dài 5-15cm.
  • Quả: Quả mướp có hình thoi hoặc hình trụ thuôn, màu xanh lục, dài 0,3 – 0,9 m, rộng 6–8 cm.

Mướp là loại cây ưa nhiệt, chúng sinh trưởng và phát triển tốt ở mức nhiệt từ 25-30 độ C. Mướp cho quả sau 50-60 ngày kể từ khi trồng.

cách trồng mướp

Phân loại mướp

Tại Việt Nam, các giống mướp được trồng phổ biến là:

  • Mướp hương (mướp ta): Thân dài khoảng 25-30cm, hình trụ tròn, có mùi thơm, mềm, vị ngọt mát.
  • Mướp trâu: Dài và to hơn mướp hương, vỏ xanh đậm, sọc kẻ đậm. Chúng không có mùi thơm như mướp hương mà hơi hắc một chút.
  • Mướp Nhật (lặc lày): Thân tròn trịa, vỏ ngoài có sọc xanh trắng gần giống với dưa gang. Vỏ giò, vị ngọt, thơm mát.

Trồng mướp vào tháng mấy

Mướp có thể trồng quanh năm, nhưng nếu trồng đúng thời vụ sẽ cho nhiều quả và chất lượng quả đồng đều hơn. Tại nước ta, tùy vào từng vùng miền sẽ chia thành 1 hoặc 2 vụ mướp khác nhau mỗi năm. Miền Nam có 2 vụ mướp chính là vụ Đông Xuân và Xuân Hè. Miền Bắc vụ mướp sẽ kéo dài từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau.

trồng mướp vào tháng mấy

Lưu ý: Nếu trồng mướp vào mùa nắng thì có thể gieo trực tiếp xuống đất chứ không cần phải gieo trong bầu. Nếu trồng mướp vào mùa mưa, vì mướp chịu nước kém nên cần gieo hạt giống vào trong bầu trước, sau đó mới đem đi trồng để phòng mưa nhiều làm hạt giống ngập úng và thối mầm.

Cách trồng mướp hương sai quả quanh năm

Mướp hương luôn được yêu thích hơn các giống mướp khác bởi vị ngọt đậm, mềm và có mùi thơm dễ chịu. Quy trình và kỹ thuật trồng mướp hương không quá cầu kỳ và phức tạp. Theo như kinh nghiệm của các bác nông dân, để trồng được giàn mướp hương tại nhà sai quả quanh năm cần lưu ý những điều sau:

Chọn giống mướp

Nên chọn mua hạt giống mướp hương ở những địa chỉ cung cấp hạt giống uy tín. Thông thường hạt giống mướp hương sẽ giao động trong mức giá từ 10.000 – 12.000 đồng/ gói.

Quy trình gieo trồng

Bước 1: Ngâm hạt giống mướp hương

Pha nước để ngâm hạt giống mướp hương theo tỉ lệ 2 sôi 3 lạnh. Cho hạt giống vào ngâm trong vòng 4-6 tiếng. Sau đó vớt ra, rửa sạch rồi ủ vào khăn ấm. 36-48 tiếng sau, thấy hạt nứt nanh thì có thể đem gieo trồng.

Bước 2: Gieo hạt giống mướp hương

  • Chuẩn bị đất: Đất đảm bảo đủ độ tơi xốp và thoát nước tốt thì sẽ tạo điều kiện cho mướp hương phát triển nhanh hơn. Đất dinh dưỡng có thể sử dụng là đất trộn sẵn Fusa, Tribat hoặc đất phù sa kết hợp với phân trùn quế trộn theo tỷ lệ 50-50. Nếu sử dụng đất phù sa nên rải thêm một lớp vỏ trấu lên trên bề mặt đất khi gieo hạt để giữ nhiệt.
  • Gieo hạt: Đào lỗ với độ sâu khoảng 1cm, gieo hạt mướp hương xuống rồi phù đất lên. Tùy vào diện tích đất mà gieo với số lượng hạt khác nhau. Nên gieo vào ngày nắng ấm để cây mướp nhanh chóng nảy mầm.

Bước 3: Trồng cây con

Khi hạt giống nảy mầm ra 2-3 lá non thì đem cây con đi trồng.

Cách chăm sóc

Cắt tỉa

Chăm sóc mướp hương cần đặc biệt chú ý đến công đoạn cắt tỉa cây. Cụ thể:

Khi cây đã bò lên giàn và leo cao chừng 20-30cm thì lấy kéo cắt hết các phần đầu dây leo. Sau đó kéo dây xuống, cuộn thành 3-4 vòng đặt xung quanh gốc. Chừa lại ngọn cây nhô lên, khi ngọn vươn tới 50-60cm thì bắt đầu cho dây leo leo lên giàn. Cách làm này sẽ giúp cây tiếp xúc được với nhiều ánh nắng mặt trời hơn, sinh trưởng và phát triển mạnh hơn.

Bón phân

Cứ 20 ngày, tiến hành bón thúc cho mướp hương 1 lần

Phòng ngừa sâu bệnh

Cây mướp hương hay bị các loại sâu bọ như chuột, dế, sâu đất, sùng đất, bọ rùa, sâu xanh, bọ trĩ, rầy, rệp,.. tàn phá. Chúng có thể ăn đứt rễ mầm, chích hút đọn non, lá non làm cho cây chậm phát triển, khô cháy, nhiễm bệnh, cho năng suất kém.

Ngoài ra các bệnh như thối cổ rễ, cháy lá, đốm lá sương mai, héo xanh cũng hay tấn công mướp hương khiến cho cây chết đột ngột, héo hoặc cho quả không đồng đều, dị tật.  

Vì vậy, khi trồng mướp hương, cần đặc biệt quan sát và phát hiện xem loại sâu bệnh đang gây hại cho cây là gì để có biện pháp bảo vệ cây kịp thời.

Công dụng thần kỳ của mướp đối với sức khỏe

Ngoài việc chế biến ra các món ăn ngon phục vụ cho nhu cầu ăn uống của con người, mướp còn là một vị thuốc quý rất có lợi cho sức khỏe.

Theo Đông y, mướp có vị ngọt, tính bình, không độc chữa được rất nhiều bệnh. Cụ thể:

  • Hàm lượng vitamin A có trong mướp hữu ích cho việc ngăn ngừa các bệnh về mắt. Đồng thời, chúng giúp làm giảm đáng kể lượng cholesterol xấu và chất béo trung tính, làm giảm  nguy cơ mắc bệnh tim.
  • Mướp non thái mỏng, sao vàng, sắc uống giúp trừ đờm, trị ho, hen và khó thở.
  • Trong mướp có chứa Mangan, thúc đẩy tiết insulin, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
  • Mướp còn là loại thực phẩm chứa nhiều vitamin B6, vitamin C, giúp hỗ trợ điều trị thiếu máu và ngăn ngừa lão hóa, sản xuất protein tái tạo cơ.

Trồng mướp không hề khó, chỉ cần chú ý gieo trồng đúng kỹ thuật thì năng suất thu được sẽ rất cao. Những bí quyết trồng và chăm sóc mướp được nêu trong bài viết trên hi vọng sẽ giúp bạn gây dựng được những giàn mướp quả sai lúc lắc.

Theo Thu Hương

4/5 - (9 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *