Trong các bệnh mãn tính về xương khớp, viêm đa khớp được xếp vào một trong những bệnh lý nguy hiểm nhất. Hậu quả bệnh gây ra không chỉ ảnh hưởng đến xương khớp mà còn có thể dẫn đến các bệnh về mắt, tim mạch, huyết áp. Thậm chí có thể gây biến chứng đột quỵ, tử vong. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này và biết cách điều trị hiệu quả bạn đọc đừng bỏ lỡ nội dung chia sẻ dưới đây.
Viêm đa khớp là gì?
Viêm đa khớp là thuật ngữ y khoa dùng để chỉ tình trạng viêm khớp làm ảnh hưởng đến nhiều khớp. Cụ thể, khi triệu chứng viêm khớp xảy ra ở nhiều hơn 4 khớp trở lên được gọi là viêm đa khớp. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí khớp nào trên cơ thể. Bao gồm cả trường hợp viêm khớp thoái hóa, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp nhiễm trùng hoặc do nhiễm virus gây ra.
Các triệu chứng bệnh khi khởi phát thường ở dạng cấp tính, nếu để kéo dài sẽ trở thành viêm mãn tính. Trong trường hợp bệnh xảy ra sau một lần bị nhiễm virus có thể tiến triển thành dạng tự miễn cụ thể. Thường được đề cập đến là viêm đa khớp dạng thấp, bệnh Lupus ban đỏ hoặc hội chứng Sjogren.
Nguyên nhân viêm đa khớp
Viêm đa khớp dạng thấp có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Các nguyên nhân phổ biến nhất gồm có:
- Do bệnh viêm khớp không đối xứng, ví dụ như bệnh gout hoặc viêm khớp do vảy nến
- Nhiễm trùng virus: Thường gặp là bệnh sởi, virus viêm gan, Parvovirus hoặc HIV,…
- Bệnh rối loạn chuyển hóa như suy thận, suy gan
- Người bệnh bị thoái hóa cấu trúc khớp
- Các trường hợp nhiễm trùng do bệnh lao, bệnh Lyme (là căn bệnh mắc phải do vi khuẩn lây truyền bởi con bọ chét nhiễm bệnh), Whipple (rối loạn hấp thu ở ruột)
- Viêm mạch máu hoặc bệnh viêm khớp tế bào gây cản trở quá trình lưu thông máu trong động mạch cũng là nguyên nhân gây bệnh
- Người bị nhiễm virus gây bệnh quai bị cũng có thể dẫn đến viêm khớp dạng thấp
Ngoài ra các nghiên cứu y học còn chỉ ra một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm đa khớp có thể kể đến như:
- Tính chất di truyền: Người được sinh ra trong gia đình có người mắc bệnh viêm đa khớp hoặc các bệnh mãn tính về xương khớp khác sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với bình thường
- Yếu tố tuổi tác: Bệnh viêm đa khớp dạng thấp có xu hướng xảy ra ở lứa tuổi trung niên trở ra
- Yếu tố giới tính: Theo các số liệu thống kê của Bộ y tế, tỷ lệ người bị viêm đa khớp ở phụ nữ cao hơn so với nam giới
- Thói quen sinh hoạt: Những người có thói quen sinh hoạt không khoa học, thường xuyên sử dụng chất kích thích, nghiện thuốc lá, bia rượu dễ mắc bệnh hơn người khác
Triệu chứng viêm đa khớp
Đa số các trường hợp viêm đa khớp đều có các triệu chứng tương tự như bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc các bệnh tự miễn khác. Các biểu hiện bệnh có thể xảy ra đột ngột hoặc tiến triển âm thầm trong thời gian dài.
Theo đó, các triệu chứng phổ biến thường gặp khi bị viêm đa khớp là hiện tượng sưng, đau và nóng ở khớp. Điều này khiến cho phạm vi cử động khớp của người bệnh bị hẹn chế. Cùng với đó là hiện tượng đau khớp, cứng khớp, dấu hiệu rõ rệt hơn về buổi sáng. Khi vận động, cơn đau có xu hướng tăng nặng hơn.
Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể mọi người có thể gặp một số biểu hiện đi kèm như:
- Cơ thể đổ nhiều mồ hôi
- Phát ban, cơ thể mệt mỏi, chán ăn
- Thân nhiệt tăng, người bệnh bị sốt trên 38 độ C
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Các hạch bạch huyết bị sưng
Chẩn đoán viêm đa khớp
Để có thể kết luận chính xác bệnh và đưa ra phác đồ điều trị, việc chẩn đoán, xác định tình trạng bệnh là rất cần thiết. Theo đó, các bác sĩ sẽ bắt đầu bằng việc thăm khám lâm sàng thông qua các biểu hiện bất thường ngoài khớp. Ví dụ như: Kiểm tra hiện tượng sưng tấy khớp, phạm vi cử động khớp của người bệnh. Bên cạnh đó, việc khai thác tiền sử gia đình, thói quen sinh hoạt, các loại thuốc đang sử dụng cũng rất cần thiết để chẩn đoán bệnh.
Ngoài ra, để có thể đưa ra kết luận cuối cùng của bệnh, bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán gồm:
- Phân tích dịch khớp để xác định loại bệnh đang mắc phải: Có thể là Xét nghiệm máu, xét nghiệm dịch khớp hoặc xét nghiệm nước tiểu
- Chụp X-quang: Nhằm mục đích tìm kiếm, phát hiện các tổn thương trong khớp xương
- Chụp MRI: Kết quả chiếu chụp giúp xác định các tổn thương gân, sụn, dây chằng và xương khớp
- Nội soi khớp: Được thực hiện để kiểm tra, xem xét những tổn thương bên trong ổ khớp
Bệnh viêm đa khớp có chữa được không?
Viêm đa khớp được biết đến là bệnh nguy hiểm về xương khớp. Tuy nhiên với sự phát triển mạnh mẽ của y học hiện đại, bệnh viêm đa khớp có thể chữa được nếu được phát hiện can thiệp sớm. Mặc dù xương khớp không thể phục hồi hoàn toàn về trạng thái ban đầu nhưng có thể đẩy lùi đến 90% triệu chứng bệnh.
Để chăm sóc sức khỏe tốt hơn và giảm thiểu tối đa các biến chứng xấu cho sức khỏe mọi người nên chủ động thăm khám bệnh sớm. Tránh tình trạng để triệu chứng viêm đa khớp kéo dài làm giảm hiệu quả điều trị bệnh và gây tốn kém chi phí hơn.
Cách chữa bệnh viêm đa khớp
- Dùng thuốc Tây
Thuốc Tây thường được sử dụng với mục đích làm giảm triệu chứng bệnh và phục hồi chức năng khớp. Các loại thuốc phổ biến gồm: Thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không chứa Steroid, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc sinh học,….
Khi điều trị viêm đa khớp bằng thuốc Tây mọi người cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn.
- Các bài thuốc Đông y chữa viêm đa khớp
Bài thuốc 1:
- Người bệnh rửa sạch 200g rễ cây xấu hổ rồi tẩm đều với 20ml rượu trắng loại 40 – 45 độ
- Cho nguyên liệu vào chảo rang khô sau đó đổ vào ấm, sắc với 600ml đến khi cạn còn ½ lượng nước ban đầu thì tắt bếp
- Chia nước thuốc thành 3 phần, uống thành 3 lần
- Mỗi thang thuốc sử dụng hết trong ngày. Kiên trì thực hiện cho đến khi triệu chứng bệnh được cải thiện
Bài thuốc 2:
- Người bệnh rửa sạch 30g lá lốt tươi (hoặc 10g lá lốt khô) rồi cho vào nồi sắc với 2 bát nước
- Đến khi lượng nước cạn còn một nửa thì dừng
- Uống nước lá lốt sau bữa tối và uống hết trong ngày
- Thực hiện bài thuốc liên tục trong vòng 10 ngày để triệu chứng bệnh sớm được đẩy lùi
- Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là việc sử dụng nhiệt lượng hoặc tác động lực để cải thiện khả năng vận động. Đồng thời giúp tăng cường chức năng, củng cố sức mạnh cơ bắp, giúp giảm đau hiệu quả. Các liệu pháp vật lý trị liệu có tác dụng cải thiện triệu chứng viêm đa khớp thường được áp dụng là: Chườm nóng, chườm lạnh, massage hoặc mang nẹp theo chỉ định của bác sĩ,….
- Phẫu thuật
Với những người bị viêm đa khớp mức độ nặng hoặc việc dùng thuốc không hiệu quả thì sẽ được chỉ định điều trị bằng cách phẫu thuật. Các kỹ thuật phẫu thuật có thể áp dụng là: Thay thế khớp, hợp nhất khớp, loại bỏ màng hoạt dịch khớp,…. Sau khi phẫu thuật chức năng vận động của người bệnh sẽ được khôi phục, các triệu chứng bệnh cũng dần biến mất. Tuy vậy, không phải lúc nào việc điều trị bằng phương pháp này cũng đem lại thành công như mong đợi.
Viêm đa khớp là tổn thương nguy hiểm, không chỉ khiến người bệnh mất khả năng vận động mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho tính mạng. Do đó mọi người nên chủ động trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để điều trị bệnh hiệu quả.