Sốt về chiều là hiện tượng vẫn thường gặp với nhiều người, nhưng nó lại cảnh báo hiệu một vấn đề sức khỏe nào đó mà bạn đang gặp phải. Sớm phát hiện nguyên nhân sốt về chiều là cách hỗ trợ điều trị hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng có thể xảy đến.
Nguyên nhân gây ra sốt về chiều tối
Sốt trong vài ngày
- Nguyên nhân ở vùng miệng, họng: Thường gặp ở trẻ em mọc răng sữa, người lớn mọc răng khôn; viêm họng, viêm amidan, đau lợi, đau họng, nuốt khó và đau, đôi khi ho. Khi đi khám, người bệnh thấy lợi, họng, amidan sưng, đỏ, có khi có mủ hoặc giả mạc.
- Nhiễm khuẩn ở bộ máy hô hấp: Viêm khí phế quản, viêm phổi, viêm màng phổi, apxe phổi, thường có biểu hiện sốt, ho khạc đờm hay máu, đau ngực, khó thở. Cần chụp X-quang lồng ngực, xét nghiệm đờm, máu.
- Nhiễm khuẩn hệ thống thận-tiết niệu: Viêm bàng quang, viêm mủ bể thận, viêm cầu thận cấp…. Người bệnh có biểu hiện tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ít, nước tiểu đục hay hồng, có phù, đau vùng thắt lưng bên cạnh triệu chứng sốt cao về chiều.
- Nhiễm khuẩn ở gan mật: Viêm đường mật, áp-xe gan, viêm gan do virus. Bệnh thường kèm theo sốt về chiều, vàng da, vàng mắt, đau vùng gan.
- Viêm khớp, cơ, thấp tim: Tại vùng cơ, khớp bị sưng, nóng, đỏ, đau; người bệnh cầm nắm các đồ vật khó, hạn chế hoặc không đi lại được. Cần chụp X-quang khớp, xét nghiệm máu lắng máu, xét nghiệm yếu tố về khớp.
- Nhiễm khuẩn não-màng não: Triệu chứng sốt về chiều, nôn, nhức đầu. Có khi co giật, liệt nửa người, hôn mê.
- Tắc tia sữa, áp-xe vú: Do nhiễm khuẩn tuyến sữa, biểu hiện vú sưng, đau, nóng, đỏ, thân nhiệt tăng cao. Sữa chảy ra màu trong hay vàng.
- Sốt có phát ban: Thường do các loại virus gây ra. Triệu chứng sốt về chiều thường gặp ở các bệnh sởi, thủy đậu…. Thường có viêm long đường hô hấp nên thấy hắt hơi, sổ mũi, ho. Sau khi sốt 3 ngày đến 1 tuần thì phát ban nhiều hơn.
- Sốt xuất huyết: Sốt cao đột ngột liên tục từ 2 đến 7 ngày. Sau đó có biểu hiện xuất huyết như: chảy máu mũi, chảy máu chân răng, kinh nguyệt kéo dài, có những chấm hoặc mảng xuất huyết ở dưới da, đôi khi có xuất huyết nội tạng.
- Cúm: Sốt về chiều, hắt hơi, sổ mũi, nhức đầu, đau mình mẩy.
Sốt kéo dài (trên 10 ngày)
- Thương hàn: Sốt kéo dài, liên tục, kèm theo li bì, hoảng hốt, mê sảng, môi khô, lưỡi trắng, phân lỏng. Đau bụng vùng hố chậu phải. Đặc biệt nhiệt độ tăng nhưng mạch không tăng tương ứng.
- Lao: Sốt nhẹ dai dẳng, thường sốt về chiều, kém ăn, sút cân. Nếu lao phổi thường ho, khạc đờm kéo dài, có thể ho ra máu.
- Bệnh leptospira: Khởi phát đột ngột, sốt cao kéo dài. Có dấu hiệu kiệt nước, da vàng đỏ, tổn thương về gan, thận, dấu hiệu thần kinh như mê sảng, hoảng hốt, đau các bắp cơ.
Cách xử lý tại nhà khi sốt dưới 3 ngày
Với những trường hợp sốt về chiều không quá 3 ngày, bạn có thể áp dụng cách xử trí sau để giúp bệnh nhân giảm sự khó chịu và cảm thấy thoải mái hơn:
- Uống thật nhiều nước: Sốt có thể khiến cơ thể bị mất nước. Vì vậy, việc bổ sung nước rất quan trọng, bạn có thể cho bệnh nhân uống bất kỳ loại nước nào mà họ muốn: nước ép trái cây các loại, nước rau luộc, nước cam, nước chanh,…
- Nghỉ ngơi giúp cơ thể sớm phục hồi, vì khi vận động có thể khiến cho nhiệt độ cơ thể tăng thêm. Tốt nhất khi bị sốt, bạn nên nằm nghỉ để cơ thể được ở trạng thái thoải mái.
- Thư thái: Để máu huyết lưu thông giúp cơ thể hạ nhiệt, bạn nên chọn quần áo có chất liệu thấm hút mồ hôi tốt, rộng, mát. Nếu dùng điều hòa nhiệt độ thì nên chọn chế độ khoảng 25 độ C để căn phòng luôn mát mẻ, nên dùng chăn mỏng để đắp ấm cơ thể khi cần thiết.
- Lau nước ấm: Dùng khăn thấm nước có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ hiện tại của cơ thể khoảng 2 độ C để lau người. Không nên tắm khi bị sốt.
Sốt về chiều nên ăn gì?
- Nước lọc: Khi bị sốt cao, một trong những cách tốt nhất để cảm thấy thoải mái hơn là đẩy chúng ra khỏi cơ thể. Muốn làm được điều này, bệnh nhân nên uống nhiều nước để đào thải các độc tố, tống virus ra ngoài.
- Nước hoa quả, sinh tố: Trong số các loại nước hoa quả, nước cam đứng hàng đầu trong những thực phẩm nên ăn khi bị sốt về chiều. Ngoài lượng nước phong phú, nước ép cam còn chứa nhiều dưỡng chất góp phần tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
- Nước gừng: Từ lâu gừng được dùng như một vị thuốc trong Đông y nhờ những lợi ích sức khỏe nó mang lại. Lúc này, bạn nên uống 1 cốc trà gừng nóng để xua tan cảm giác đau họng, khó chịu khi sốt.
- Cháo: Trong số các món cháo, cháo gạo được xem là một trong những thực phẩm tốt nhất để tẩm bổ cho người sốt về chiều. Không chỉ dễ tiêu, cháo gạo còn nhanh chóng giúp bạn có đủ năng lượng cho các hoạt động trong ngày.
- Sữa chua: Sữa chua cũng mang lại tác động tích cực cho người bị sốt về chiều vì thực phẩm này rất có lợi cho đường tiêu hóa, giảm nhiệt độ cơ thể rõ rệt.
- Tỏi: Là loại gia vị phổ biến, giúp món ăn thêm đậm đà và hấp dẫn. Nó cũng rất tốt cho nỗ lực tiêu diệt virus, bổ sung chất chống oxy hóa để ngăn ngừa bệnh tật.
Nên kiêng ăn gì?
- Trà xanh: Trong trà xanh có chất ta-nanh sẽ khiến cho nhiệt độ cơ thể có thể tăng lên. Uống nhiều trà và uống trà quá đậm đặc sẽ làm cho não ở trạng thái bị kích thích, làm tăng huyết áp, dẫn đến làm tăng thêm nhiệt độ cơ thể người bệnh.
- Rượu bia: Khiến cơ thể thêm mệt mỏi và lâu khỏi bệnh, vì chúng là thủ phạm khiến khó ngủ, mất ngủ, ngủ không ngon. Khi bị sốt, cơ thể rất cần nghỉ ngơi, nếu uống rượu bia trong thời gian này sẽ khiến cho hệ miễn dịch hoạt động kém đi vì cơ thể mệt mỏi.
- Nước đá lạnh: Khi bị sốt, nếu bạn uống quá nhiều nước đá hoặc nước lạnh, nhiệt độ của cơ thể không những không giảm mà còn sốt cao hơn. Trong trường hợp bạn bị sốt do các bệnh truyền nhiễm, chức năng của đường tiêu hóa bị giảm sút thì việc uống nước quá lạnh cũng sẽ rất nguy hiểm đến sức khỏe.
Như vậy, bên cạnh việc điều trị bằng thuốc thì chế độ ăn uống cũng góp phần quan trọng trong điều trị dứt điểm chứng sốt về chiều. Khi mắc bệnh, bạn nên đi khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Chúc bạn đọc luôn khỏe mạnh!
Xem ngay: Chảy máu cam là thiếu chất gì và có nguy hiểm không?