Dày dính màng phổi là một bệnh lý về phổi ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Thậm chí bệnh còn nguy hiểm đến tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Dưới đây là những thông tin chi tiết về bệnh!
Dày dính màng phổi là gì?
Dày dính màng phổi là tình trạng màng phổi đột ngột tăng kích thước và áp sát vào nhau. Tình trạng này thường do biến chứng của những bệnh liên quan đến phổi. Bệnh có thể dễ quan sát qua hình chụp X-quang với sự xuất hiện của một đám mờ ở phổi.
Dày dính màng phổi xuất hiện khi phổi bị tràn dịch dẫn đến viêm nhiễm, tụ máu, sưng phù và có dịch màu vàng chanh. Nếu càng để lâu, tình trạng phổi tăng độ dày bất thường càng rõ rệt.
Tình trạng này nếu để lâu dài có thể tiếp tục dính với trung thất, vòm hoành và các cơ xung quanh phổi, cơ sườn… ảnh hưởng đến khả năng vận động và sinh hoạt của người bệnh.
Nguyên nhân dày dính màng phổi
Nguyên nhân dẫn đến dày dính màng phổi thường do biến chứng của các bệnh lý về đường hô hấp, bệnh lý liên quan đến phổi như:
Do biến chứng của ho lao
Những người ho lao xuất hiện các cơn ho liên tục trong thời gian dài khiến vi khuẩn theo đường máu chui vào phổi. Nếu để lâu dài, các vi khuẩn này sẽ tích tụ, tấn công phổi dẫn đến tình trạng dày dính màng phổi.
Tình trạng ho lao kéo dài còn có thể khiến người bệnh xuất hiện các triệu chứng như: Sốt cao, đau tức ngực, suy nhược cơ thể, ăn không ngon miệng, khó thở…
Dày dính màng phổi do ung thư di căn
Khi các tế bào ung thư di căn tới phổi mà không được điều trị kịp thời sẽ tăng nguy cơ bị dày dính màng phổi. Một số bệnh nguy hiểm và có thể ảnh hưởng đến phổi là ung thư phế quản, ung thư phổi… Các biểu hiện của dày dính màng phổi do ung thư di căn thường là: Mệt mỏi kéo dài, thiếu máu, giảm cân, thiếu sức sống, thở khó khăn, đau tức ngực, ho kèm theo máu…
Do biến chứng của tràn dịch màng phổi
Ngoài ra, tình trạng dày dính màng phổi thường xảy ra do quá trình tràn dịch màng phổi kéo dài hoặc không được điều trị triệt để gây nên.
Triệu chứng dày dính màng phổi
Triệu chứng của dày dính màng phổi sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể, tình trạng này thường khiến người bệnh khó thở, ho, đau tức ngực, cơ thể suy nhược… Các triệu chứng này có thể quan sát rõ qua hình ảnh chụp trên X-quang phổi, bao gồm:
- Đám mờ ở phổi thuần nhất hoặc tương đối thuần nhất, các ranh giới của đám mờ này thường rõ. Xuất hiện tình trạng co kéo các cơ liên quan như: trung thất, vòm hoành, khoang gian sườn…
- Dày dính toàn bộ bên phế mạc: Triệu chứng này thường do di chứng của tràn dịch màng phổi điều trị không tốt, do chấn thương ảnh hưởng đến phổi. Trên hình chụp X-quang sẽ xuất hiện hình mờ một bên phổi với phản ứng co kéo rất mạnh.
>> Xem ngay những triệu chứng của viêm phổi để không nhầm lẫn
Dày dính màng phổi có nguy hiểm không?
Dày dính màng phổi thường không quá nghiêm trọng nếu được kiểm soát và điều trị kịp thời. Tuy nhiên trong một số trường hợp, tình trạng này không được điều trị sẽ dẫn đến co rút lồng ngực liên tục, hít thở khó khăn hơn trước.
Với người bị dày dính màng phổi nặng còn khiến lồng ngực co bóp mạnh hơn, vi khuẩn và virus tấn công dẫn đến xuất hiện mủ trong phổi. Những dấu hiệu này làm phổi bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn đến khó phục hồi gây ảnh hưởng đến khả năng hô hấp thậm chí tính mạng của người bệnh.
Dày dính màng phổi phải làm sao?
Để điều trị tình trạng dày dính màng phổi, người bệnh cần xác định được nguyên nhân gây bệnh. Thông thường, bệnh lý này thường được điều trị theo cách chọc hút dịch màng phổi để giảm tình trạng tràn dịch và làm xét nghiệm từ đó giúp người bệnh dễ thở hơn.
Sau khi phổi đã hết tình trạng tràn dịch, người bệnh sẽ được can thiệp bằng thuốc chống dính màng phổi theo chỉ định y khoa. Các loại thuốc này căn cứ vào mức độ dày dính ở người bệnh để có phương pháp điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến khả năng hô hấp.
Việc phát hiện sớm tình trạng dày dính màng phổi giúp tăng khả năng điều trị khỏi bệnh cao. Do đó, khi xuất hiện các dấu hiệu như đau ngực, khó thở, người bệnh không nên chủ quan mà cần đi thăm khám để có thể chẩn đoán chính xác bệnh.
Tập thở chống dày dính màng phổi
Các bài tập thở giúp hỗ trợ phục hồi hoạt động cũng như chức năng của hệ hô hấp. Các bài tập này cũng rất tốt cho phổi, giảm biến chứng của tình trạng dày dính màng phổi. Người bệnh có thể tập thở theo từng giai đoạn:
Giai đoạn cấp tính
Với những người mới xuất hiện triệu chứng dày dính màng phổi hoặc phòng ngừa bệnh có thể áp dụng tư thế tập thở sau:
Người bệnh nằm nghiêng sang phía bên không bị tràn dịch màng phổi. Tiếp tục lót đệm hoặc gối êm ở dưới sườn, dơ cánh tay phía trên giơ lên cao đồng thời duỗi thẳng hông. Ngoài ra, người bệnh có thể kết hợp động tác xoay người ra trước và sau đẻ tăng cường khả năng hoạt động của phổi, giúp phổi giảm dịch và hạn chế tình trạng dày dính.
Giai đoạn mãn tính, kéo dài lâu ngày
Những bài tập với người ở giai đoạn mãn tính giúp tăng cường khả năng hô hấp của phổi. Người bệnh có thể thực hiện tập thở cơ hoành với các tư thế tập thở khi nằm, khi đi, đứng và bò. Sau đó, tiếp tục thực hiện bài tập thở ngực để hỗ trợ phục hồi tổn thương khoang phổi.
Khi màng phổi đã bị tràn dịch và gây dính lâu ngày thì người bệnh cần thực hiện những bài tập với mục đích tăng cường thêm hoạt động hô hấp của phổi. Trước hết, người bệnh cần thư giãn để các cơ hô hấp có thể sẵn sàng cho các bài tập.
Tiếp theo, bạn cần tập thở cơ hoành bằng các tư thế nằm như nằm sấp xuống, nằm ngửa, nằm nghiêng về một bên. Đồng thời người bệnh cần tập thở khi đi, ngồi, bò và đứng.
Sau đó, người bệnh cần tập thở ngực để dần khắc phục tổn thương khoang phổi. Bạn có thể ứng dụng cả những bài tập trong bộ môn yoga để hệ hô hấp khỏe mạnh và cơ thể được dẻo dai hơn.
>> Có thể bạn quan tâm: Tràn khí màng phổi có nguy hiểm không?
Trên đây là những thông tin cơ bản về dày dính màng phổi. Người bệnh không nên chủ quan mà cần chú ý quan sát để điều trị và xử lý kịp thời.