Đau thần kinh tọa sau sinh được xem là một trong những nỗi ám ảnh nhất của mẹ bỉm sữa. Bởi đây là căn bệnh rất phổ biến với hơn 60% trường hợp mắc phải sau khi sinh nở. Vậy tại sao chị em lại bị đau thần kinh tọa sau sinh? Khắc phục như thế nào để bệnh không tái phát trở lại? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây.
Tại sao phụ nữ bị đau thần kinh tọa sau sinh?
Hiện tượng đau thần kinh tọa sau sinh được cho là bệnh lý rất phổ biến với hơn 60% phụ nữ gặp phải. Theo chia sẻ của các bác sĩ chuyên khoa, sở dĩ bệnh xảy ra phổ biến với tỷ lệ người mắc bệnh ngày càng cao là do 4 thủ phạm điển hình sau:
- Thói quen xấu sau sinh
Thường xuyên ngồi lâu, ít vận động, cho con bú sai tư thế, giờ giấc sinh hoạt thất thường, ngủ ít, thức khuya,… đều là những thói quen xấu mẹ bầu thường mắc phải sau khi sinh. Điều này khiến cơ thể rơi vào trạng thái suy nhược, mệt mỏi, căng thẳng kéo dài. Hệ cơ xương khớp và các dây thần kinh cũng phải hứng chịu những tác động tiêu cực gây đau thần kinh tọa sau sinh.
- Sự thừa cân sau khi sinh
Trong quá trình mang thai cơ thể người mẹ tăng trung bình từ 9 – 15 kg. Có những người tăng đến 20kg trong 9 tháng thai nghén. Vì vậy sau khi sinh chị em rất dễ rơi vào tình trạng thừa cân. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, ngoại hình của họ mà còn gây ra những hệ lụy xấu cho sức khỏe, đặc biệt là hệ cơ xương khớp.
Áp lực về cân nặng khiến cho khớp, xương và các dây thần kinh bị chèn ép, gây ra cảm giác đau nhức, nhất là khi di chuyển. Vì vậy mẹ bỉm sữa thường bị đau thần kinh tọa sau sinh. Tính chất cơn đau có thể âm ỉ hoặc đột ngột tùy theo từng người.
- Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn
Dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe, duy trì chức năng hệ cơ xương khớp. Trong thời kỳ nuôi con nhỏ bằng sữa mẹ, cơ thể người phụ nữ cần rất nhiều dưỡng chất để tiết sữa và bảo vệ sức khỏe. Khi bị thiếu hụt dinh dưỡng đĩa đệm, tủy sống, dây thần kinh cũng bị suy yếu, lỏng lẻo và bị chèn ép. Từ đó gây ra cảm giác đau thần kinh tọa cực kỳ khó chịu.
- Sự thay đổi về cấu trúc xương khớp
Trong suốt quá trình mang thai, hệ thống xương khớp phải căng giãn quá mức để tạo khoảng trống cần thiết cho sự phát triển của bé yêu. Trong đó phần khung chậu chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Sau khi sinh nở, khung xương sẽ dần co về trạng thái ban đầu. Quá trình dịch chuyển này khiến các bộ phận va chạm, cọ xát với nhau. Đồng thời chèn ép lên rễ dây thần kinh tọa và hệ thống dây thần kinh trên cơ thể gây đau nhức.
Dấu hiệu nhận biết đau thần kinh tọa sau sinh
Khi bị đau thần kinh tọa sau sinh, chị em sẽ gặp phải một số triệu chứng như:
- Cảm giác tê cứng ở cột sống lưng. Cơn đau tăng nặng hơn khi di chuyển hoặc vận động mạnh. Kèm theo các cơn đau nhói buốt từng đợt, rất khó chịu
- Cơn đau thường bắt đầu từ vùng thắt lưng. Sau đó lan tỏa xuống hai bên mông, mặt sau đùi và kết thúc ở các ngón chân
- Tính chất cơn đau có thể âm ỉ, cũng có thể đột ngột tùy vào từng trường hợp cụ thể
- Tầm vận động bị giới hạn, người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển, chất lượng cuộc sống suy giảm
- Đau thần kinh tọa sau sinh có thể xảy ra bất kể khi nào, nhất là lúc ho, hắt hơi, nghiêng người hoặc gập lưng….
Cách đẩy lùi triệu chứng đau thần kinh tọa sau sinh
Để giảm bớt cảm giác đau thần kinh tọa sau sinh, chị em có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Tích cực luyện tập thể dục bằng các bài tập đơn giản như đi bộ, tập yoga,… giúp tăng cường lưu thông máu và giảm đau hiệu quả
- Sử dụng nước ấm hoặc đá lạnh để chườm lên các vị trí bị đau nhức. Tác dụng của nhiệt độ có tác dụng làm giãn nở mạch máu, giải phóng sự chèn ép cho dây thần kinh, gân cơ. Cũng đem lại tác dụng tích cực trong việc giảm đau
- Sử dụng thuốc giảm đau nếu cường độ cơn đau làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, sinh hoạt. Việc sử dụng thuốc chỉ nên thực hiện khi có sự chỉ định của bác sĩ. Chị em không nên uống thuốc bừa bãi làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa và gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm
Trong trường hợp đau thần kinh tọa sau sinh diễn ra với mức độ nghiêm trọng, việc giảm đau bằng các phương pháp bảo tồn không đem lại hiệu quả thì bệnh nhân sẽ được tư vấn phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật chữa đau thần kinh tọa gồm có phẫu thuật cắt bỏ đĩa, mở ống sống,…. Điều này giúp người bệnh có thể phục hồi sức khỏe và vận động bình thường. Tuy nhiên không phải lúc nào việc phẫu thuật cũng đem lại tỷ lệ thành công như mong đợi.
Trên đây là một số kiến thức cơ bản về hiện tượng đau thần kinh tọa sau sinh và cách khắc phục. Hy vọng đã đem đến bạn đọc thêm nhiều kiến thức hữu ích. Chúc sức khỏe!