Đau thần kinh tọa là gì? Dấu hiệu, có chữa khỏi không?

Đau thần kinh tọa là một tình trạng xảy ra khá phổ biến hiện nay, gây ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe mà còn cả cuộc sống của người bệnh. Theo các bác sĩ, điều quan trọng nhất là người bệnh phải được chẩn đoán và điều trị sớm để gia tăng tỷ lệ phục hồi cũng như phòng ngừa biến chứng. Bạn đọc muốn tìm hiểu thêm những thông tin xoay quanh vấn đề này thì đừng bỏ qua bài viết sau.

Đau thần kinh tọa là gì?

Đau thần kinh tọa (tên tiếng Anh: Sciatica) là cơn đau xuất phát từ việc dây thần kinh tọa bị tổn thương hoặc kích thích. Dây thần kinh tọa vốn là dây thần kinh dài và dày nhất trong cơ thể con người, bắt nguồn từ vùng mông (hông) rồi trải dài xuống hai chân. Tình trạng này có thể chỉ xảy ra ở một bên chân duy nhất nhưng cũng có những trường hợp bị ảnh hưởng ở cả hai chân.

Trên thực tế, đau dây thần kinh tọa không được xem là một bệnh cụ thể, thay vào đó các chuyên gia xếp nó vào nhóm “Triệu chứng”. Thuật ngữ “đau thần kinh tọa” được dùng để chỉ cảm giác đau mà người bệnh cảm nhận được ở vùng mông, hông và hai chân. Nếu không sớm giải quyết, cả sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của người bệnh đều bị ảnh hưởng bởi cảm giác khó chịu kéo dài dai dẳng.

Đau thần kinh tọa có thể xảy ra đột ngột hoặc phát triển một cách từ từ. Vấn đề này còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Cũng theo các chuyên gia, tình trạng đau dây thần kinh tọa đang ngày càng trở nên phổ biến, chiếm đến khoảng 40% số ca bệnh liên quan cơ xương khớp hàng năm. Đối tượng mắc bệnh cũng đa dạng, bao gồm cả người trẻ tuổi và người già, nam giới và nữ giới.

Đau thần kinh tọa

Dấu hiệu đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa thường có các dấu hiệu nhận biết sau đây:

Cảm giác đau nhức

Giống như tên gọi, đau nhức là biểu hiện đặc trưng nhất ở người bệnh thần kinh tọa. Mỗi người bệnh thường mô tả cảm giác đau theo các cách khác nhau, điều này phụ thuộc một phần vào nguyên nhân bệnh. Cơn đau thần kinh tọa có thể buốt nhói như điện giật, có thể âm ỉ khó chịu.

Cơn đau có thể kéo dài liên tục nhiều ngày, có thể xuất hiện đột ngột rồi biến mất nhanh chóng. Đa phần người bệnh đều cảm thấy cơn đau ở chân nặng hơn cơn đau ở hông (mông).

Tê bì ở mông, hai chân

Bên cạnh cảm giác đau nhức, người bệnh thần kinh tọa cũng thường xuyên cảm thấy tê bì ở mông hoặc hai chân. Cảm giác khó chịu này đôi khi còn xuất hiện ở hai bàn chân, khiến người bệnh gặp khó khăn trong quá trình di chuyển.

Mất sức, yếu sức ở hai chân

Dây thần kinh tọa bị chèn ép hoặc tổn thương cũng có thể khiến bệnh nhân bị yếu sức, mất sức ở hai chân. Lúc này, hai chân người bệnh có cảm giác không còn đủ lực để hoạt động cũng như di chuyển. Triệu chứng này gây ảnh hưởng khá nhiều đến sinh hoạt của người bệnh.

Mất kiểm soát ruột, bàng quang

Đây là một dấu hiệu nguy hiểm ở người bệnh thần kinh tọa. Mất kiểm soát ruột, bàng quang thường xảy ra khi dây thần kinh tọa vùng yên ngựa bị tổn thương nghiêm trọng. Trường hợp này nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến bại liệt hoặc đi tiểu tiện, đại tiện không tự chủ.

Dấu hiệu đau thần kinh tọa

Nguyên nhân đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa có thể do một số bệnh lý khác nhau gây ra, cụ thể như sau:

  • Trượt đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm: Theo các chuyên gia, đây là nguyên nhân phổ biến nhất của đau dây thần kinh tọa. Đĩa đệm là những tấm đệm nằm giữa xương cột sống, làm nhiệm vụ giảm xóc cho cột sống. Áp lực từ chuyển động cột sống có thể khiến đĩa đệm bị bào mòn và phình lên, trượt ra khỏi vị trí ban đầu rồi chèn lên dây thần kinh tọa.
  • Thoái hóa đĩa đệm: Một tình trạng khác của đĩa đệm là thoái hóa cũng có thể gây ra bệnh thần kinh tọa. Thoái hóa đĩa đệm xảy ra khi đĩa đệm bị hao mòn theo thời gian, khiến đĩa đệm bị xẹp đi và gây nên vấn đề hẹp ống sống. Do không gian bên trong ống sống suy giảm mà áp lực đè nén lên dây thần kinh tọa cũng trở nên nhiều hơn.
  • Thoái hóa đốt sống: Giống như đĩa đệm, đốt sống cũng có thể bị thoái hóa theo thời gian, khi con người dần già đi. Thoái hóa đốt sống thường dẫn đến hiện tượng trượt đốt sống hoặc gai xương. Cả hai vấn đề này đều có khả năng tác động đến dây thần kinh tọa, gây ra cảm giác đau nhức khó chịu cho người bệnh.
  • Chấn thương cột sống hoặc dây thần kinh tọa: Những chấn thương này thường là kết quả của các va chạm bên ngoài, ví dụ như ngã khi chơi thể thao, tai nạn giao thông,… Chấn thương ảnh hưởng đến cấu trúc cột sống, khiến dây thần kinh tọa bị tổn thương.
  • Khối u ở cột sống thắt lưng: Dù khá hiếm gặp nhưng bệnh thần kinh tọa có thể liên quan đến khối u cột sống thắt lưng. Những khối u này là sự phát triển bất thường của tế bào, được chia thành 2 dạng là lành tính và ác tính. Đối với các khối u ác tính, khả năng chúng phát triển thành ung thư là rất cao.

Yếu tố nguy cơ gây đau thần kinh tọa

Bên cạnh các nguyên nhân nói trên, mọi người có thể có nguy cơ mắc bệnh thần kinh tọa cao hơn nếu rơi vào những trường hợp sau:

  • Tuổi tác cao: Người cao tuổi phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh lý xương khớp khác nhau, bao gồm từ thoát vị đĩa đệm đến thoái hóa đốt sống. Mà những tình trạng tổn thương này đều là nguyên nhân chính gây ra đau dây thần kinh tọa.
  • Thừa cân: Cột sống con người giống như một trụ thẳng đứng làm nhiệm vụ nâng đỡ cả cơ thể. Chính vì vậy, khi trọng lượng cơ thể gia tăng thêm, áp lực mà cột sống phải chịu đựng, nhất là khu vực thắt lưng cũng sẽ tăng cao hơn. Về lâu dài, đây chính là điều kiện thuận lợi cho bệnh thần kinh tọa phát triển.
  • Sai tư thế: Ngồi sai tư thế, mang vác vật nặng sai tư thế,… đều có thể gây ra tổn thương dây thần kinh tọa. Trong những trường hợp nghiêm trọng, đau thần kinh tọa sẽ xảy ra, kéo theo những cảm giác khó chịu ở người bệnh.
  • Các yếu tố khác: Lối sống ít vận động, hút thuốc lá thường xuyên, từng bị chấn thương cột sống trước đó, mang thai, bệnh tiểu đường, bệnh viêm xương khớp.

Nguyên nhân đau thần kinh tọa

Chẩn đoán đau thần kinh tọa

Chẩn đoán đau thần kinh tọa thường được thực hiện thông qua các bài kiểm tra sau đây:

  • Kiểm tra thể chất: Các bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh lý trước tiên sau đó yêu cầu người bệnh mô tả thêm về triệu chứng. Họ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân đi bộ một đoạn ngắn, nằm ngửa và duỗi thẳng chân lên,… để xem xét độ linh hoạt và sức mạnh vùng thắt lưng.
  • Chụp X-quang: Phương pháp chụp X-quang giúp các bác sĩ tìm ra các vấn đề liên quan đến đĩa đệm, gãy xương cột sống, nhiễm trùng, khối u cột sống hoặc gai xương có thể gây ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa.
  • Chụp MRI hoặc chụp CT: Các hinh ảnh của MRI và CT cho phép các bác sĩ quan sát cụ thể, chi tiết về xương sống cũng như các mô mềm ở vùng thắt lưng. Thông quá đó, họ sẽ tìm ra nguyên nhân khiến dây thần kinh tọa bị chèn ép hoặc tổn thương. MRI luôn được chỉ định trong việc chẩn đoán bệnh thần kinh tọa.
  • Điện cơ, chụp tủy đồ hoặc kiểm tra vận tốc dẫn truyền thần kinh: Các loại kiểm tra này giúp thăm dò mức độ di chuyển của xung điện qua dây thần kinh tọa và phản ứng của cơ bắp gần đó. Riêng chụp tủy đồ còn giúp xác định nguyên nhân đau thần kinh tọa có liên quan đến tổn thương đốt sống hoặc đĩa đệm hay không.

Đau thần kinh tọa có chữa khỏi không?

Đau thần kinh tọa có chữa khỏi được không cũng là một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của người bệnh. Theo các bác sĩ, vấn đề này còn phụ thuộc vào nguyên nhân chính xác gây ra bệnh thần kinh tọa.

Nếu nguyên nhân do cấu trúc cột sống bị thoái hóa và tổn thương (ví dụ: Thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đĩa đệm, thoái hóa xương khớp,…) thì người bệnh khó có thể chữa khỏi hoàn toàn. Trong trường hợp này, đau thần kinh tọa có thể tái phát nhiều lần, người bệnh chỉ có thể khắc phục tạm thời bằng thuốc hoặc vật lý trị liệu.

Đối với những trường hợp liên quan đến chấn thương phần mềm, gãy xương, sai tư thế hoặc lối sống kém lành mạnh, tỷ lệ chữa khỏi thường cao hơn. Bệnh thần kinh tọa lúc này được xem là dạng cấp tính, có thể được điều trị dứt điểm thông qua một số biện pháp y tế khác nhau, ví dụ như phẫu thuật, uống thuốc, thay đổi lối sống sinh hoạt,…

Đau thần kinh tọa có chữa khỏi không

Điều trị đau thần kinh tọa

Mục đích chính của việc điều trị bệnh thần kinh tọa là giúp giảm cơn đau và tăng cường khả năng vận động ở người bệnh. Tùy thuộc vào nguyên nhân chẩn đoán mà các bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị khác nhau. Hiện nay, các biện pháp thường được áp dụng nhất có thể kể đến là:

Sử dụng thuốc Tây y

Đây là phương án điều trị phổ biến và có thể sử dụng với nhiều trường hợp khác nhau, từ nhẹ cho đến nặng. Các loại thuốc Tây y được kê đơn gồm có:

  • Thuốc chống viêm NSAID: Để làm giảm cảm giác đau nhức khó chịu, người bệnh có thể dùng thuốc chống viêm NSAID, ví dụ như aspirin, ibuprofen, naproxen,… Đây là thuốc chống viêm liều nhẹ có tác dụng nhanh nhưng hạn chế sử dụng dài ngày vì có thể gây viêm loét dạ dày, đặc biệt là aspirin.
  • Thuốc giảm đau acetaminophen: Nếu người bệnh không dung nạp tốt NSAID thì có thể chuyển sang sử dụng thuốc giảm đau acetaminophen. Loại thuốc này thường giúp cải thiện nhanh chóng cơn đau nhờ vào cơ chế giảm sản sinh cyclooxygenase trong cơ thể. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyến nghị người bệnh kết hợp acetaminophen với thuốc giãn cơ.
  • Thuốc giãn cơ: Thuốc giãn cơ có tác dụng giảm sự co thắt ở cơ bắp nên được dùng để giảm thiểu tình trạng đau nhức ở người bệnh thần kinh tọa. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như mệt mỏi, chóng mặt, suy giảm chức năng gan, thận nên người bệnh cần lưu ý khi sử dụng. Ví dụ: Baclofen, tolperisone,…
  • Thuốc chống viêm opioid: Nếu mức độ đau ở người bệnh nghiêm trọng hơn, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng opioid. Đây là thuốc giảm đau và chống viêm liều mạnh, có thể được sử dụng qua đường uống và đường tiêm. Trong quá trình điều trị bằng opioid, người bệnh cần được theo dõi sức khỏe kỹ càng.

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là một biện pháp điều trị đau thần kinh tọa an toàn và hiệu quả. Mục đích chính của vật lý trị liệu là giúp người bệnh giảm đau, giảm áp lực ở các dây thần kinh tọa và thúc đẩy lưu thông máu trong cơ thể, cải thiện tình trạng tê bì khó chịu.

Người bệnh nên tìm đến các trung tâm vật lý trị liệu để được hướng dẫn luyện tập bởi các chuyên gia và huấn luyện viên. Đa phần liệu pháp trị liệu được kết hợp giữa các bài tập giãn cơ với các bộ môn thể thao cường độ nhẹ như bơi lội, yoga, đi bộ,… Người bệnh cũng có thể sử dụng thuốc Tây y và vật lý trị liệu song song nhau.

Điều trị đau thần kinh tọa

Phẫu thuật

Điều trị đau thần kinh tọa bằng phẫu thuật thường không được khuyến khích trừ khi người bệnh nằm trong các trường hợp sau đây:

  • Các triệu chứng không có sự cải thiện dù đã uống thuốc và sử dụng vật lý trị liệu.
  • Cơn đau ngày càng nghiêm trọng hơn, người bệnh bị yếu chi dưới hoặc không còn khả năng kiểm soát bàng quang và đường ruột.

Phẫu thuật không thể thực hiện ngay lập tức mà cần trải qua quy trình thẩm định và xem xét kỹ lưỡng từ bác sĩ. Bệnh nhân nên nhập viện và theo dõi trong một thời gian trước khi có quyết định can thiệp bằng ngoại khoa với khu vực cột sống thắt lưng.

Mục đích chính của phẫu thuật là loại bỏ áp lực đang chèn ép lên dây thần kinh tọa và ổn định cấu trúc cột sống. Các loại hình phẫu thuật được sử dụng hiện nay bao gồm:

  • Cắt bỏ một phần đĩa đệm: Đây là thủ thuật xâm lấn tối thiểu nhằm loại bỏ một phần đĩa đệm đang chèn lên dây thần kinh tọa.
  • Cắt cung sau cột sống: Trong thủ thuật này, lớp phiến mỏng của xương cột sống đang gây áp lực lên dây thần kinh tọa sẽ bị cắt bỏ.

Phòng ngừa đau thần kinh tọa

Để phòng ngừa đau thần kinh tọa, mọi người nên:

  • Luôn giữ tư thế thích hợp khi ngồi, đứng, nằm hay mang vác vật nặng. Điều này giúp tránh được áp lực lên vùng thắt lưng của mọi người.
  • Không hút thuốc lá vì nicotin trong thuốc lá có thể khiến lượng máu đến cột sống bị suy giảm, dễ dẫn đến những tổn thương xương khớp và dây thần kinh.
  • Duy trì cân nặng hợp lý vì nếu thừa cân, béo phì sẽ khiến nguy cơ mắc bệnh thần kinh tọa gia tăng nhiều hơn.
  • Tập thể dục thường xuyên để cơ khớp được thả lỏng, thư giãn và xây dựng sức mạnh cốt lõi cho cơ bắp, đặc biệt là các cơ vùng thắt lưng.

Bài viết trên đây hy vọng đã mang đến cho bạn đọc những thông tin cần thiết liên quan đến đau thần kinh tọa. Phần lớn các trường hợp bệnh thần kinh tọa không cần phải phẫu thuật, điều quan trọng nhất là dùng đúng thuốc và thường xuyên luyện tập thể thao. Trong trường hợp bệnh tình không cải thiện, người bệnh nên sớm đến bệnh viện để kiểm tra.

Bình chọn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *