Không ít người gặp phải tình trạng đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống hoặc lên xuống cầu thang. Thực chất, đây là triệu chứng phản ánh cấu trúc khớp tổn thương nghiêm trọng do một bệnh lý nào đó. Nếu không chăm sóc và điều trị đúng cách, tình trạng này có thể dẫn đến nguy cơ tàn phế cao.
Đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống là bệnh gì?
Đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống có thể do nhiều nguyên nhân và bệnh lý khác nhau. Trong đó, theo các chuyên gia y tế, tình trạng này có thể báo hiệu cơ thể đang mắc phải một bệnh lý về xương khớp như:
- Viêm khớp gối
Viêm khớp gối là một trong những bệnh lý thường gặp hiện nay do nhiều nguyên nhân như tuổi cao, ảnh hưởng từ các bệnh lý khác. Khi phần mô quanh khớp gối bị viêm sẽ dẫn đến sụn bị bào mòn khiến người bệnh sưng nóng và đỏ ở đầu gối. Viêm khớp gối có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, tuy nhiên phổ biến nhất ở người trên 45 tuổi.
- Thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối bắt đầu xuất hiện ở người trên 30 tuổi. Khi trên 55 tuổi, các triệu chứng này ngày càng rõ rệt, người bệnh sẽ cảm nhận rõ việc các khớp yếu hơn, ngồi lên đứng xuống bị đau. Tình trạng này khiến các sụn khớp trở nên xù xì, không còn trơn láng, khi người bệnh vận động các mặt khớp này cọ sát vào nhau gây ra những cơn đau nhức.
- Tràn dịch khớp gối
Tình trạng khớp gối có sự gia tăng bất thường của lượng dịch có thể dẫn đến vùng khớp gối sưng phù khiến người bệnh nặng nề, khó chịu hơn khi đi lại hoặc duỗi thẳng chân. Các cơn đau sẽ tăng lên khi người bệnh đứng lên hoặc ngồi xuống đột ngột.
- Bệnh gout
Gout là bệnh lý do tích tụ quá nhiều axit uric trong cơ thể, lúc này các tinh thể urat lắng đọng dẫn đến chèn ép và gây đau nhức các khớp. Trong đó, bệnh gout ảnh hưởng nhiều tới các khớp ngón tay, chân và đầu gối. Những người bị bệnh gout có nguy cơ đối diện với các cơn đau nhức đầu gối khi đứng lên ngồi xuống.
Ngoài những nguyên nhân trên, đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống có thể do tác động cơ học như:
- Chấn thương: tai nạn, ngã, chơi thể thao… khiến gân, xương sụn đầu gối bị tổn thương và gây ra những cơn đau nhức khi vận động.
- Thừa cân: Phần đầu gối sẽ phải gánh trọng lượng lớn của cơ thể dẫn đến đau nhức khi đứng lên ngồi xuống.
- Ít vận động: Tình trạng ít vận động khiến người bệnh ứ trệ khí huyết đến khớp gối và dẫn đến xương khớp suy yếu, đau nhức khi vận động.
Triệu chứng đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống
Đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống có thể diễn ra đột ngột hoặc kéo dài thường xuyên. Các cơn đau ở vùng khớp gối rõ rệt hơn khi người bệnh đứng lên ngồi xuống đột ngột, leo cầu thang, quỳ lâu. Ngoài ra, người bệnh có thể cảm nhận thêm các triệu chứng khác như:
- Đỏ, sưng và nóng ở vùng khớp.
- Yếu cơ, dính khớp, cứng khớp dẫn đến khó khăn khi duỗi hoặc gập khớp gối.
- Khi vận động đầu gối có thể phát ra tiếng kêu nhỏ.
Chẩn đoán đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống
Có nhiều phương pháp giúp hỗ trợ chẩn đoán đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống cho người bệnh như:
- Chụp X-quang: Giúp chẩn đoán sơ bộ các vấn đề về sụn khớp ở người bệnh.
- Chụp cắt lớp CT: Tạo ra các lớp cắt khi chẩn đoán bằng hình ảnh, hỗ trợ bác sĩ thực hiện
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Tạo hình cắt lớp cho các hình ảnh rõ ràng về các vấn đề về sụn khớp từ sâu bên trong.
Ngoài các phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh trên, các bác sĩ có thể chỉ định người bệnh xét nghiệm máu để tìm ra những vấn đề liên quan khác nếu nghi ngờ.
Điều trị đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống
Tình trạng đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống sẽ được cải thiện khi người bệnh xác định nguyên nhân gây bệnh và sử dụng thuốc điều trị phù hợp như giảm đau, chống viêm… Ngoài ra để hạn chế các triệu chứng tăng nặng, người bệnh nên:
Duy trì cân nặng hợp lý
Việc duy trì cân nặng hợp lý giúp các khớp gối giảm áp lực và tránh bị tổn thương. Do đó, bạn nên chú ý chế độ dinh dưỡng nhiều rau xanh, tăng cường vitamin D và canxi tốt cho sụn khớp.
Tập luyện nhẹ nhàng
Việc tập luyện nhẹ nhàng với các bài tập dưỡng sinh, đi bộ, bơi lội, đạp xe… rất tốt cho người bị đau đầu gối. Ngoài ra, việc tập luyện còn tốt cho sức khỏe tổng thể. Do đó, người bệnh nên tập luyện ít nhất 15 phút mỗi ngày để tốt cho sụn khớp.
Nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng
Tình trạng đau nhức đầu gối sẽ giảm bớt khi người bệnh nghỉ ngơi. Ngoài ra, nên tránh làm các việc nặng hoặc vận động đột ngột. Thay vào đó, người bệnh nên nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya để tốt cho sức khỏe.
Vật lý trị liệu
Các bài tập vật lý trị liệu giúp hỗ trợ người bệnh giảm nhanh triệu chứng đau nhức đầu gối. Ngoài ra, người bệnh có thể kết hợp chườm nóng và chườm lạnh để giảm đau nhức hiệu quả.
Đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống có thể báo hiệu sụn khớp đang gặp vấn đề. Do đó, người bệnh không nên chủ quan mà cần có phương pháp điều trị phù hợp.