Làm mẹ và nuôi dạy con là cả một hành trình dài đầy gian nan và biết bao lo toan. Mỗi khi bé bệnh, dù chỉ là những cơn ho, sổ mũi nhẹ thôi là các mẹ đã “ăn không ngon, ngủ không yên rồi”. Hôm nay, hãy cùng chúng tôi giải đáp thắc mắc về triệu chứng bé ho nhiều nhưng không sốt để có những biện pháp xử lý kịp thời nhất nhé!
Tại sao bé bị ho nhiều nhưng không sốt?
Ho về bản chất là một phản ứng tự nhiên của cơ thể khi muốn loại bỏ vật thể lạ, chất nhầy, vi khuẩn ra bên ngoài. Nếu ho kèm theo sốt là biểu hiện của việc cơ thể đang bị nhiễm trùng đường hô hấp do virus hoặc vi khuẩn gây bệnh. Ho kèm theo sốt cũng thường là triệu chứng của bệnh cảm lạnh hoặc cảm cúm.
Tuy nhiên, nếu bé ho nhiều nhưng không thấy triệu chứng sốt kèm theo thì không phải do nhiễm trùng. Nếu bé nhà bạn bị ho nhưng không sốt thì có thể do một trong những nguyên nhân sau:
- Nôn trớ quá nhiều: Có thể do bé bú quá no, ăn quá nhiều, nằm liền sau khi bú..
- Bé bị dị ứng hoặc có dị vật trong cổ họng: Ho là trạng thái cơ thể bé đang muốn tống dị vật (Đồ chơi, hạt cơm, thức ăn lạ hoặc chất nhầy) ra khỏi cơ thể.
- Viêm tiểu phế quản: Nếu bé có biểu hiện ho nhiều, ho kèm theo đờm, hay khò khè, thở nhanh, khó khăn với việc thở có thể đồng thời xảy ra thêm các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi.. thì có thể bé bị mắc bệnh viêm tiểu phế quản.
- Viêm tắc thanh quản: Khi bé mắc bệnh này thường bị ho nhiều, tiếng ho lạ, ho khan, đặc biệt vào ban đêm bé ho nhiều hơn. Đây là bệnh do virus gây ra, làm cổ họng và khí quản bị sưng, thu hẹp lại.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Nếu bé mắc bệnh này sẽ có triệu chứng ho khàn, thở khò khè, ho dai dẳng sau ăn hoặc khi nằm. Một số biểu hiện khác kèm theo như khi nuốt cảm thấy nóng rát, buồn nôn và ợ ra ngoài.
- Bệnh hen, suyễn: Những bé mắc bệnh hen suyễn thường có phổi rất nhạy cảm, bé khi mắc bệnh này thường có các cơn ho dai dẳng kèm theo tiếng rít khẽ và khò khè, triệu chứng nặng hơn vào ban đêm. Ngoài ra, bé có thể bị dị ứng với phấn hoa, lông, mùi động vật, bụi bẩn, khói hoặc dị ứng thời tiết. Một số nguyên nhân khiến trẻ bị mắc bệnh này có thể là do những tác động của môi trường, vi khuẩn lây lan…
- Bệnh ho gà: Trẻ em chưa được tiêm chủng ho gà sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh ho gà hơn. Bé mắc bệnh này thường có biểu hiện ho khan, tiếng ho khô khốc và rất nhanh, khi hít mạnh có thể nghe rõ tiếng rít the thé như tiếng gà. Ho gà có thể làm bé mệt lả, co giật và nguy hiểm hơn cả là ngừng thở.
Bé bị ho nhiều nhưng không sốt phải làm sao?
Nhiều mẹ vì quá lo lắng khi thấy bé có biểu hiện ho nhiều mà đã vội vã cho con uống thuốc kháng sinh hay siro trị ho mà không qua việc hỏi ý kiến của bác sĩ. Đây là một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất mà các mẹ hay mắc phải vì hành động này có thể khiến bệnh tiến triển nặng hơn hoặc gây nhờn thuốc, không đáp ứng với các cách trị ho khác…
Nếu thấy con có dấu hiệu ho nhưng không bị sốt, không quấy khóc, bé vẫn có thể ăn ngủ và chơi đùa bình thường thì chưa cần quá lo lắng. Việc mẹ nên làm nhất là quan sát và để ý kỹ các biểu hiện của bé để xem có biểu hiện nào bất thường xảy ra không.
Điều quan trọng nhất đó là cần xác định được chính xác nguyên nhân gây ra triệu chứng này của bé để có hướng xử lý phù hợp nhất. Tuy nhiên, mẹ có thể áp dụng một số bài thuốc thảo dược an toàn dưới đây để cải thiện tình trạng này của bé:
- Cho bé uống mật ong hấp lá húng chanh
- Cho bé ngậm quất hấp đường phèn
- Cho bé ngậm quất hấp mật ong
Một số phương pháp mẹ có thể áp dụng ngay khi thấy con bị ho nhiều như:
- Vệ sinh sạch sẽ mũi cho bé bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
- Không cho bé ăn quá sát giờ đi ngủ, muộn nhất là cho bé ăn trước 1 tiếng trước khi ngủ để tránh tình trạng hệ tiêu hóa của bé không tiêu hóa kịp thức ăn, bé bị chướng bụng, nôn trớ, ho sặc.
- Cho bé uống nhiều nước trong ngày để giảm cảm giác ngứa họng gây ho.
- Cho bé ăn các thực phẩm dễ tiêu hóa, ăn thức ăn dạng lỏng, kiêng tôm, cua và những thực phẩm gây ho nhiều.
- Vệ sinh sạch sẽ không gian sống và vui chơi của trẻ, tuyệt đối không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, hít phải khói bụi, ô nhiễm.
- Hạn chế hoặc ngăn không cho bé tiếp xúc với vật nuôi trong nhà, phấn hoa, nước hoa..
- Giữ ấm cho trẻ đặc biệt là phần cổ họng, ngực, gan bàn chân khi ngủ. Cho bé gối đầu cao hơn so với thân mình.
Khi nào mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ
- Bé bị khó thở, thở khò khè, đau tức ngực khi thở sâu.
- Bé bị ho nhiều kèm theo nôn mửa liên tục, cứ ăn vào là muốn nôn, cảm giác khó nuốt thức ăn.
- Bé có dấu hiệu mệt lả, ốm yếu, chán ăn.
- Bé có dấu hiệu như đang mắc dị vật trong cổ họng.
- Bé bị ho ra máu.
Trên đây là những thông tin về tình trạng bé bị ho nhiều nhưng không sốt, hy vọng có thể giúp ích cho các mẹ trong quá trình chăm sóc bé yêu. Chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh!
Xem thêm: Ho khan kéo dài là bệnh gì?