Gia súc là gì? Tưởng chừng như đây chỉ là một câu hỏi chỉ dành cho trẻ con, thế nhưng nếu hỏi ngược lại người lớn về khái niệm này không ít người sẽ bỡ ngỡ. Hôm nay hãy cùng chúng tôi giải đáp thắc mắc liên quan đến khái niệm này nhé!
Gia súc là gì?
“Gia súc” là khái niệm dùng để chỉ các loài động vật có vú được con người thuần hóa và chăn nuôi vì mục đích phục vụ các nhu cầu như: Thực phẩm, tận dụng sức lao động, phục vụ mục đích kinh tế.
Ngày nay, việc chăn nuôi gia súc là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp.
Vậy vật nuôi có phải là gia súc hay không?. Câu trả lời là khái niệm “vật nuôi” có thể mang nghĩa hẹp và rộng. Theo đó,
- Theo nghĩa rộng, vật nuôi là bất cứ giống súc vật nào được con người nuôi vì mục đích hữu dụng và thương mại.
- Vật nuôi cũng có thể có hàm nghĩa là “gia súc”, “bán gia súc” hay động vật hoang dã bị nuôi nhốt. Trong đó, “bán gia súc” là khái niệm dùng để chỉ những loài động vật mới được con người thuần hóa ở mức độ thấp hoặc còn đang bị tranh cãi về tình trạng thuần hóa.
- Theo nghĩa hẹp, một số người sử dụng khái niệm vật nuôi với ý chỉ các loài động vật nuôi trong nhà hoặc các loài động vật cung cấp thịt đỏ.
Như vậy, tựu chung thì gia súc chính là những loài động vật tồn tại ngay trong đời sống hàng ngày và rất gần gũi với con người như: Trâu, bò, ngựa, lợn, dê… Chúng là các loài động vật được nuôi để cung cấp nguồn thịt (chủ yếu), cung cấp sữa, lông… cho con người.
Những điểm mới trong luật chăn nuôi năm 2018
Ngày 19/11/2018 vừa qua, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật chăn nuôi số 32/2018/QH14 (sau đây được gọi tắt là Luật Chăn nuôi 2018).
Đây là luật mới và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020, quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về hoạt động chăn nuôi.
Luật quy định một số khái niệm như sau:
- Vật nuôi bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi
- Tại khoản 6, điều 2 có quy định: Gia súc là các loài động vật có vú, có 04 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi.
5 điểm mới đáng chú ý trong Luật chăn nuôi năm 2018
Định nghĩa lại “Chăn nuôi là gì?”
Điều 2 Luật chăn nuôi 2018 có quy định: Chăn nuôi là ngành kinh tế – kỹ thuật bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi.
Nếu như pháp lệnh năm 2004 chỉ quy định “giống vật nuôi” là bao gồm các giống gia súc, gia cầm, ong, tằm, động vật thủy sản và các sản phẩm giống của chúng như tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng và vật liệu di truyền giống. Thì tại Luật chăn nuôi 2018, khái niệm này được quy định theo nghĩa rộng hơn, đó là “quần thể vật nuôi cùng loài, cùng nguồn gốc, có ngoại hình và cấu trúc di truyền tương tự nhau, được hình thành, củng cố, phát triển do tác động của con người; phải có số lượng đảm bảo để nhân giống và di truyền được những đặc điểm của giống cho thế hệ sau, bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi”.
Khái niệm này cũng nêu rõ:
- Gia súc là các loài động vật có vú, có 04 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi. Gia cầm là các loài động vật có 02 chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người thuần hóa và chăn nuôi.
- Động vật khác trong chăn nuôi là động vật ngoài gia súc, gia cầm và ngoài danh mục loài nguy cấp, động vật quý hiếm đang được ưu tiên bảo vệ, danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm hoặc động vật rừng thông thường, động vật thủy sản hoặc danh mục động vật rừng hoang dã đã nêu trong Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Nghiêm cấm bơm nước vào thịt gà, vịt nhằm gian lận thương mại
Tại điều 12 tại Luật chăn nuôi 2018 quy định 14 hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi. Trong đó đáng chú ý nhất là:
- Nghiêm cấm hành vi sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng.
- Nghiêm cấm việc sử dụng, bơm nước hoặc đưa chất, vật thể cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi, sản phẩm của vật nuôi nhằm mục đích gian lận thương mại.
- Xả chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu vào nơi tiếp nhận chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Phải gây nhất vật nuôi trước khi giết mổ
Nhằm mục đích đối xử nhân đạo với vật nuôi, tại chương V có quy định riêng một mục nêu rõ:
- Tổ chức và cá nhân có hoạt động chăn nuôi thì phải có chuồng trại và không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi. Phải cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống đảm bảo vệ sinh và phòng bệnh, trị bệnh cho vật nuôi theo quy định của pháp luật về thú y. Đồng thời, không đánh đập và hành hạ vật nuôi.
- Cơ sở giết mổ vật nuôi phải đảm bảo vệ sinh, cung cấp đủ nước uống phù hợp cho vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ và cần có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ, không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.
Chuồng chăn nuôi nông hộ phải tách biệt với nơi ở của người
Tại điều 52 Luật chăn nuôi 2018 quy định rõ quy mô chăn nuôi bao gồm: Chăn nuôi trang trại (quy mô lớn, vừa và nhỏ) và chăn nuôi nông hộ.
Theo đó, chăn nuôi theo hình thức nông hộ thì cần đáp ứng 3 yêu cầu sau:
- Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người
- Việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi phải được thực hiện định kỳ
- Phải có biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch, thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y và bảo vệ môi trường.
Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi
Nội dung này bao gồm các cơ sở dữ liệu như sau:
- Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chăn nuôi
- Về giống vật nuôi, nguồn gen giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi
- Cơ sở chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi
- Vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh
- Cơ sở dữ liệu khác về chăn nuôi.
Như vậy, trên đây là những thông tin giải đáp cho câu hỏi “gia súc là gì?” và những thông tin nổi bật nhất về Luật chăn nuôi năm 2018, hy vọng đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích và thú vị!