Khi chụp X-Quang, hội chứng đông đặc phổi được biểu hiện là những hình mờ chiếm một vùng hoặc rải rác trên phế trường. Nó thường chiếm một phần thùy hoặc một bên phổi.
Hội chứng đông đặc phổi là gì?
Hội chứng đông đặc phổi là một tình trạng bệnh lý xảy ra ở nhu mô phổi, khi người bệnh đang mắc một bệnh lý nào đó về phổi. Đông đặc phổi có thể được phát hiện trên các thăm khám lâm sàng hoặc chụp X-Quang. Ở trạng thái khỏe mạnh, các nhu mô phổi xốp và nhẹ. Trong một số trường hợp bệnh lý, tỷ trọng của nhu mô phổi tăng lên mất tính chất xốp. Sở dĩ xảy ra hiện tượng này là do khi nhu mô phổi bị viêm, phù nề, các phế nang vùng tổn thương bị xung huyết và chứa đầy tiết dịch hoặc làm cho nhu mô phổi bị xẹp lại, từ đó làm nhu mô phổi trở lên đặc và có tỷ trọng cao hơn bình thường.
Tưởng tượng: Nếu ta cắt một mảnh phổi bị hội chứng đông đặc (bị viêm), rồi bỏ vào cốc nước sẽ thấy mảnh phổi này chìm xuống đáy cốc chứ không nổi trên mặt nước như phổi khỏe mạnh.
Nguyên nhân hội chứng đông đặc phổi
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng đông đặc phổi, có thể do virus, vi khuẩn, lao, nấm phổi hoặc ký sinh trùng,.. Tuy nhiên, có thể kể đến 5 bệnh lý điển hình nhất gây ra hội chứng này như sau:
Viêm phổi thùy
Là bệnh lý xảy ra do những tổn thương trong tổ chức phổi như tổ chức liên kết, phế nang,.. Bệnh chủ yếu do vi khuẩn, nấm, hóa chất hoặc do ký sinh trùng gây nên. Đây cũng là bệnh lý hàng đầu gây ra hội chứng đông đặc điển hình. Một số triệu chứng của bệnh như:
- Người bệnh nóng sốt đột ngột, sốt cao, có cơn rét run đi kèm triệu chứng nhói đau một bên ngực.
- Ho có đờm màu rỉ sắt.
- Khi làm các xét nghiệm lâm sàng thì phát hiện hội chứng đông đặc kèm theo rên nổ hoặc nhiều khi có tiếng thổi ống.
Áp xe phổi
Là tình trạng nhu mô phổi bị viêm cấp diễn có mưng mủ. Nguyên nhân trực tiếp gây bệnh là do các loại vi khuẩn gây mủ ưa khí hoặc kỵ khí. Các triệu chứng ban đầu của áp xe phổi cũng giống như triệu chứng ở viêm phổi thùy hoặc viêm phổi đốm, sau khoảng 1-2 tuần thì ộc mủ, có thể lẫn máu.
Khi tiến hành xét nghiệm, thăm khám lâm sàng thì có thể thấy hội chứng đông đặc kèm theo tiếng rên bọt. Nếu ổ áp xe to, vị trí gần thành ngực thì sau khi ộc mủ có thể thấy tiếng thổi hang hay tiếng thổi vò. Nếu chụp chiếu X-Quang có thể thấy hình mờ ở phổi với nhiều hoặc nhiều ổ. Tới giai đoạn thoát mủ ra ngoài có thể thấy hình hang với nước ngang ở các ổ ở áp xe.
Lao phổi
Lao phổi là một trong những dạng bệnh lý có diễn biến lâm sàng bán cấp hoặc mạn tính và đây cũng là bệnh lý gây ra hội chứng đông đặc ở một hoặc nhiều vị trí trên phổi và có thể tiến triển thành mãn tính. Người bệnh bị lao phổi thường có biểu hiện là ho và sốt dai dẳng kéo dài, cơ thể suy nhược dần và trong đờm tìm thấy trực khuẩn lao.
Xẹp phổi do chèn ép phế quản
Là nguyên nhân khá phổ biến gây ra hội chứng đông đặc phổi. Nếu là xẹp phổi một phân thùy thì việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào X-Quang. Nếu là xẹp phổi do chèn ép đột ngột phế quản lớn ví dụ như hít phải một dị vật, cục máu chít phế quản sau khi ho ra máu thì sẽ gây khó thở dữ dội. Khi tiến hành khám thực thể thì thấy xuất hiện hội chứng 3 giảm như trong tràn dịch màng phổi, di động lồng ngực bên xẹp kém rõ rệt.
Nhồi máu động mạch phổi
Đây là một trong những yếu tố gây ra hội chứng đông đặc phổi không điển hình với các biểu hiện như: Tắc một nhánh động mạch phổi – Thường gặp trong một số bệnh có tình trạng máu dễ đông như hẹp van hai lá, bệnh nhân sau khi mổ, phẫu thuật vùng tiểu khung hoặc phụ nữ sau khi sinh.
Các triệu chứng điển hình của bệnh có thể kể đến như khó thở, đau ngực đột ngột, khạc ra máu tím đen, vã mồ hôi. Khi khám lâm sàng có thể thấy vùng đông đặc, có tràn dịch nhẹ ở màng phổi. Nếu chụp X-Quang thì có thể thấy hình mờ chiếm một diện nhỏ như một phân thùy phổi.
Các triệu chứng lâm sàng của hội chứng đông đặc phổi
Hội chứng đông đặc phổi điển hình
Đông đặc phổi điển hình thường do viêm phổi thùy gây ra bởi phế cầu khuẩn hoặc thùy viêm lao. Khi khám lâm sàng bằng cách sờ rung thanh tăng, gõ đục, rì rào phế nang giảm, rung thanh tăng do nhu mô phổi bị đông đặc dẫn đến việc truyền tiếng rung của thanh âm xa hơn bình thường.
Trường hợp bệnh nhân có thành ngực dày, khi sờ khó phát hiện thì có thể kiểm tra bằng nghe tiếng nói. Nếu thấy vang hơn bình thường thì gọi là tiếng vang phế quản.
Gõ đục: Hiện tượng này do các phế nang chứa dịch viêm xuất tiết khiến cho luồng khí lưu thông bị hạn chế. Nếu nghe mà thấy tiếng tiếng thổi ống, tiếng ran nổ, tiếng ran ẩm thì chắc chắn là hội chứng đông đặc phổi.
Khi kiểm tra bằng chụp X-Quang: Sẽ thấy bóng mờ thuần nhất có giới hạn, khu trú rõ ở một thuỳ hoặc phân thùy phổi có dấu hiệu phế quản hơi.
Hội chứng đông đặc phổi không điển hình
Thường có các tình trạng đông đặc khác như sau:
- Đông đặc một diện rộng: Khi khám phổi thì thấy có hội chứng 3 giảm, thường gặp trong viêm phổi giai đoạn tỳ hóa hoặc viêm phổi kèm theo phù màng phổi.
- Đông đặc thể khu trú: Là bệnh thường gặp trong lao phổi khu trú, viêm phổi virus hoặc hội chứng Loefler. Đông đặc thể khu trú có vị trí ở gần rốn phổi, xa thành ngực và để chẩn đoán chính xác bệnh thì cần dựa vào phương pháp chụp X-Quang phổi để phát hiện đám mờ khu trú.
- Đông đặc phổi rải rác: Là hội chứng thường gặp trong phế quản phế viêm và lao tản mạn, khi chụp X-Quang thì thấy có những nốt mờ rải rác ở 2 phổi, khám lâm sàng thì nghe thấy có tiếng ran nổ rải rác hai phổi.
- Đông đặc co kéo: Là hội chứng thường gặp do xơ phổi hoặc xẹp phổi. Hình ảnh chụp X-Quang cho thấy có đám mờ khu trú hình tam giác ở phân thùy hoặc thùy phổi kèm theo co kéo khí quản, cơ hoành, trung thất, các khoảng gian sườn. Khám phổi thấy có hội chứng 3 giảm kèm theo các biểu hiện co kéo khoảng gian sườn, ngực lép lại và giảm biên độ thở.
X quang đông đặc phổi
Hình ảnh X-quang phổi đông đặc cho thấy hình mờ chiếm cả một phân thùy, cả một bên phổi hoặc rải rác ở trên phế trường. Ranh giới nốt mờ không rõ nét hoặc rõ nét, mật độ nốt mờ không đều hoặc đều.
Chụp X quang giúp xác định được vị trí đông đặc, kích thước, các tổn thương. Hình ảnh X-quang chỉ cho biết được sự thay đổi hình thái ở tổ chức để xác định được nguyên nhân gây hội chứng đông đặc phổi.
Quan sát các tạng lân cận: Hình ảnh mờ lớn ở một bên phổi sẽ kèm theo co rút trung thất, cơ hoành. Khi tạng lân cận bị đẩy ra có thể là do bị tràn dịch màng phổi.
Điều trị viêm phổi đông đặc
Sau khi đã thực hiện xét nghiệm, chụp X quang và xác định đúng bệnh. Dựa vào kết quả bệnh lý nặng nhẹ, bác sĩ sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp.
Điều trị đông đặc phổi chủ yếu là dùng kháng sinh để ngăn cản sự phát triển và lan rộng của các virus vi khuẩn trong phổi. Thông thường, khi bệnh ở giai đoạn nhẹ, những chuyên gia sẽ hỗ trợ tư vấn và điều trị để phổi tự lành. Tuy nhiên, nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng có thể gây ung thư phổi, áp xe phổi ở tình trạng nặng hơn, xuất huyết phổi cần đến sự can thiệp của phẫu thuật.
Thông thường, những bệnh lý về phổi đều khó thể tự chữa trị tại nhà bằng các biện pháp dân gian. Người bệnh đông đặc phổi không được tự ý uống thuốc hoặc sử dụng các biện pháp thiếu căn cứ. Phổi là một bộ phận vô cùng quan trọng, do đó bạn cần ý thức chữa trị sớm để tránh gây ra những hậu quả xấu về sau.
Trên đây là những thông tin liên quan đến nguyên nhân, triệu chứng lâm sàng của hội chứng đông đặc phổi. Nhìn chung, các triệu chứng lâm sàng của đông đặc phổi rất phức tạp và cần dựa vào nhiều yếu tố mới chẩn đoán chính xác được. Điều quan trọng trong phòng và chữa bệnh đó là cần duy trì một lối sống lành mạnh, khoa học, không hút thuốc lá, tránh môi trường ô nhiễm, bụi bẩn và có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tập hợp lý.
Bệnh lý liên quan: Nhu mô phổi là gì?