Viêm phổi ở người già có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong năm, gây mệt mỏi, suy nhược, ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt. Để phòng tránh viêm phổi ở người già, chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu nguyên nhân và một số cách phòng ngừa qua bài viết sau đây nhé.
Nguyên nhân gây viêm phổi ở người già
Không giống như những độ tuổi khác, nguyên nhân gây bệnh viêm phổi ở đối tượng người già rất đa dạng. Bởi họ có sức đề kháng yếu, cùng sự suy giảm của nhiều chức năng trên cơ thể nên dễ mắc phải bệnh viêm phổi hơn. Trong đó, các loại vi khuẩn, nấm thường là những tác nhân dẫn tới tình trạng nhiễm trùng phổi ở người già, cụ thể là các loại sau:
- Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng).
- Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn).
- Haemophilus influenzae.
- Chlamydia pneumoniae.
- Legionella pneumophila trực khuẩn Gram âm đường ruột.
- Moraxella catarrhalis…
Ngoài ra, các loại virus cúm cũng thường xuyên gây viêm phổi ở người già. Chúng tạo ra hội chứng nhiễm trùng đường hô hấp cấp và có thể dẫn tới tình trạng viêm phổi nặng. Hơn nữa, những người cao tuổi thường mắc nhiều các bệnh lý mạn tính như bệnh tim mạch, bệnh gan, bệnh giãn phế quản… tạo điều kiện cho các loại virus dễ xâm nhập hơn.
Việc sử dụng quá nhiều rượu bia, thuốc lá, thuốc lào cũng là những tác nhân thúc đẩy quá trình viêm nhiễm ở phổi của người cao tuổi. Bởi sở dĩ hệ miễn dịch của những đối tượng này đã không còn khỏe mạnh nên bất kỳ yếu tố nào cũng dễ dàng gây ra bệnh hơn nếu không biết cách giữ gìn và phòng tránh.
Dấu hiệu viêm phổi ở người già
Một số dấu hiệu phổ biến nhất để nhận biết được bệnh viêm phổi ở người già đó là:
- Ho: Ho là một triệu chứng thường gặp nhất khi người già bị viêm phổi. Tình trạng ho kéo theo đờm loãng hoặc đặc quánh dai dẳng lâu ngày không dứt. Thậm chí ở một số người còn thấy có dính máu kèm đờm khi ho, đây có thể là do mao mạch bị vỡ do ho quá nhiều.
- Khó thở: Viêm phổi khiến cho quá trình hô hấp bị ảnh hưởng nặng nề. Người mắc bệnh sẽ thở nhanh và nông hơn, thở rít và cánh mũi thường phập phồng. Nhiều trường hợp sẽ thấy đau tức ngực khi thở kèm theo sự mệt mỏi, suy nhược cơ thể.
- Cơ thể mất nước: Một dấu hiệu cũng rất điển hình của chứng viêm phổi ở người già đó chính là tình trạng mất nước. Lúc này, người bệnh sẽ thấy môi khô nứt, da trở nên nhăn nheo, lưỡi trắng và má hóp lại.
- Xuất hiện nhiều dịch trong phổi: Khi chụp X-quang bệnh nhân sẽ quan sát được các dịch rỉ viêm xuất hiện trong phổi. Ngoài ra còn có những đốm mờ đục bám trên nền phổi. Đây đều là những dấu hiệu cho thấy phổi đã bị nhiễm trùng và tổn thương.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp viêm phổi ở người già không có biểu hiện ho nhiều, chỉ hơi húng hắng ho nhẹ nên rất dễ nhầm lẫn với bệnh cảm cúm thông thường. Vì vậy, để nhận biết một cách chính xác nhất thì người cao tuổi cần được đến các cơ sở y tế để thăm khám kỹ lưỡng.
Biến chứng viêm phổi ở người già
Ở những giai đoạn đầu, bệnh viêm phổi của người già khá khó để phát hiện. Do chúng không có biểu hiện quá rõ ràng lại rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Nhưng chỉ sau một khoảng thời gian ngắn từ 7 đến 10 ngày mà không được điều trị kịp thời thì viêm phổi sẽ khiến người bệnh khó thở, suy nhược cơ thể nhanh chóng.
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm phổi ở người cao tuổi có thể dẫn tới suy hô hấp, áp xe phổi, viêm phế quản phổi, viêm thận, trụy tim mạch, nhiễm trùng lan ra các bộ phận khác của cơ thể… Vì thế, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay trước khi diễn biến tình trạng viêm phổi ở người già trở nên xấu đi và khó cứu chữa.
Điều trị viêm phổi ở người già hiệu quả
Để điều trị viêm phổi ở người già một cách hiệu quả, cần phải tìm ra nguyên nhân và đánh giá tình trạng bệnh đang ở mức độ nặng hay nhẹ. Với những trường hợp mới phát bệnh ở giai đoạn đầu thì các bác sĩ có thể yêu cầu điều trị nội trú tại nhà với một số loại thuốc là:
- Thuốc giảm ho, tiêu đờm.
- Thuốc hỗ trợ tim mạch, chống khó thở, tức ngực.
- Nếu nguyên nhân gây bệnh từ các loại vi khuẩn thì sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc kháng sinh đặc trị.
Với những trường hợp viêm phổi đã ở giai đoạn nặng thì người bệnh cần làm các xét nghiệm, chụp X-quang để đánh giá tổn thương. Ngoài ra, các công cụ y tế chuyên dụng để hỗ trợ quá trình hô hấp sẽ được áp dụng cho người già bị viêm phổi nặng và khó thở. Người bệnh cần tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ, dùng thuốc đúng liều lượng để việc điều trị được thuận lợi và mang lại hiệu quả cao nhất.
Cách chăm sóc và phòng ngừa viêm phổi người già
Việc chăm sóc, phòng ngừa viêm phổi ở người già là rất quan trọng đối với cả gia đình và bản thân người cao tuổi để có thể duy trì được một sức khỏe tốt nhất. Bạn đọc có thể tham áp dụng các biện pháp sau đây để phòng tránh chứng viêm phổi thường gặp ở người già.
- Thường xuyên vệ sinh các vật dụng trong nhà, sắp xếp đồ đạc gọn gàng, tạo không gian nơi ở thoáng mát, trong lành và sạch sẽ.
- Đeo khẩu trang khi đến các nơi có nhiều khói bụi, ô nhiễm môi trường.
- Không hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế các loại rượu bia để phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng phổi.
- Thiết lập chế độ dinh dưỡng khoa học, sử dụng các loại thực phẩm sạch có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
- Tăng cường các loại hoa quả, rau xanh giàu vitamin để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
- Giữ ấm ngực, cổ, tay, chân vào mùa đông và mặc trang phục thoáng mát vào mùa hè.
- Vệ sinh răng miệng 2 lần mỗi ngày và cung cấp đủ nước cho cơ thể.
- Tiêm phòng các loại vắc-xin được sản xuất dành riêng cho người cao tuổi để phòng ngừa bệnh phổi và một số bệnh lý nguy hiểm khác.
>> Xem thêm: Trẻ bị viêm phổi có được tắm không?
Trên đây là toàn bộ những thông tin hữu ích nhất về bệnh viêm phổi ở người già mà chúng tôi muốn cung cấp tới bạn đọc. Hy vọng chúng sẽ giúp cho bản thân người bệnh và gia đình có phương hướng điều trị tốt nhất khi không may mắc phải. Hãy tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp sớm nhất nếu như bạn còn bất kỳ thắc mắc nào về các triệu chứng của bệnh viêm phổi.