Bệnh tâm phế mạn là bệnh lý liên quan đến cả hệ tim mạch lẫn hô hấp. Bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm nếu không kịp thời phát hiện và điều trị đúng cách. Dưới đây chính là những thông tin về bệnh lý tâm phế mạn, cơ chế, triệu chứng và biến chứng của bệnh, mời các bạn cùng theo dõi.
Tâm phế mạn là bệnh gì?
Tâm phế mạn là một bệnh lý của hệ tim mạch, chính xác hơn đây là một bệnh lý ở tâm thất phải của tim và được gọi là bệnh suy tim phải thứ phát. Bệnh lý này xảy ra do nguyên nhân chính là tăng áp lực động mạch phổi, được các chuyên gia y học giải thích cơ chế gây bệnh như sau:
Trong cơ thể người, tim được chia làm 4 ngăn chính, trong đó tâm thất phải chính là một trong hai tâm thất quan trọng của tim có chức năng đẩy máu có chứa tạp chất về phổi theo đường động mạch phổi. Bên cạnh đó, trong lòng các mạch máu luôn có một áp lực nhất định giúp điều hòa, duy trì sự trơn tru trong việc vận chuyển máu.
Đối với bệnh tâm phế mạn, áp lực trong lòng động mạch phổi bị tăng lên do các các nguyên nhân xuất phát từ nhu mô phổi, các bệnh lý của phổi,…. Áp lực tăng làm cho việc vận chuyển máu từ tim về phổi bị cản trở và khó khăn. Lúc này, tâm thất phải cần phải co bóp mạnh hơn để tạo ra lực đẩy lớn hơn áp lực trong lòng động mạch giúp máu có thể về phổi, từ đó máu có thể thực hiện quá trình trao đổi chất.
Hoạt động quá sức trong thời gian dài sẽ khiến tim bị giãn ra và hình thành nên bệnh suy tim. Lúc này, bệnh tâm phế mạn chính thức hình thành.
Các chuyên gia về tim mạch cũng chia sẽ rằng: Suy tim không chỉ xảy ra do sự gia tăng áp lực ở động mạch phổi mà còn là do các vấn đề như: Suy hô hấp, cơ chế rối loạn khí máu,….
Cùng với đó là các nguyên nhân gây nên bệnh tâm phế mạn như: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (hay còn gọi là COPD), bệnh bụi phổi, bệnh hen suyễn, lao xơ phổi, thậm chí là viêm phế quản mạn,…..
Triệu chứng tâm phế mạn
Triệu chứng của bệnh lý sẽ tùy vào giai đoạn mà có những mức độ cũng như các triệu chứng phụ khác kèm theo, tuy nhiên các triệu chứng chính của bệnh này sẽ là:
- Khó thở: Đặc biệt là khi làm việc gắng sức, người bệnh sẽ rất khó thở, phải ngừng ngay công việc lại và ngồi nghỉ thì cơn khó thở sẽ đỡ hơn. Nếu không điều trị kịp thời, về lâu dài cơn khó thở sẽ xảy ra thường xuyên hơn, ngay cả khi người bệnh không làm việc nặng vẫn bị khó thở.
- Người mệt mỏi và thở gấp: Đây là dấu hiệu của việc máu không có đủ áp lực để đi khắp cơ thể nuôi các cơ quan và các cơ, kèm với những thương tổn của phổi sẽ khiến cho việc hít thở khó khăn.
- Nhịp tim trở nên nhanh hơn: Nhịp tim của người bình thường ở vào khoảng 60 cho đến 100 nhịp/phút, lý tưởng nhất là vào khoảng từ 60 cho đến 80 nhịp/phút. Đối với người bị tâm phế mạn, nhịp tim khi thăm khám có thể lớn hơn 100 lần/phút, nhanh hơn nhiều so với bình thường.
- Ho: Do bệnh lý này có liên quan đến phổi và một khi phổi bị tổn thương, ho chính là dấu hiệu đặc trưng thể hiện điều này. Người bệnh có thể ho nhiều, ho có đờm, thậm chí là ho ra máu,….
- Kèm với đó là các triệu chứng toàn thân như: Phù chi dưới, tiểu ít, môi và đầu chi bị tím, đau thắt ngực, dấu hiệu xung huyết,….
Tiêu chuẩn chẩn đoán tâm phế mạn
Để chẩn đoán chính xác bệnh tâm phế mạn, các bác sĩ cần dựa vào một số tiêu chuẩn như sau:
Tiêu chuẩn về lâm sàng
- Người bệnh có tiền sử bệnh lý liên quan đến phổi hoặc lồng ngực bao gồm: Bệnh phổi bẩm sinh, bệnh lý mạch máu phổi, gù vẹo cột sống, dày dính màng phổi,….
- Dấu hiệu Harzer: Nhịp tim nhanh hơn bình thường, vị trí đập của mỏm tim ở dưới mũi ức, T2 (tiếng thứ hai của nhịp tim) tại ổ van động mạch phổi vang mạnh. Ở thời kỳ tiền tâm thu, người bệnh có thể xuất hiện tiếng ngựa phi phải, kèm theo đó là tiếng thổi tâm thu của dấu hiệu hở van 3 lá cơ năng.
- Hội chứng của suy tim phải: Khó thở tiến triển theo giai đoạn của bệnh lý.
- Dấu hiệu ngoại biên tuần hoàn trì trệ: Phù hai chi dưới, ấn lõm, phù mềm, đái ít, gan to và đau, tĩnh mạch cổ nổi thấy rõ, dương tính đối với phản hồi gan – tĩnh mạch.
Tiêu chuẩn về cận lâm sàng
- Kết quả điện tâm đồ: Dấu hiệu dày thất phải.
- X-quang phổi: Dấu hiệu động mạch phổi bị giãn, cung động mạch phổi bị nổi. Bên cạnh đó có thể thấy rõ dấu hiệu của tổn thương nhu mô phổi như giãn phế nang hay xơ phổi,….
- X-quang tim: Bóng tim to, tim có dấu hiệu hình giọt nước.
- Siêu âm tim: Có dấu hiệu thành thất phải tim dày lên, siêu âm tim Doppler có thể tính được cả áp lực, sức cản của động mạch phổi thông qua lỗ hở van 3 lá và van động mạch phổi.
- Tiến hành xét nghiệm công thức máu: Tiến hành xét nghiệm công thức máu để tìm xem có bất thường về lượng hồng cầu hay không, từ đó tìm ra nguyên nhân của phát sinh tâm phế mạn là gì.
Biến chứng của tâm phế mạn
Bệnh tâm phế mạn có tiến triển bệnh từ từ, gây nên những thương tổn về cấu trúc và chức năng của phổi dẫn đến suy tim phải. Một khi tim phải bị suy hoạt động của tim sẽ xảy ra bất thường, dần dần sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các ngăn khác của tim.
Từ đó, biến chứng nguy hiểm nhất của tâm phế mạn nếu không điều trị kịp thời đó chính là suy tim toàn bộ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu người bệnh có thể điều trị theo các phương pháp dưới đây thì bệnh tình sẽ giữ được ổn định, bao gồm:
- Nghỉ ngơi hợp lý, làm việc nhẹ nhàng khoa học.
- Thực hiện các bài tập thở để điều tiết oxy, tăng độ giãn nở của ngực giảm áp lực đối với động mạch phổi.
- Tuân thủ chỉ định của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng liều để điều trị và làm giảm các triệu chứng của bệnh.
- Ăn uống đủ chất, hạn chế muối, các tác nhân gây hại cho tim. Không sử dụng đồ uống có chứa chất kích thích.
Xem thêm: Viêm thanh khí phế quản là gì? Chẩn đoán và điều trị
Trên đây là toàn bộ các thông tin hữu ích về bệnh tâm phế mạn. Hy vọng bạn sẽ có thêm kiến thức y học bổ sung cho mình và bảo vệ được cho sức khỏe bản thân.