Mức độ suy thận trải qua nhiều giai đoạn, trong đó suy thận giai đoạn cuối là thời kì nguy hiểm nhất, cần có những biện pháp chữa trị đặc biệt.
Suy thận giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Người bệnh khi suy thận kéo dài sẽ tổn thương tới chức năng lọc cầu thận, lâu dần không hồi phục sự thanh thải của thận gây nên nhiều rối loạn trong cơ thể: rối loạn thăng bằng toan kiềm, rối loạn nước và điện giải,… Bệnh tiến triển xấu theo thời gian, và tiến triển nhanh hơn khi sức đề kháng của cơ thể giảm sút, hoặc bệnh nhân chưa tuân thủ theo phác đồ điều trị bệnh.
Khi đã tiến triển tới giai đoạn cuối của bệnh, các triệu chứng suy thận biểu hiện rõ ràng hơn, tiên lượng cho người bệnh kém hơn. Tuy nhiên để kết luận tuổi thọ còn kéo dài được bao lâu, cần căn cứ thêm nhiều yếu tố.
- Đầu tiên, cần căn cứ vào chỉ số về mức lọc cầu thận (GFR). Mức lọc cầu thận bình thường > 90, khi GFR < 15 là biểu hiện chức năng thận đã không còn.
- Người bệnh có mắc các bệnh kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường hay không?
- Thể chất bệnh nhân vốn khỏe mạnh hay ốm yếu?
- Đang được điều trị theo phương pháp nào để duy trì chức năng của thận?
Các yếu tố trên đều tham gia quyết định một người suy thận giai đoạn cuối có thể sống thêm bao lâu. Quan trọng hơn cả, chính là bệnh nhân đang được điều trị bằng phương pháp thích hợp và tuần thủ chặt chẽ quy trình điều trị.
Điều trị suy thận giai đoạn cuối
Trước tình hình suy thận giai đoạn cuối ngày một gia tăng, y học cũng chú trọng nghiên cứu tìm ra các phương pháp giúp duy trì sự sống cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Vì ở giai đoạn này bắt buộc cần can thiệp của những phương pháp phức tạp hơn, có những phương pháp đòi hỏi sự điều trị lâu dài xuyên suốt cuộc sống sau này của người bệnh. Hiện nay, các phương pháp điều trị bao gồm:
Chạy thận nhân tạo
Sẽ có một máy nhân tạo, làm nhiệm vụ lọc sạch máu của bệnh nhân trước khi đưa trở lại cơ thể. Vì thế máy này gọi là máy chạy thận nhân tạo.
Với cách này, người bệnh sẽ cần chạy thận 3 lần/tuần, thời gian cho mỗi lần khoảng 4-5 tiếng. Cần duy trì chạy thận suốt đời mới đảm bảo thay thế được chức năng của quả thận đã bị hỏng.
Chạy thận có thể tiến hành được ở cơ sở y tế hoặc tại nhà, tuy nhiên do chi phí máy chạy thận rất đắt đỏ, ít người có điều kiện mua máy tự chạy tại nhà, nên thường tới bệnh viện để thực hiện.
Người bệnh sử dụng phương pháp này có thể duy trì sự sống khoảng 5-10 năm, có trường hợp lên tới 20 năm.
Lọc qua màng bụng
Nguyên lý của phương pháp này là sử dụng màng bụng thay thế cho màng lọc ở thận thực hiện chức năng lọc các chất cặn bã cũng như trao đổi các chất trong máu bệnh nhân.
Nhân viên y tế có chuyên môn sẽ đặt ống catheter tại vùng ổ bụng, sau đó dịch lọc được đưa qua đó vào bụng, khóa catheter lại. Tại màng bụng sẽ diễn ra quá trình lọc máu tự nhiên, đào thải chất độc, giữ lại chất dinh dưỡng và máu. Các dịch thải sau đó đưa ra túi và mang đi.
Bạn có thể thực hiện tại nhà, sau khi được hướng dẫn cách tự thay túi dịch và các thao tác cần thiết khác. Cách lọc này nên duy trì mỗi ngày, số lần sẽ do bác sỹ quyết định sau khi đánh giá các chức năng của cơ thể.
Phương pháp ghép thận
Nguyên tắc là lấy thận từ người khỏe mạnh, hoặc người mới chết mà chức năng thận vẫn còn duy trì bình thường. Đây là phương pháp phức tạp, và chỉ thực hiện khi tìm được thận thay thế thích hợp.
Trong quá trình trước, trong và sau khi tiến hành ghép thận, cần đánh giá một cách nghiêm ngặt tình trạng người bệnh cũng như người cho thận:
- Thường xuyên theo dõi các chỉ số sinh tồn cơ thể, khi đảm bảo đạt tiêu chuẩn mới có thể cho ghép.
- Trong quá trình ghép cần người có trình độ chuyên môn cao thực hiện, đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối.
- Khi hậu phẫu, người bệnh sức khỏe yếu, cần thời gian thích nghi với thận mới nên cần cách ly tuyệt đối trong môi trường vô khuẩn.
- Tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
Suy thận giai đoạn cuối nên ăn gì?
Bên cạnh những phương pháp điều trị can thiệp mang tính chuyên môn cao, người mắc suy thận nên chú ý tới chế độ dinh dưỡng ăn uống. Một chế độ ăn phù hợp giúp bệnh nhân có khỏe mạnh hơn, đáp ứng với điều trị tốt hơn.
- Nên ăn các thực phẩm ít đạm, < 25g/ngày. Ít ăn thịt đỏ mà lấy nguồn đạm từ thịt trắng, trứng, sữa.
- Ăn nhạt tương đối, lượng muối đưa vào cơ thể chỉ từ 2-3g/ngày.
- Bổ sung vitamin, chất khoáng, chú trọng các loại nhiều vitamin C, khoáng chất Fe để tạo máu.
Trước đây, người bệnh suy thận giai đoạn cuối đối mặt với rất nhiều rủi ro và tiên lượng xấu. Nhưng ngày nay nhờ sự tiến bộ không ngừng của y học kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý, suy nghĩ lạc quan, nghiêm túc điều trị, bệnh nhân đã cải thiện đáng kể sự sống.