Bồ câu ta hay còn gọi là bồ câu Việt Nam, bồ câu nội, bồ câu VN1 là một giống bồ câu nhà có nguồn gốc nội địa ở Việt Nam. Chúng phân bố rộng rãi ở khắp Việt Nam. Hiên nay, giống bồ câu ta được Nhà nước Việt Nam công nhận là một giống vật nuôi được phép sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Chim bồ câu ta siêu thịt, có thể nặng từ 1,2 kg trở lên, chi phí nuôi thấp mà giá trị kinh tế cao. Chim bồ câu là vật nuôi có giá trị dinh dưỡng khá cao, rất bổ dưỡng cho người già, người mới ốm dậy và trẻ em.
Con giống chim bồ câu ta
Chim bồ câu muốn được chọn làm giống phải đảm bảo tất cả các yêu cầu sau: khỏe mạnh, lông mượt, không có bệnh tật, dị tật, lanh lợi. Con trống thường to hơn con mái, đầu thô, có phản xạ gù mái, khoảng cách giữa 2 xương chậu hẹp. Con mái thì ngược lại, có khối lượng nhỏ hơn, đầu nhỏ và thanh, khoảng cách giữa 2 xương chậu rộng. Tuy nhiên, lúc còn nhỏ rất khó để phân biệt. Do đó, nên mua loại từ 4-5 tháng tuổi.
Một cặp bồ câu có thể sinh sản trong thời gian 5 năm, nhưng sau 3 năm đẻ, khả năng sinh sản của chúng sẽ giảm, vì vậy nên thay chim bố mẹ mới sau khoảng 3 năm nuôi.
Bồ câu ta sinh sản như nào
Nếu quy trình nuôi tốt thì sau 4 đến 5 tháng, bồ câu ta bắt đầu sinh sản lứa đầu, mỗi lứa đẻ 2 trứng. Sau thời gian ấm trứng 16 – 18 ngày chim con sẽ nở. Chúng sẽ được giao cho chim trống nuôi dưỡng sau 24 ngày tuổi có thể xuất chuồng bán. Chim mái nghỉ dưỡng sau 7- 10 ngày thì tiếp tục đẻ lứa tiếp theo. Cứ như thế 1 cặp bồ câu bố mẹ mỗi năm có thể đẻ ra 17 cặp bồ câu con.
Nuôi chim trong chuồng tỷ lệ đẻ và ấp thành công từ 90% – 100%, nhưng khâu chăm sóc nhiều bơn, tốn công hơn. Còn khi nuôi thả thì tỉ lệ đạt khoảng 80%, nhưng có ưu điểm là chim khoẻ không bệnh dịch. Chim bồ câu ta thường đẻ trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 giờ chiều. Do đó, cần hạn chế vào chuồng chim trong khoảng thời gian này và nhớ xua đuổi chuột, mèo, rắn… Bởi những điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình chim để trứng.
Kỹ thuật dồn trứng, dồn con: Kiểm tra nghiêm ngặt, tuyển lựa trứng, ghi chép số chuồng, ngày đẻ. Trứng đẻ 5 ngày phải soi, nếu trứng không có trống loại bỏ ngay, trứng còn lại chuyển qua cặp đẻ cùng ngày để ấp. Khi 3 cặp chim nở, sẽ tách một cặp con dồn cho hai cặp nuôi. Cặp còn lại 7 ngày sau đẻ tiếp.
Cách làm chuồng nuôi bồ câu
Với diện tích chuồng trại 200 m2 có thể nuôi 70 con bồ câu bố mẹ, trong có 50 m2 làm ổ cho bồ câu đẻ, ấp. Ngoài ra cũng cần phân ra khu vực bồ câu nuôi thịt, khu an dưỡng cho con mái chờ đẻ tiếp. Cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ thường xuyên. Nên tạo cho chim có được môi trường tự nhiên, chuồng trại đẹp thoáng mát, có đủ ánh sáng mặt trời, có mái cao ráo, yên tĩnh nhẹ nhàng, tránh gió lùa, mưa, ồn ào quá mức, có độ cao vừa phải tránh mèo, chuột, rắn, có chỗ cho chim tắm, mỗi tuần pha một lần nước muối nhạt để chống rệp cho chim.
Chuồng trại, lồng làm bằng tre, gỗ, hay lưới kẽm (dây thép) 2mm, ghép từng ô, có thể làm nhiều tầng.
Mật độ nuôi
Nếu nuôi nhốt theo kiểu ô chuồng thì mỗi ô chuồng là một đôi chim sinh sản. Nếu nuôi thả trong chuồng thì mật độ là 6-8 con/m2 chuồng. Khi được 28 ngày tuổi, chim non tách mẹ. Nuôi chim non tách mẹ với mật độ gấp đôi nuôi chim sinh sản (10-14 con/m2).
- Chuồng nuôi dành cho 1 cặp chim trống mái sinh sản từ 6 tháng tuổi trở đi: Cao: 40cm x sâu: 60cm x rộng: 50cm. Trên đó đặt ổ đẻ, máng ăn, máng uống, máng đựng thức ăn bổ sung.
- Chuồng nuôi chim hậu bị sinh sản từ 2-6 tháng tuổi: Dài: 6m x rộng: 3,5m x cao: 5,5m (cả mái).
- Chuồng nuôi dưỡng chim thịt:Cao: 40cm x sâu: 60cm x rộng: 50cm. Mật độ 45-50 con/m2, không có ổ đẻ, không có máng ăn, ánh sáng tối thiểu.
Ổ đẻ có đường kính: 20-25cm x cao: 7-8cm: Trong giai đoạn nuôi con và chim bồ câu ta đã đẻ lại, do đó mỗi đôi chim cần hai ổ, một ổ đẻ và ấp trứng đặt ở trên, một ổ để nuôi con đặt ở dưới. Ổ có thể làm bằng gỗ, nhựa, khô ráo, sạch sẽ, vệ sinh thay rửa thường xuyên.
Máng ăn cho một đôi chim bố mẹ: dài: 15cm x rộng: 5cm x sâu: 5-10cm. Nên đặt ở những vị trí tránh chim ỉa vào, tránh các nguồn gây ẩm ướt và hạn chế thức ăn rơi vãi. Có thể dùng máng bằng tre hoặc bằng tôn
Kích thước máng ăn
- Máng uống cho một đôi chim bố mẹ: Đường kính: 5-6cm x cao: 8-10cm. Máng uống phải đảm bảo thuận tiện cho chim và vệ sinh. Có thể dùng đồ hộp, cốc nhựa để làm máng uống. Có thể bổ sung thêm Vitamin và kháng sinh vào nước để phòng bệnh khi cần thiết, trung bình mỗi chim bồ câu cần 50-90ml nước mỗi ngày.
- Máng đựng thức ăn bổ sung có kích thước giống như máng uống.
Thức ăn
Chế độ ăn uống của chim đều 2 – 3 cữ/ngày. Bình quân lượng thức ăn cho 1 con chỉ từ 0,1 – 0,15g. Cần cung cấp thức ăn cho chim đầy đủ, nhất là cám tổng hợp. Có thể cho ăn bắp, đậu xanh hột, lúa trộn với một ít thức ăn công nghiệp của gà, vịt (thịt, đẻ).
Pha chế thức ăn cho chim theo tỷ lệ: 40% đậu xanh, 30% bắp hạt sống, 20% gạo lức và 10% lúa trộn đều với nhau. Có thể trộn thêm gạo, lúa và cám gà để giảm lượng đậu xanh, giảm chi phí thức ăn. Ngoài ra, nên tăng cường thêm một số chất khoáng, vôi, đá và muối ă vào khẩu phần ăn của chim để đảm bảo cho chim sinh sản và giúp chim luôn giữ được nhiệt để tiêu thụ thức ăn tốt.
Mô hình nuôi chim bồ câu ta ở Lộc Bình – Lạng Sơn
Gia đình chị Hoàng Yên ở Yên Khoái là một trong những hộ có thu nhập ổn định từ mô hình nuôi chim bồ câu ta. Trao đổi với chúng tôi, chị cho biết: Trước đây, gia đình chị nuôi 3 đôi chim bồ câu nhưng chỉ để làm cảnh, không nghĩ đến chuyện nuôi làm kinh tế. Mãi cho đến gần đây, gia đình chị mới nghĩ đến việc xây dựng chuồng trại, tìm hiểu về cách nuôi chim bồ câu để bán.
Thời gian đầu, vì vốn ít nên gia đình chị thực hiện theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm. Chim bồ câu được chị thả đi kiếm ăn tự do, thi thoảng cho ăn thêm thóc, ngô nên không tốn thức ăn như các loài vật nuôi khác. Chuồng nuôi được chị tận dụng từ những chiếc thùng các-tông, tấm ván thừa. Đến nay, số lượng chim bồ câu của gia đình chị tăng lên đáng kể với hơn 50 đôi chim bố mẹ, 20 đôi chim con, 15 đôi đang ấp trứng. Chim bồ câu thường đẻ 8 lứa/năm, mỗi lứa 2 trứng. Thời gian ấp trứng 15 ngày và nuôi đến 1 tháng là có thể xuất bán. Thức ăn cho chim chỉ là thóc, ngô nên được bà con và thương lái ưa chuộng vì thịt chắc, thơm ngon. Với giá bán 120.000 đồng/đôi thương phẩm, giá con giống 150.000 – 160.000 đồng/đôi, gia đình chị Yên có thu nhập đáng kể. Có nhiều khách hàng đặt con giống và chim thịt nên chị sản xuất không kịp cung cấp cho thị trường. Một năm trừ chi phí, gia đình chị thu lãi 20 – 25 triệu đồng từ nuôi chim bồ câu. “Nuôi chim bồ câu ta ban đầu tưởng khó nhưng khi nắm được kỹ thuật nuôi và tập tính của chúng thì cũng đơn giản. Đặc biệt là vốn đầu tư cho mô hình thấp, chim bồ câu ít bị dịch bệnh nên ai cũng có thể nuôi được. Tuy nhiên, nuôi con gì cũng cần phải có tâm huyết, không nản chí thì mới thành công”, chị Yên chia sẻ.
Nuôi bồ câu đang dần trở thành nghề được nhiều gia đình ở Lộc Bình làm theo. Cùng tôi đi thăm đàn bồ câu của chị Yên, anh Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Bản Tẳng (xã Bằng Khánh) cho hay: “Nhà tôi cũng nuôi chim bồ câu từ năm 2011, nay đã có hơn 20 đôi. Theo tôi, đây là nghề mới, góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, bà con nên áp dụng”.
Bồ câu ta không phải là loại vật nuôi mới, tuy nhiên, với ưu điểm dễ nuôi, chi phí thấp và cho thu nhập cao, bền vững, đây sẽ là vật nuôi có nhiều triển vọng. Tin rằng, với những thành công bước đầu, mô hình nuôi chim bồ câu ta sẽ được nông dân Lộc Bình nhân rộng và phát triển, từ đó vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu.