Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản là một việc làm cần thiết nhằm giúp cho người bệnh viêm phế quản được chăm sóc một cách tốt nhất và có khả năng hồi phục nhanh nhất. Bài viết dưới đây chính là mục tiêu và cũng là cách thức để lập nên một kế hoạch chăm sóc như thế.
Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản
Để có được một kế hoạch chăm sóc người bị viêm phế quản tốt nhất, người chăm sóc hoặc điều dưỡng chăm sóc cần phải có một kế hoạch với các phần phân chia rõ ràng, bao gồm:
Mục tiêu lập kế hoạch
- Kế hoạch chăm sóc sẽ giúp cho các nhân viên y tế thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc cho người bệnh, chữa trị triệt để bệnh viêm phế quản.
- Thông qua những thông tin trong bảng kế hoạch, phát hiện và ngăn chặn được các triệu chứng, diễn biến bất thường của bệnh. Từ đó đề ra kế hoạch dùng thuốc phù hợp như: Thuốc dùng giảm đau, thuốc long đờm, chống phù nề, tiết dịch,…..
- Tăng khả năng phục hồi hệ miễn dịch đề kháng cho người bệnh. Ngăn chặn tối đa nguy cơ tái phát ở cơ thể người bệnh.
- Lập kế hoạch chăm sóc còn để tiết kiệm thời gian điều trị mà vẫn đảm bảo hiệu quả tốt nhất.
Tiến hành lập kế hoạch
Để bắt đầu lập kế hoạch chăm sóc chính xác nhất, người lập cần phải trải qua hai giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất: Thu thập thông tin
Nhân viên y tế được giao nhiệm vụ chăm sóc cho bệnh nhân hoặc các điều dưỡng chăm sóc cần thăm hỏi bệnh nhân và khai thác một số thông tin dưới đây:
- Nguyên nhân người bệnh nhập viện là gì? Lúc nhập viện, tình trạng sức khỏe ra sao?
- Người bệnh có sốt hoặc ho nhiều không? Nếu có ho thì ho khan hay ho đờm, đờm nhầy như thế nào, màu sắc ra sao?
- Các cơn ho của người bệnh có liên tục không? Ho vào thời điểm nào nhiều nhất?
- Bệnh nhân có thường cảm thấy khó thở không? Khó thở khi thực hiện hít vào hay thở ra? Lúc làm việc quá sức khó thở có nhiều không? Bình thường nghỉ ngơi người bệnh có cảm giác khó thở không?
- Trong các thành viên của gia đình, có ai từng mắc bệnh tương tự hay không? Hoặc có ai trong nhà thường xuyên sử dụng thuốc lá hay không?
Giai đoạn thứ hai: Đánh giá tình trạng bệnh nhân
Điều dưỡng chăm sóc cần quan bao quát người bệnh, sau đó đánh giá chi tiết về sắc mặt, da mặt, trạng thái, mức độ tỉnh táo. Sau đó, nếu mọi thứ đều tốt thì hãy tiến hành đo dấu hiệu sinh tồn với nhiệt độ, mạch, nhịp thở và huyết áp.
Trong việc đánh giá tình trạng bệnh nhân, các điều dưỡng cũng nên tóm tắt lại quá trình bệnh lý nhằm đáp ứng các bước tiếp theo trong kế hoạch chăm sóc. Đối với bệnh viêm phế quản, thông thường sẽ được chia làm hai thời kỳ, bao gồm:
- Thời kỳ ban đầu: Trong giai đoạn này, người bệnh hay có những biểu hiện gần giống với cảm thông thường như sốt nhẹ, sổ mũi, ho kèm với đó là các triệu chứng toàn thân như: Mệt mỏi, đau nhức cơ, khớp.
- Thời kỳ thứ hai, tình trạng bệnh chuyển nặng: Trong giai đoạn này, các triệu chứng của người bệnh không những không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu nặng lên thêm. Tần suất các cơn ho của người bệnh tăng lên nhiều, tình trạng khó thở cũng nhiều hơn. Đờm và các tiết dịch tăng nhiều có màu, thậm chí có mủ.
Thực hiện kế hoạch chăm sóc
Sau khi điều dưỡng đã tổng hợp và xác định đủ các thông tin cần thiết về tình trạng của người bệnh, người điều dưỡng tiến hành đề ra các công việc cụ thể, thủ thuật nếu có để chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Các công việc, thủ thuật cần đáp ứng được nhu cầu và giúp người bệnh sớm hồi phục, cụ thể như sau:
- Làm sạch dịch ứ đọng ở đường hô hấp của người bệnh: Đảm bảo đường thở của người bệnh không còn dịch ứ đọng gây tắc nghẽn và làm bệnh nhân khó thở. Để làm điều này, người chăm sóc cần cho người bệnh nằm nghiêng, đầu hơi thấp. Cho người bệnh uống nước để làm loãng đờm (khi người bệnh chưa có dấu hiệu suy tim). Sau đó, áp dụng phương pháp vỗ lưng hay khí rung để dịch xuất ra làm thông thoáng đường hô hấp.
- Thực hiện dùng thuốc cho bệnh nhân theo y lệnh của bác sĩ chỉ định: Người chăm sóc cần thực hiện đúng liều lượng thuốc, cách sử dụng theo y lệnh bác sĩ đã đề ra. Theo dõi quá trình người bệnh sử dụng thuốc và phát hiện những dấu hiệu khác nếu có. Trong các loại thuốc này, cần tăng cường thêm các vitamin C để tăng đề kháng cho người bệnh. Kèm với đó, sử dụng các thuốc giảm triệu chứng nếu có như: sốt, ho, đau mỏi,…
- Kế hoạch về dinh dưỡng và chăm sóc tinh thần: Thực hiện chế độ dinh dưỡng theo tình trạng bệnh, không nên ăn quá nhiều trong một bữa, tránh sử dụng các thực phẩm quá cứng và đồ chiên, nướng. Thăm hỏi ân cần, động viên và khích lệ để người bệnh có thể an tâm điều trị.
- Phòng ngừa và phát hiện các biến chứng nếu có: Cần theo dõi thường xuyên tình trạng của người bệnh để tránh xảy ra những biến chứng bất ngờ trong quá trình điều trị bệnh. Theo dõi các chỉ số sinh tồn nên được làm thường xuyên để nắm bắt tốt nhất tình trạng sức khỏe của người bệnh.
- Thực hiện công tác giáo dục sức khỏe cho người bệnh: Giải thích cho bệnh nhân hiểu về nguyên nhân gây nên bệnh lý. Khuyên bệnh nhân nên hạn chế hoặc tránh xa các tác nhân gây hại, chất kích thích không tốt cho sức khỏe. Làm việc trong môi trường tốt, đảm bảo sức khỏe và an toàn lao động. Có thể khuyến khích bệnh nhân tiêm ngừa cảm cúm, nếu người bệnh có điều kiện. Dặn dò thời gian tái khám và các điều cần lưu ý khi điều trị tại nhà.
Đánh giá kế hoạch chăm sóc
Sau khi kết thúc tất cả quá trình chăm sóc cho người bệnh theo kế hoạch lập ra, điều dưỡng hoặc nhân viên chăm sóc cần phải đánh giá lại kế hoạch theo các tiêu chí sau:
- Bệnh nhân đã có cải thiện về bệnh tình: Người bệnh dễ thở hơn, giảm và sạch dịch tiết trong đường hô hấp, giảm các triệu chứng bệnh,….
- Không xảy ra những biến chứng trong quá trình điều trị.
- Thể trạng tốt hơn, có đầy đủ kiến thức về sức khỏe trong bệnh viêm phế quản.
>> Tìm hiểu: Viêm phế quản có truyền nước được không?
Trên đây là toàn bộ các thông tin chi tiết cho việc lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản. Hy vọng từ những thông tin thiết thực này có thể giúp bạn thực hiện được công việc chăm sóc tốt nhất cho người bệnh.