Hội chứng cổ vai cánh tay là một tình trạng có liên quan đến các bệnh ở cột sống cổ nhưng không gây viêm nhiễm. Bệnh khiến người bệnh cảm thấy đau nhức, mệt mỏi và suy giảm khả năng vận động. Vậy nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hội chứng cổ vai cánh tay là gì?
Hội chứng cổ vai cánh tay là gì?
Hội chứng cổ vai cánh tay là hiện tượng các biểu hiện lâm sàng khởi phát bởi các bệnh ở cột sống cổ, không có viêm nhiễm. Tuy nhiên, có các triệu chứng đi kèm là rối loạn rễ dây thần kinh, tủy cổ, rễ.
Hội chứng này sẽ khiến người bệnh bị đau nhức ở cổ, đau lưng, đau vai và lan rộng xuống cánh tay. Lúc này, bệnh nhân có thể gặp nhiều khó khăn trong việc vận động, đi lại.
Nguyên nhân gây hội chứng cổ vai cánh tay
Hội chứng cổ vai cánh tay thường xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên do thường gặp mà các bác sĩ đã chỉ ra:
- Thoái hóa xương khớp: Thoái hóa xương khớp là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh mắc phải hội chứng cổ vai cánh tay. Thoái hóa sẽ gây đè nén lên các dây thần kinh, gây đau đớn khó chịu.
- Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: Thoát vị đĩa đệm ở cổ có thể làm nhân nhầy đè nén lên dây thần kinh. Bệnh có thể xảy ra cùng với tình trạng thoái hóa đốt sống cổ.
- Chấn thương: Ở những người trẻ tuổi, chấn thương cũng khiến đĩa đệm bị bể và gây ra tình trạng hội chứng cổ vai cánh tay. Người bệnh có thể bị chấn thương do tai nạn giao thông, chơi thể thao, khuân vác các vật nặng.
- Mắc một số bệnh lý khác: Một số nguyên do mắc hội chứng cổ vai cánh tay hiếm gặp đó là bị khối u ở cột sống, cột sống bị nhiễm trùng, loãng xương…
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá cũng là một trong những nguyên nhân khiến bạn bị hội chứng cổ vai cánh tay và một số bệnh lý xương khớp khác.
- Thói quen sinh hoạt hàng ngày: Một số thói quen sinh hoạt hàng ngày như ngồi làm việc nhiều, cúi cổ, gập cổ, mang vác vật nặng thường xuyên có thể khiến bạn bị đau nhức thoái hóa vùng cổ, cánh tay, vai…
Dấu hiệu hội chứng cổ vai cánh tay
Triệu chứng thường gặp nhất của hội chứng cổ vai cánh tay là đau nhiều ở vùng cổ, lan xuống vai và cánh tay. Bên cạnh đó, các biểu hiện của bệnh còn phụ thuộc và phân loại bệnh lý như sau:
Hội chứng cột sống cổ
- Người bệnh cảm nhận nhiều cơn đau ở cổ và vai gáy. Cơn đau nhức có thể bắt đầu ở vùng cổ, lan sang các bộ phận khác trên cơ thể, đặc biệt là sau khi ngủ dậy.
- Cổ không còn linh hoạt, không thể xoay cổ, vặn cổ và hoạt động như bình thường.
Hội chứng rễ thần kinh
- Rối loạn cảm giác: Bệnh nhân có thể bị rối loạn cảm giác và cảm thấy trên người tê rần, có cảm giác như kiến bò, các ngón tay, cánh tay bị tê nhức.
- Cơn đau xuất hiện ở vùng vai gáy, mức độ đau càng tăng lên và lan dần xuống cánh tay, bàn tay. Khi xoay cổ, vặn người, mức độ cơn đau ngày càng tăng nhiều hơn.
Hội chứng tủy cổ
- Thoái hóa và thoát vị có thể chèn ép tủy cổ và xảy ra trong một thời gian dài.
- Khả năng vận động, linh hoạt của cơ thể ngày một suy yếu, giảm dần, hai tê teo cơ, tay chân dễ mỏi, đau nhức.
- Ở những trường hợp nặng, người bệnh có thể bị liệt tứ chi, rối loạn chức năng tiểu tiện, đi tiểu không kiểm soát.
Một số triệu chứng khác
Ngoài những biểu hiện riêng biệt như trên, người bệnh còn có thể gặp phải một số triệu chứng chung như sau:
- Cơn đau nhức vai, cánh tay xuất hiện có thể đi kèm với triệu chứng tai bị ù, thị lực rối loạn, đau đầu, cơ thể mệt mỏi, suy nhược.
- Một số triệu chứng toàn thân mà bạn có thể gặp phải như sốt, sụt ký đột ngột, đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm.
Chẩn đoán hội chứng cổ vai cánh tay
Để điều trị bệnh triệt để, bác sĩ phải tiến hành chẩn đoán đúng bệnh và đưa ra phương pháp chữa trị tốt nhất. Đối với hội chứng cổ vai cánh tay, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh theo các cách như sau:
- Chẩn đoán lâm sàng: Bác sĩ sẽ chẩn đoán lâm sàng bằng cách kiểm tra lịch sự bị bệnh trước đó, kiểm tra triệu chứng đau nhức, khả năng vận động, đi lại của người bệnh.
- Chẩn đoán cận lâm sàng: Bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số phương pháp xét nghiệm chuyên sâu như chụp X quang, chụp Cắt lớp vi tính, chụp MRI. Các phương pháp này sẽ giúp bác sĩ quan sát kỹ cấu trúc xương bên trong, xem xét những tổn thương và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả.
- Chẩn đoán phân biệt: Người bệnh sẽ được chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý như viêm khớp vai, các bệnh nhiễm trùng, tủy sống, bệnh lý về tim mạch, hô hấp…
Điều trị hội chứng cổ vai cánh tay
Có nhiều phương pháp chữa hội chứng cổ vai cánh tay. Dưới đây là một số phương pháp chữa bệnh hiệu quả nhất:
Uống thuốc Tây y
Sử dụng các loại thuốc Tây y giúp kiểm soát các cơn đau nhức vai gáy cho bệnh nhân. Một số loại thuốc thường được bác sĩ kê toa như:
- Thuốc Paracetamol: Thuốc này có tác dụng giảm nhanh các cơn đau có mức độ từ nhẹ đến trung bình.
- Thuốc giãn cơ: Thuốc sẽ được chỉ định cho những đối tượng mắc phải tình trạng căng cứng cơ, mất khả năng linh hoạt, vận động. Một số loại thuốc giãn cơ được chỉ định như Eperisone, Tolperisone, Diazepam…
- Thuốc giảm đau thần kinh: Công dụng của thuốc đó là giúp giảm đau, giảm căng thẳng, đè nén dây thần kinh. Đối với các loại thuốc này, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để điều trị bệnh hiệu quả nhất.
Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa là phương pháp phẫu thuật loại bỏ hội chứng cổ vai cánh tay. Phương pháp này ít được chỉ định tuy nhiên có những trường hợp bắt buộc phải phẫu thuật. Tủy sống bị chèn ép quá nặng nề, tổn thương dây thần kinh nặng cần phải phẫu thuật gấp.
Bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các hình thức phẫu thuật như phẫu thuật lấy nhân nhầy khi bị thoát vị, giải phóng rễ dây thần kinh… Tuy nhiên, điều trị ngoại khoa có thể gây ra một số rủi ro nhất định như viêm nhiễm, chảy máu. Vì thế người bệnh nên cân nhắc trước khi điều trị bằng phương pháp này.
Tập vật lý trị liệu
Tập vật lý trị liệu như kéo giãn cột sống, vận động nhẹ sẽ giúp giảm nhanh các cơn đau nhức vai gáy, đau cổ, ngăn ngừa tái phát tình trạng bệnh, tăng cường máu đi nuôi dưỡng xương khớp.
Người bệnh nên tập vật lý trị liệu với chuyên gia để hạn chế những chấn thương không mong muốn.
Phòng ngừa hội chứng cổ vai cánh tay
Người bệnh có thể phòng ngừa bệnh tái phát bằng một số phương pháp đơn giản như sau:
- Khi làm việc, vận động chơi thể thao, bạn nên giữ cổ ở vị trí đúng, giữ thẳng lưng. Hạn chế khuân vác vật nặng, ngồi lâu một chỗ, di chuyển cổ đột ngột.
- Không được xoay cổ, uốn cong cổ quá mức.
- Người bệnh có thể massage thư giãn vùng cổ bị đau nhức để giãn cơ, tăng cường máu lưu thông và hạn chế các cơn đau nhức xương khớp nguy hiểm.
- Bạn có thể tự tập luyện tại nhà các bài tập với cổ để hạn chế các cơn đau nhức cổ, vai gáy, cánh tay.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, không hút thuốc lá để có một cơ thể khỏe mạnh, phòng chống bệnh tật.
Bài viết trên đã chia sẻ cho bạn đọc thông tin về hội chứng cổ vai cánh tay. Khi các các triệu chứng của bệnh lý này, người bệnh nên đi khám và thực hiện điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Đồng thời bạn nên thay đổi thói quen sống hàng ngày, vận động thể thao, ăn uống đủ chất để hỗ trợ quá trình phục hồi của cơ thể.