Để trồng được những củ khoai sọ hay khoai môn to đều, ăn ngon, bở và nhiều tinh bột, cần phải tuân thủ theo đúng quy trình và kỹ thuật. Dưới đây là định nghĩa khoai sọ là khoai gì và cách trồng khoai sọ cho năng suất lớn và đạt hiệu quả cao.
Khoai sọ là khoai gì?
Khoai sọ có tên khoa học là Colocasia, là một loại khoai có củ cái nhỏ và nhiều củ con.
- Thân: Thân khoai sọ chia làm 2 phần với phần: Phần thân ngầm chính phát triển thành củ, thân giả mọc ở phía trên là nơi các bẹ lá xếp với nhau. Cây cao khoảng 0,5-1m.
- Củ: Một cây có một củ cái và nhiều củ nhỏ tập trung thành một cụm. Củ có màu xám, tím,..
- Lá: Lá khoai sọ là lá đơn, mọc so le, bản rộng và to. Phiến lá có hình tam giác, gốc lỏm.
- Hoa: Hoa mọc thành chùm vào cuối giai đoạn sinh trưởng của cây.
Khoai sọ sinh trưởng và phát triển tốt trong các loại đất thịt nhẹ, đất cát pha, giàu mùn. Chúng được trồng chủ yếu ở vùng đồng bằng hoặc trung du. Khoai sọ kỵ nước, nếu chúng được trồng ở nơi có hệ thống thoát nước không tốt, củ sẽ bị sượng và ngứa.
Ăn khoai sọ có tốt không?
Khoai sọ hay khoai môn có chứa nhiều tinh bột, lipid, đường, chất xơ và nhiều khoáng chất… Các chất xơ trong khoai giúp tăng hoạt động hấp thu của ruột do đó có tác dụng nhuận tràng chống táo bón. Các acid béo không no có trong khoai sọ có tác dụng làm hạ huyết áp, giãn mạch, giảm cholesterol máu.
Theo Đông y:
- Lá khoai sọ có vị cay, tính bình, có độc; vào tỳ thận. Có tác dụng ích khí bổ thận, phá huyết tán kết, khu phong, chỉ thống, trừ đàm tiêu thũng.
- Củ có tính bình, vị cay ngọt, vào 3 kinh tỳ, vị và đại tràng. Có tác dụng tán khối kết, tiêu u hạch ở cổ, nhuận tràng, thông đại tiện. Thường dùng chữa các loại thũng độc sưng đau, khối kết (u, hạch), bỏng lửa, viêm khớp, viêm thận, sưng hạch, bạch huyết…
Tác dụng của khoai sọ
- Tốt cho tiêu hóa
- Tốt cho tim mạch
- Ổn định huyết áp
- Giúp nhuận tràng, chống táo bón
Cách trồng khoai sọ như thế nào?
Chọn giống
Để có những củ khoai sọ giống chất lượng tốt cho vụ sau, ngay từ khi thu hoạch ở vụ này, bà con đã nên nhặt và lọc dần những quả tốt. Một củ khoai sọ giống đạt yêu cầu cần đảm bảo được:
- Là những củ nhỏ cấp 1 hoặc cấp 2
- Có trọng lượng khoảng 20-30g/ củ.
- Không bị dập nát hay thối, vỏ có nhiều lông.
- Mảnh củ có mầm to bằng hạt đậu đen và sợi rễ ngắn khoảng 0,5-1cm.
Thông thường để phủ kín một sào đất thì cần 1200-1600 củ khoai sọ giống tùy vào mật độ trồng.
Nhân giống
Nhân giống khoai sọ có thể chọn một trong hai phương pháp:
- Phương pháp 1: Nuôi cấy mô để phục tráng và làm sạch các bệnh của củ giống.
- Phương pháp 2 (phương pháp truyền thống): Cắt bỏ mầm ngọn để kích thích các lá mầm bên phát triển. Sau đó cắt củ giống theo chiều ngang thành những phần nhỏ có kích thước 2x2x2cm. Khi mầm bên lên thì đem ủ ngâm hoặc giâm chúng riêng cho đến khi chúng mọc chồi và ra rễ thì có thể đem trồng.
Kỹ thuật làm đất trồng khoai sọ
Khoai sọ thích hợp với đất tơi xốp, nhiều mùn và nhiều chất dinh dưỡng. Chúng có bộ rễ ăn nông nên nếu trồng ở ruộng ngập nước thì phải làm đất thật nhuyễn, trồng ở ruộng cạn cần lên luống cẩn thận. Để khoai sọ phát triển tốt nhất, tỷ lệ luống sẽ là: rộng 1,2 – 1,3m, cao 20-30cm, rãnh giữa hai luống 30-40 cm, khoảng cách hàng 50 – 60cm, khoảng cách cây 30-40cm.
Cách bước trồng khoai sọ
Trồng khoai sọ rất đơn giản, không yêu cầu kỹ thuật cao. Bà con có thể tiến hành trồng khoai sọ theo các bước:
- Bước 1: Đào hốc sâu khoảng 10-12cm trong luống.
- Bước 2: Trộn đều phân chuồng với phân lân, rải xuống hốc, phủ một lớp đất dày khoảng 2-3cm lên.
- Bước 3: Đặt củ khoai sọ vào hốc, sao cho củ đứng thẳng, mầm hướng lên trên. Sau đó ấn nhẹ cho củ chặt sát đất, lấp thêm một lớp đất lên.
- Bước 4: Phù một lớp rơm rạ xung quanh để giữ ẩm cho đất.
Tùy vào điều kiện tự nhiên và khí hậu của từng vùng mà có mật độ trồng khoai sọ khác nhau. Thông thường, mật độ sẽ vào khoảng 35.000 – 45.000 cây/ha.
Hướng dẫn chăm sóc khoai sọ đúng cách sau khi trồng
Bón phân
Một sào đất trồng khoai sọ cần số lượng phân bón như sau:
- Phân chuồng ủ mục: 1 tấn
- Đạm Urê: 8kg
- Lân Supe: 30kg
- Kali: 8kg
Chia làm các lần bón:
- Bón lót lần 1: Sử dụng toàn bộ phân chuồng + 2/3 lượng phân lân + 1/3 lượng đạm + 1/3 kali để bón cho cây khi cây phát triển được 3 lá.
- Bón thúc lần 2: Sử dụng hết lượng đạm và phân còn lại + 1/3 lượng kali bón vào khoảng thời gian sau khi trồng 60-70 ngày.
- Bón thúc lần 3: Sử dụng số lượng kali còn lại vun vào gốc khoai sọ vào thời điểm 150 ngày sau khi trồng.
Tưới nước
Những ngày đầu khi mới trồng bà con nên tưới nước trực tiếp vào luống với tần suất mỗi ngày 1 lần. Đến khi cây khoai đã phát triển lên cao thì tưới nước xuống rãnh không ngập mặt luống.
Trước khi thu hoạch 1-2 tháng hạn chế tưới nước hoặc ngừng hoàn toàn để củ chuyển hóa thành tinh bột.
Làm cỏ và phòng ngừa sâu bệnh
Trước khi bón lót lần 1, bà con cần nhặt cỏ xung quanh cây để chúng không hấp thụ chất dinh dưỡng trong đất. Đồng thời, trồng dặm thêm cây thay thế những cây bị chết không lên lá.
Ngoài ra bà con cũng cần đặc biệt chú ý theo dõi xem ruộng khoai sọ có dấu hiệu mắc một số dịch hại như rệp, nhện đỏ, thối củ không để có những phương pháp phòng ngừa kịp thời.
Thu hoạch
“Thời điểm vàng” để thu hoạch khoai sọ là khi cây khoai sọ héo rũ, các tàu lá lụi dần, đất ở gốc cây nứt nẻ và có một số củ khoai sọ chồi lên trên mặt đất, ấy là khi các bác nông dân có thể tiến hành thu hoạch.
Khi thu hoạch cần dỡ khoai nhẹ nhàng để tránh cho khoai khỏi bị bầm, bị xước. Đồng thời, phân loại củ theo kích cỡ và theo mục đích tiêu thụ hoặc làm giống. Bảo quản khoai sọ ở nơi cao ráo, thoáng mát để giữ được khoai có chất lượng tốt lâu hơn.
Trồng khoai sọ vào tháng mấy?
Khoai sọ nếu được trồng đúng mùa sẽ cho ra những củ khoai to đồng đều, bở và năng suất cao. Mùa khoai sọ chính bắt đầu từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 5 năm sau. Tốt nhất là nên trồng vào khoảng 20/11 đến hết tháng 12.
Ngoài ra, ở một số địa phương, khoai sọ được trồng sớm vào thời điểm tháng 9 tháng 10, thu hoạch vào tháng 2, tháng 3 năm sau.
Trong khoai sọ chứa nhiều chất xơ và tinh bột có lợi cho đường tiêu hóa, nhuận tràng, ngăn ngừa được ung thư. Càng ngày, trong các bếp ăn gia đình, những món ăn chế biến từ khoai sọ xuất hiện càng nhiều. Nhu cầu tiêu thụ khoai sọ hiện nay là rất lớn. Bài viết trên đã hướng dẫn độc giả cách trồng và chăm sóc khoai sọ đúng cách. Chúc bạn sẽ thực hành tốt, giúp cho ruộng khoai sọ nhà mình thu về được “một vốn bốn lời”.
Thu Hương