Bệnh thận yếu là tình trạng giảm sút chức năng tạng thận của Đông y. Thận thuộc hành thủy, chủ tàng năng, phủ bàng quang, quản cốt tủy, biểu hiện phương diện sinh lý của con người. Thận yếu có nhiều nguyên nhân và là tình trạng bệnh có thể thay đổi, bài viết sau sẽ cung cấp thông tin cho bạn.
Thận yếu là gì?
Để hiểu về thận yếu trước hết chúng ta phải có những thông tin cơ bản về thận. Thận trong ngũ tạng của đông khác xa với quan điểm giải phẫu “thận” của Tây y. Theo giáo lý Đông y, người có tinh, gồm tinh tiên thiên do cha mẹ ban cho và tinh hậu thiên do ăn uống bồi bổ. Tinh này là nguồn gốc của các biến đổi sinh lý của cơ thể và được dự trữ ở thận.
“Con gái 7 tuổi thì thận khí thịnh, 14 tuổi thì thiên quý đến, 35 tuổi dương minh bắt đầu suy và năm 49 tuổi kinh suy kiệt khó có thể có con nữa”.
Thận yếu là khi tạng thận vì lý do nào đó không đảm bảo khả năng tích trữ tinh khí của mình, kéo theo các triệu chứng gộp chung lại là thận yếu.
Trong khi đó, theo Tây y, thận là một trong số những cơ quan thuộc hệ bài tiết. Thận có vai trò lọc máu, bài tiết các chất cặn bã, bài thải nước tiểu và sản sinh một số hoocmon nhất định. Thận yếu là thuật ngữ chỉ tính trạng thận do nguyên nhân nào đỏ (có thể do tổn thương thực thể tại thận hoặc do bệnh mắc kèm) khiến thận không còn đảm nhận tốt chức năng.
Dấu hiệu bệnh thận yếu
Có 2 loại thận yếu, dùng từ chính xác của Đông y là thận dương hư và thận âm hư.
Thận dương hư
Với thận dương hư, nhìn chung, người bệnh sợ lạnh, tay chân lạnh, sắc mặt nhợt nhạt. Bệnh nhân thường xuyên có cảm giác đau mỏi vùng thắt lưng. Nam giới sẽ kèm theo liệt dương, di tinh, hoạt tinh, đi tiểu nhiều lần, di niệu, đái dầm, đại tiện phân lỏng. Một số trường hợp kèm theo cả khó thở, tiểu ít, phù thũng.
Thận âm hư
Triệu chứng lâm sàng của người mắc thận âm hư bao gồm: Người bệnh chóng mặt, ù tai, thị lực giảm sút.
Bệnh nhân hay quên, ít ngủ, lưng gối đau mỏi, thể trạng gầy yếu ăn mãi không béo lên được. Họng khô lưỡi khô và cảm giác bỏng cháy, khô khốc tăng nhiều về đêm. Bệnh nhân đồng thời có sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm lúc ngủ. Ngoại hình về nữ giới thường có gò má đỏ không tự nhiên, ít kinh hoặc bế kinh, cường kinh.
Về dấu hiệu của thận yếu, quan điểm Đông y và Tây y phần lớn có sự tượng đồng.
Nguyên nhân gây thận yếu
Theo Đông y
Như đã trình bày ở trên, tạng thận là nơi dự trữ chung chuyển của thận khí, gồm hai phần là thận khí tiên thiên và hậu thiên.
Với những người sinh non, bố mẹ mắc các khiếm khuyết trong lúc mang thai thì khả năng cao thận khí tiên thiên của họ mỏng manh và dễ xuất hiện các bệnh về thận đặc biệt là tình trạng thận yếu.
Với những người thường xuyên sinh hoạt không điều độ, tiêu pha quá nhiều thận khí như hoang dâm, thủ dâm quá nhiều, cơ thể cùng lúc không đủ dinh dưỡng bồi bổ lại thứ đã mất cũng phải đối diện với các triệu chứng này.
Ngoài ra một số tác động sau cũng ảnh hưởng lớn tới chức năng tạng thận:
- Sợ quá hại thận: Nếu sống trong cảm giác không an toàn, thường xuyên bị đe dọa và áp lực cả thể chất và tinh thần, không sớm thì muộn bạn cũng cảm nhận được các triệu chứng của bệnh.
- Lao động, hoạt động quá mức: Nhìn lâu hại huyết, nằm lâu hại khí, ngồi lâu hại cơ nhục, đứng lâu hại cốt tủy, đi lâu hại cân. Lao lực là tình trạng thường thấy và nó đi kèm các triệu chứng thận yếu, thường hay xuất hiện ở những người vì việc làm mà bỏ quên cơ thể.
Theo Tây y
Trên quan điểm y học hiện đại, thận yếu, không đảm bảo thực hiện tốt các chức năng do một số nguyên nhân sau:
- Tổn thương ở thận : Tổn thương cầu thận, bể thận, sỏi thận, sỏi niệu quản, do tai nạn,…
- Bệnh lý liên quan đến thận: Lao thận, nhiễm trùng tiết niệu,…
- Bẩm sinh: Người bệnh sinh ra đã có những khiếm khuyết về cấu tạo và chức năng thận.
Bệnh thận yếu có nguy hiểm không?
Thận là tạng phủ quan trọng trong cơ thể người và có mối liên hệ mật thiết với các cơ quan khác. Do đó, thận suy yếu không chỉ không đảm bảo chức năng bài tiết mà còn gây ảnh hưởng đến các chức năng sinh lý khác của cơ thể.
Thận yếu gây đau lưng
Nhiều nguyên nhân gây ra đau lưng, nhưng để phát hiện và điều trị dứt điểm cần xác định rõ vì đâu mà lưng đau mỏi. Khi đau lưng đi kèm với mệt mỏi, khó khăn khi sinh hoạt hằng ngày đặc biệt là kèm theo sốt, tiểu đau, đái dắt thì khả năng cao đó là dấu hiệu của tạng thận suy yếu.
Rất dễ nhầm đau lưng do thận yếu với đau lưng do thoái hóa cột sống. Để phân biệt bạn cần chú ý tới thời điểm cơn đau xuất hiện.
Với nguyên nhân thoái hóa, cơn đau xuất hiện sau vận động mạnh, cử động quá tầm, cơn đau âm ỉ kéo dài từ hông tới tận mông. Với nguyên nhân thận yếu, cơn đau thường nhẹ và khu trú hai bên thắt lưng kèm theo các biểu hiện khác ngoài cơ xương khớp như tiểu dắt, người thiếu sinh lực.
Chứng đau do thận yếu thường không tăng khi vận động, là chứng đau âm ỷ có thể chịu đựng được nhưng làm giảm thiểu đáng kể chất lượng cuộc sống và sinh hoạt.
Thận yếu có ảnh hưởng đến sinh lý?
Rất nhiều rối loạn cơ thể về mặt sinh lý liên quan tới tạng thận. Các vấn đề thường gặp như:
- Hoạt tinh: Tinh trùng xuất ra không kể lúc nào, ban ngày hoặc ban đêm. Dù chưa xây dựng gia đình và không kích thích trực tiếp vào dương vật nhưng tinh vẫn xuất bất kỳ ý.
- Mộng tinh: Khi ngủ mơ mộng tiếp xúc với nữ sắc hoặc mơ giao hợp với phụ nữ, tinh khí xuất ra.
- Di tinh: Bệnh nhân ngủ không mơ mộng mà tinh xuất ra, thức dậy mới biết.
Những tình trạng trên đều báo hiệu cho tạng thận không cố sáp được tinh, hoặc quá vượng mà không có chỗ điều tiết.
Những bệnh nhân trung niên thường gặp vấn đề về sinh lý khi giao hợp, đó cũng là dấu hiệu của tạng thận suy yếu, khiến cho ham muốn và tính tự chủ của cơ thể giảm sút.
Với nam giới có thể là bất lực, xuất tinh sớm. Thận yếu khiến nam giới tự ti, bị áp lực trong quan hệ vợ chồng, khiến cuộc yêu trở nên thiếu trọn vẹn. Những trường hợp thận yếu do các tổn thương về thận như sỏi thận, sỏi bàng quang, viêm thận,…các cơn đau dọc hai bên sống lưng làm nam giới đau mỏi và ngại tham gia vào cuộc yêu.
Với nữ có thể là tình trạng lãnh cảm hoặc khô rát. Các biểu hiện của suy thận ở nữ giới diễn tiến chậm rãi, khó nhận biết hơn nam giới. Vì thế nên nhiều nam giới không nhận ra được sự bất thường của bạn tình, nên nữ giới không nhận được sự chia sẻ, lâu dần hình thành tâm lý tự ti, ngại quan hệ. Do đó, tình trạng sinh lý của nữ giới ngày càng kém đi, mối quan hệ vợ chồng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Không dừng lại ở các rối loạn sinh lý, thận yếu còn ảnh hưởng tới nhiều bệnh khác làm cơ thể dễ bị tổn thương bởi các tác động bên ngoài. Thận yếu nên được xử lý sớm để tránh các tình trạng nguy hiểm kéo theo.
Chữa thận yếu như thế nào?
Khi xác định được bản thân có những triệu chứng của thận yếu, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ của các y bác sĩ Đông y. Tuy nhiên một số thông tin sau đây có thể có ý nghĩa với bạn.
Thận yếu uống thuốc gì?
Theo quan điểm điều trị của y học cổ truyền, cách tốt nhất và sinh lý nhất để chữa thận yếu là sử dụng các biện pháp tự nhiên. Trong đó, dùng các thảo dược nhằm hồi phục lại lượng tinh khí đã cạn, bồi bổ tạng thận và tạng tâm để huyết sinh khí, khí tụ thận. Lúc tinh khí thần đầy đủ dồi dào ắt khả năng và chức năng thận sẽ được cải thiện.
Có nhiều vị thuốc, thảo dược có tác dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường sức khỏe, bền gân cốt như: Ba kích, đỗ trọng, thục địa, nhục thung dung, dâm dương hoắc,…
Khác với các thuốc Đông y, các thuốc Tây y cho hiệu quả nhanh hơn, cải thiện rõ rệt triệu chứng cho bệnh nhân:
- Các thuốc bổ sung nội tiết tố nam testosterone.
- Thuốc kháng sinh: Áp dụng với trường hợp thận bị tổn thương do nhiễm trùng tiết niệu.
- Các thuốc giảm đau: Giảm triệu chứng đau buốt dọc sống lưng, đau lưng, đau do sỏi thận,…
- Một số thuốc lợi tiểu, hỗ trợ chức năng bài tiết nước tiểu của thận: Nhóm thuốc lợi tiểu thiazide, lợi tiểu furesemifde.
Mỗi người bệnh đều có thể trạng khác nhau và cần những phác đồ trị liệu khác nhau. Do đó, dù là dùng thuốc Đông y hay Tây y, người bệnh cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ, không tự ý kê đơn, mua thuốc điều trị tại nhà.
Chữa thận yếu bằng thuốc nam
Thuốc nam có nguồn gốc từ các cây cỏ trong tự nhiên, mang lại cảm giác an toàn, hạn chế các tác dụng phụ cho người sử dụng.
Một số vị thuốc phổ biến hỗ trợ cải thiện chứng thận yếu như:
- Râu ngô: Râu ngô từ lâu đã được biết đến với công dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, hỗ trợ chức năng bài tiết của thận. Dùng khoảng 30g râu ngô đem sắc nước uống mỗi ngày, uống liên tục 1 tháng sẽ thấy cải thiện triệu chứng đáng kể.
- Đỗ đen: Đỗ đen trong Đông y có tác dụng hồi phục thần khí, cải thiện thận hư, hoạt huyết thông mạch, thanh nhiệt, trừ độc, tiêu trừ mụn nhọt. Chữa thận yếu, bài tiết kém: Dùng đậu đen, cỏ tranh đem sắc lấy nước uống, uống liên tục 2 đến 3 tháng. Chữa thận yếu gây liệt dương, bạc râu tóc, di tinh, mộng tinh: Dùng đậu đen chưng cách thủy với hà thủ ô, hà thủ ô sau đem phơi khô, nghiền thành bột mịn, mỗi ngày dùng khoảng 1 thìa cà phê.
- Rau ngổ: Rau ngổ không chỉ là một thức rau gia vị mà còn là vị thuốc Đông y hỗ trợ điều trị thận hư hiệu quả.Rau ngổ có tính mát, giúp thanh nhiệt, giảm đau, lợi tiểu, tiêu trừ mụn nhọt, cải thiện tốt các chứng tiểu đêm, đau lưng, phù thũng. Đem rau ngổ giã nát với muối hạt, lọc lấy nước uống hằng ngày, uống từ 10 đến 20 ngày.
- Cỏ mực: Cỏ mực còn gọi với tên khác là cỏ nhọ nồi, mọc hoang dại ở nhiều nơi. Cỏ mực tính hàn, vị ngọt, toan, giúp thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ điều trị các chứng thận hư hiệu quả. Cỏ mực đem phơi khô, sao vàng, sau thêm nước, nấu chung với đậu đen, chắt lấy nước uống trong ngày.
- Kim tiền thảo: Trong kim tiền thảo có chữa hợp chất soyasaponin, có tác dụng bồi bổ cơ thể rất tốt, trong đó có thận, Theo Đông y, kim tiền thảo cũng có chức năng tiêu phù, lợi tiểu tốt. Kim tiền thảo, muối biển cho vào ấm, sắc lấy nước uống trong ngày, uống liên tục 10 ngày, chứng thận hư sẽ đỡ.
- Thục địa: Thục địa vị đắng, tính ôn, chủ trị chứng tạng thận suy yếu, đau mỏi cơ nhục, giúp tăng cường lưu thông khí huyết. Thục địa phối hợp cùng các vị khác như: Câu kỷ tử, lộc giác giao, hoài sơn, thỏ ty tử, cao quy bản, ngưu tất, sơn thù. Các vị trên thêm nước, sắc cạn còn 1 phần 3, gạn lấy nước sắc chia nhiều lần uống trong ngày.
- Cây bòng bong: Còn được gọi với tên khác là hải kim sa, có vị ngọt, tính mát, hỗ trợ điều trị các chứng bệnh về thận như thận hư yếu, viêm sỏi thận, bàng quang,…Bòng bong cùng hạt cây bìm bịp (đã sao vàng) và râu ngô, đem sắc cùng 1,5 lít nước, đun đến khi cạn còn khoảng 2 bát nước thì dừng, chia 2 lần uống trong ngày.
- Cây quýt gai: Vị đắng, tính mát, cải thiện đáng kể tình trạng lưu thông máu trong cơ thể, giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi, hạn chế các tác động lên thận và điều trị hiệu quả các bệnh về thận. Cây quýt gai cùng cây muối, cây mực, cây nổ, tất cả đem sao thành màu nâu, thêm nước sắc còn 1 phần 2, chia 2 lần uống trong ngày.
Bên cạnh các loại thảo dược trên, dựa theo tình trạng của thể thận, người bệnh có thể sử dụng một số bài thuốc tương ứng.
Thể thận khí hư
Cần ôn bổ thận dương, dùng bài bát vị hoàn hay hữu quy ẩm
Bát vị hoàn: Đây là bài thuốc tráng dương tiêu biểu, dược tính không quá cường, phù hợp nhiều đối tượng và có ích cho các chứng thận khí hư.
Bài thuốc bao gồm: Thục địa: 24g, hoài sơn: 12g, đan bì: 9g, bạch linh: 9g, trạch tả: 10g, sơn thù: 15g, nhục quế: 4g, phu tử: 8g.
Vị chủ đạo là quế chi, tác dụng bổ thận dương, thêm một số vị tư bổ thận âm nhằm điều hòa hoạt tính, khiến thận khí sung túc. Các vị trên mua lấy loại đã xử lý thô, sắc nước uống hằng ngày.
Hữu quy ẩm: Bài thuốc ôn bổ thận dương, trị được thận dương bất túc, bệnh nhân chân tay lạnh, giả nhiệt, các biểu hiện của khí thận hư, yếu.
Bài thuốc gồm các vị: Cam thảo: 4g, đỗ trọng: 12g, hoài sơn: 16g, kỷ tử: 8g, nhân sâm: 8g, nhục quế: 4g, phụ tử (chế): 2g, thù du: 8g, thục địa: 32g. Lấy thuốc đã sơ chế, sắc thuốc lấy nước uống hằng ngày.
Thể thận âm hư
Thể bệnh hay bị nhầm lẫn và dùng chung với thể thận dương hư, khiến tình trạng nặng lên. Do đó, cần chẩn đoán đúng, dùng đúng thuốc bệnh mới lui. Một số bài thuốc giúp cải thiện thể thận âm hư như: Lục vị địa hoàng hoàn hoặc Tri bá địa hoàng hoàn.
Các vị thuốc y học cổ truyền có nhiều công dụng, mỗi cách sử dụng lại đi vào nhiều kinh lạc, tạng phủ khác nhau. Do đó, khi sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên, bệnh nhân nên có sự hướng dẫn của các lương y, bác sĩ cổ truyền.
Bấm huyệt chữa thận yếu
Nếu như các vị thuốc trên có tác dụng bồi bổ, tác dụng trực tiếp vào các tạng phủ, thù bấm huyệt giúp tác động gián tiếp lên hệ thống kinh lạc.
Theo nguyên lý Đông y và học thuyết kinh lạc, cơ thể người chia thành các đường kinh, nối các cơ quan, tạng phủ với nhau và có mối tương quan nhất định. Sự tác động, kích thích vào đường kinh lạc nhất định giúp cải thiện đáng kể chức năng của các cơ quan liên quan.
Vận dụng nguyên lý này, các phương pháp tác động tới tạng thận dựa trên thao tác bấm huyệt đã được nghiên cứu và phát triển.
Các huyệt sau đây nằm trên đường đi của kinh thận, nếu kích thích đúng mực sẽ tăng khả năng hoạt động của tinh khí.
Các huyệt này bao gồm: Quan nguyên, khí hải, trung cực, khúc cốt, thận du, mệnh môn, đại trường du, thượng liêu, trường cường, thứ liêu.
Đặc điểm chung là các huyệt này nằm gần nhau và ở phần dưới cơ thể.
Khi xoa nắn nên có kế hoạch mỗi huyệt khoảng thời gian gần tương đương để có kết quả tốt.
Bên cạnh bấm huyệt hay dùng thuốc nam, để tăng hiệu quả điều trị, bệnh nhân cũng cần thay đổi chế độ dinh dưỡng và lối sống phù hợp. Bệnh nhân nên tăng cường vận động, tập thể dục thể thao, nâng cao sức bền, sức mạnh tổng thể. Đồng thời, loại bỏ các yếu tố nguy cơ như rượu bia, thuốc lá, cà phê cũng giúp tình trạng của người bệnh có những chuyển biến tích cực.
Chứng thận yếu là vấn đề hay gặp trong hoàn cảnh xã hội nhiều áp lực như hiện nay. Mong rằng qua bài viết này các bạn có thêm hiểu biết và cái nhìn tổng quát về bệnh. Đông y là một môn y khoa còn nhiều vấn đề chưa thống nhất, nhiều cơ sở chưa được kiểm định về an toàn trên một hệ thống rõ ràng, do vậy người viết khuyên bạn nên tới các bệnh viện Đông y của nhà nước để được các thầy thuốc chính danh khám và điều trị.