Viêm phế quản là tình trạng viêm nhiễm bên trong phế quản xảy ra do nhiễm trùng. Bệnh có khả năng lây nhiễm qua đường không khí hoặc do tiếp xúc với các dịch hô hấp của người bệnh. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh sẽ tiến triển nặng, thậm chí dẫn đến ung thư.
Viêm phế quản là gì?
Viêm phế quản là một bệnh lý ở đường hô hấp, biểu hiện ở việc niêm mạc của các phế quản trong phổi bị viêm. Khi bị viêm phế quản, các niêm mạc phế quản sẽ bị phồng và dày lên từ đó làm hẹp, gây tắc nghẽn các tiểu phế quản, gây ra triệu chứng ho (có thể kèm theo có đờm đặc).
Có 2 loại viêm phế quản:
- Cấp tính: Còn được gọi là viêm khí phế mạc cấp tính. Đây là hiện tượng xảy ra do nhiễm trùng ngắn hạn khiến đường hô hấp ở phổi tích đầy các chất nhầy và bị sưng lên. Một số người gọi đây là tình trạng là cảm lạnh ngực, triệu chứng điển hình là các cơn ho kéo dài trong nhiều tuần. Tuy nhiên, bệnh này hoàn toàn có thể được cải thiện trong khoảng từ 7-10 ngày.
- Mãn tính: Các ống phế quản bị kích thích liên tục gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Dạng bệnh này có thể diễn ra kéo dài nhiều ngày, thậm chí lên tới hàng năm. Nếu như người bệnh gặp phải tác nhân kích ứng sẽ dễ dàng gây ra các đợt bệnh cấp tính. Mức độ nghiêm trọng của thể mãn tính nguy hiểm hơn rất nhiều so với bệnh viêm phế quản cấp tính.
Triệu chứng bệnh viêm phế quản
Mỗi tình trạng của bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau. Cụ thể:
Giai đoạn cấp tính
- Người bệnh thường bị ho, ho ra đờm màu trắng, xám vàng hoặc xanh lục tùy theo thể trạng.
- Cảm giác khó thở, đặc biệt khi gắng sức làm việc gì thì tình trạng khó thở diễn ra tồi tệ hơn.
- Hiện tượng thở khò khè, cảm giác mệt mỏi, sốt, ớn lạnh và tức ngực.
- Ho dai dẳng kéo dài trong vài tuần hay nhiều tháng do các phế quản chưa lành lặn.
Giai đoạn mãn tính
- Ho và khạc đờm kéo dài. Tình trạng ho xảy ra nhiều đợt trong năm và đặc biệt khi trời lạnh hoặc thay đổi thời tiết.
- Có thể ho khan có đờm màu trắng và có bọt.
- Khi ho lâu ngày thì có đờm đặc màu vàng kèm theo mủ, khối lượng đờm hàng ngày ít nhất từ 5 – 10ml và càng về sau thì càng tăng nhiều hơn.
- Các đợt ho đờm thường xảy ra lặp đi lặp lại, ban đầy 4 – 5 lần/năm, mỗi lần 10 – 15 ngày, về sau thường xuyên và kéo dài hơn.
- Người bệnh viêm phế quản có cảm giác khó thở. Ban đầu là cảm giác bị đè nén trong lồng ngực, lâu dần thì có cảm giác thiếu không khí và không thể hít thở bình thường được.
- Thể trạng người bệnh gầy sút, xanh xao, có cảm giác tim đập nhanh và ngủ gà ngủ gật cả ngày.
Nguyên nhân gây viêm phế quản
- Nhiễm virus lây lan trong không khí khi người bị bệnh ho hoặc hắt hơi hoặc cũng có thể do người khỏe mạnh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh.
- Bị bội nhiễm vi khuẩn: Phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn hoặc H.influenzae…
- Nghiện thuốc lá lâu năm hoặc người bệnh phải tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.
- Hít phải bụi bẩn, tiếp xúc lâu ngày với không khí ô nhiễm, khói bụi hoặc do làm việc trong môi trường phải tiếp xúc với các loại hóa chất như bột giặt, dệt may… dẫn tới việc bệnh lý viêm phế quản tiến triển nặng thêm.
Viêm phế quản có nguy hiểm không?
Theo các chuyên gia về hô hấp, đây là một căn bệnh nguy hiểm. Viêm phế quản có thể biến chuyển từ nhẹ sang nặng với thời gian kéo dài từ 5 – 20 năm. Nếu không có biện pháp điều trị hiệu quả có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe như sau:
- Suy hô hấp: Viêm phế quản bội nhiễm có thể tiến triển nặng hơn và gây suy hô hấp. Việc điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn và gây nguy hiểm cho người bệnh.
- Hen suyễn: Nguyên nhân của hen suyễn chính là viêm phế quản. Hen suyễn gây sưng phù, tiết ra nhiều đờm gây tắc nghẽn đường thở khiến người bệnh thở khò khè, khó thở.
- Biến chứng khác: Lao phổi, ung thư phổi, ung thư phế quản, giãn phế quản, phổi bị ứ đọng đối với người bị suy tim.
Chẩn đoán viêm phế quản
Để nhận định tình trạng bệnh viêm phế quản chính xác, bác sĩ cần nắm được các thông tin về tình trạng và tiền sử bị bệnh của bệnh nhân như:
- Thời gian phát bệnh
- Bệnh nhân có tiền sử bệnh mãn tính không? Bệnh viêm phế quản có xảy ra theo mùa không?
- Phỏng đoán nguyên nhân: Do dầm mưa, cảm lạnh, tiếp xúc với người bệnh?..
- Bệnh nhân có mắc các bệnh lý khác liên quan đến tai, mũi họng không?
- Quan sát các triệu chứng lâm sàng: Sốt nhẹ, mệt mỏi, đau đầu, sổ mũi, ho khan và ho theo từng cơn, cảm giác đau xương ức mỗi khi ho, khó thở….
Nếu ho khan kéo dài khoảng 2-3 tuần trở lên và người bệnh có tiền sử nghiện thuốc lá thì cần xem xét đến khả năng mắc ung thư phế quản.
Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm lâm sàng sau để có chẩn đoán bệnh chính xác nhất:
- Chụp X-quang phổi
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm đờm
Điều trị viêm phế quản
Nguyên tắc quan trọng nhất trong điều trị bệnh này đó là người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc kháng sinh. Theo các chuyên gia y tế, thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng với trường hợp viêm phế quản bị viêm do vi khuẩn gây ra. Nếu tự ý dùng thuốc kháng sinh thì nguy cơ sản sinh ra vi khuẩn kháng thuốc rất cao.
Thuốc chữa viêm phế quản
Thuốc được chia thành hai dạng là nhóm thuốc điều trị triệu chứng và nhóm thuốc kháng virus, vi khuẩn. Theo đó,
Thuốc điều trị triệu chứng
- Thuốc long đờm: Có tác dụng tống các chất tiết ra ngoài giúp thông thoáng đường khí. Nếu chất tiết ít, đặc khó đẩy ra ngoài thì dùng thuốc làm loãng chất tiết như natri benzoat, terpinhdrat. Chất tiết nhiều và đặc thì dùng các chất khử chứa lưu huỳnh như acetylstein, carboxystein.
- Thuốc kháng viêm: Corticoid dạng uống, xông, hít hoặc tiêm có tác dụng kháng viêm. Tuy nhiên việc sử dụng corticoid dù ở dạng nào cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ để tránh bị các tác dụng phụ hoặc bội nhiễm nấm không mong muốn.
- Thuốc chống tắc nghẽn phế quản: Là những thuốc có khả năng giãn phế quản, làm giảm sự tắc nghẽn ở đường dẫn khí như theophylin. Nhóm thuốc chủ vận beta 2: Những loại có tác dụng ngắn như salbutamol, terbutalin, fenoterol hoặc các loại thuốc có tác dụng dài như formoterol hay salmeterol. Đây đều là các loại thuốc có tác dụng làm giãn cơ trơn, chống co thắt phế quản để làm thông thoáng đường thở.
Thuốc kháng virus, vi khuẩn
- Thuốc kháng virus: Thường được sử dụng là các loại thuốc kháng virus cúm A, dùng để chống lại các nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản.
- Thuốc kháng vi khuẩn: Các loại kháng sinh thường dùng là Benzylpenicillin, ceftriazon, augmentin… Tùy vào thể trạng người bệnh mà dùng loại kháng sinh và thời gian dùng khác nhau.
Lưu ý an toàn: Dù sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để điều trị thì cũng cần phải có chỉ định cụ thể của bác sĩ chuyên khoa về loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý mua và dùng thuốc để tránh các tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra.
Uống nhiều nước
Người bệnh nên uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm. Cách này sẽ giúp bù lại lượng nước mất đi do các triệu chứng nôn ói, sốt cao, tiêu chảy. Mặt khác, nước có tác dụng làm loãng đờm và cải thiện tình trạng đờm nhớt, ho khan của bệnh. Cũng có thể sử dụng các loại nước ấm pha mật ong và nước cốt chanh, trà hoa cúc, trà bạc hà, các loại trà thảo mộc… để bổ sung thêm nước cho cơ thể.
Chế độ nghỉ ngơi hợp lý
Người bệnh cần được nghỉ ngơi thật nhiều để cơ thể có thời gian hồi phục. Các hoạt động tiêu tốn nhiều thể lực như tập thể dục, bơi lội, chạy bộ, đạp xe… đều làm bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Chườm nóng lên ngực
Bằng cách chườm miếng giữ nhiệt, tắm nước nóng hoặc chườm nước ấm lên ngực sẽ giúp xoa dịu cảm giác nặng ngực hoặc đau do ho nhiều.
Tránh xa tác nhân kích thích gây bệnh
Tránh khói thuốc và các tác nhân gây kích ứng phổi như khói bụi, mùi hóa chất nồng.
Người bệnh viêm phế quản cần đến bệnh viện khám khi nào?
Nếu có một số biểu hiện sau thì người bệnh cần đến cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa uy tín để thăm khám ngay lập tức:
- Ho đờm đặc, có màu sẫm hoặc kèm theo máu
- Ho kéo dài gây mất ngủ vào ban đêm
- Đau tức ngực
- Triệu chứng ho kéo dài hơn 3 tuần
- Khó thở, thở khò khè
- Sút cân không rõ nguyên nhân
- Người bệnh sốt cao trên 38 độ C
- Ho khó chịu dẫn đến tình trạng người bệnh khó nói
- Người cao tuổi (trên 75 tuổi) ho kéo dài với tần suất liên tục
- Xảy ra tình trạng trào ngược dạ dày thực quản
Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản
Thực hiện theo các bước sau:
Làm sạch dịch ứ đọng ở phế quản
- Đặt người bệnh nằm ở tư thế ngửa, đầu ngẩng cao để đường hô hấp được thông thoáng.
- Cho bệnh nhân uống nhiều nước ấm để làm loãng đờm, súc miệng bằng nước ấm và vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau khi khạc đờm.
- Nếu bệnh nặng thì tiến hành hút đờm cho bệnh nhân.
Cho người bệnh uống thuốc
- Cho người bệnh uống các loại thuốc long đờm theo chỉ định của bác sĩ ví dụ: Acetyl cystein, ambroxol…
- Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước ấm, bổ sung các loại nước trái cây nhiều vitamin C.
Dinh dưỡng cho người bệnh
- Cho người bệnh ăn nhiều bữa một ngày, nên dùng đồ ăn lỏng và tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ.
- Thực đơn bổ sung nhiều trái cây, rau xanh và sữa.
Đề phòng các biến chứng có thể xảy ra
- Hướng dẫn và giám sát việc vệ sinh tai mũi họng của người bệnh.
- Hướng dẫn và khuyến khích bệnh nhân duy trì chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và vận động khoa học.
- Kiểm tra định kỳ các bệnh phổi mạn tính, các ổ viêm nhiễm, ổ xoang, tai mũi hong để điều trị kịp thời.
- Tiêm phòng sởi, ho gà và cúm.
Đánh giá quá trình chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản
- Đánh giá tình trạng ho và khạc đờm của bệnh nhân có được cải thiện không?
- Đánh giá kết quả đáp ứng với quá trình điều trị của bệnh nhân.
Đánh giá quá trình chăm sóc là công đoạn xem xét hiệu quả chữa trị của kế hoạch chăm sóc bệnh nhân, đồng thời dựa vào kết quả đánh giá để có hướng điều chỉnh việc chăm sóc và điều trị cho phù hợp.
Phòng ngừa viêm phế quản hiệu quả
Để tránh xa được căn bệnh viêm phế quản, mỗi người cần có ý thức trong việc phòng ngừa. Dưới đây là những biện pháp phòng tránh hiệu quả:
- Luôn có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đúng giờ và đủ giấc sẽ tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể
- Bỏ thói quen hút thuốc lào, thuốc lá và hạn chế đến nơi có nhiều khói thuốc nhằm tránh phải hút thụ động
- Vệ sinh tay sạch sẽ bằng nước rửa tay, xà bông sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn
- Luôn đảm bảo cơ thể đủ ấm khi trời lạnh, thoáng mát khi mùa hè
- Không sử dụng chung bát đĩa, đồ dùng cá nhân với người bệnh
- Có thể độ ăn uống cân đối, đầy đủ chất dinh dưỡng
- Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài tránh tiếp xúc với các chất kích thích gây bệnh
- Không chạm tay vào mắt, miệng và mũi nếu như ở gần hoặc tiếp xúc với người bệnh
- Tiêm vắc xin phòng ngừa ho gà, cúm và viêm phổi theo đúng lịch tiêm dự phòng
Trên đây là những thông tin liên quan đến viêm phế quản, hy vọng đã cung cấp cho độc giả những kiến thức bổ ích về bệnh để có thể biết cách điều trị hay phòng tránh bệnh hiệu quả.