Bị ù tai là bệnh gì? Mẹo chữa ù tai nhanh hiệu quả tại nhà

Rất nhiều người xuất hiện triệu chứng ù tai mà không hề biết nguyên nhân và cách chữa trị. Trong nhiều trường hợp ù tai chưa được quan tâm đúng mức. Cùng tìm hiểu xem “Ù tai là bệnh gì, nguy hiểm như thế nào, cách chữa ra sao?” để có xử trí chính xác khi mắc phải!

Bị ù tai là bệnh gì?

Ù tai là một triệu chứng thường gặp trong nhiều tình trạng cơ năng cũng như bệnh lý. Sau đây là những nguyên nhân gây ù tai phổ biến nhất.

Nguyên nhân ù tai cơ năng

  • Tiếp xúc trực tiếp với âm thanh cường độ cao: Âm thanh lớn sẽ kích thích mạnh mẽ cơ quan thính giác ở tai và truyền đến dây thần kinh số VIII. Các kích thích mạnh và lặp lại dễ gây cảm giác ù tai. Nguy hiểm nhất khi âm thanh lớn xuất hiện quá đột ngột có thể gây thủng màng nhĩ, dẫn đến điếc nếu không được điều trị. Các trường hợp tiếng ồn không quá bất ngờ nhưng xuất hiện thường xuyên trong môi trường lao động nhà máy, công trường, khu vực sân bay… cũng rất hay gây ù tai kéo dài.
  • Lạm dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích: Các chất này đều tác động lên thần kinh trong đó có trung khu thính giác và tiền đình. Lạm dụng chất kích thích có thể gây cảm giác ù tai do ảo giác hoặc tổn thương thính giác thực sự.
  • Do vệ sinh tai quá kém hoặc quá mạnh tay: Hai trường hợp này đều có thể gây tổn thương cơ quan nhận cảm âm và quá trình truyền âm, gây ù tai.
  • Đeo tai nghe thường xuyên, để âm lượng lớn và kéo dài: Rất nhiều bạn trẻ hiện nay mắc phải thói quen không tốt này. Nó có thể gây ù tai và suy giảm thính giác không hồi phục.
  • Thường xuyên la hét, nói to hoặc tiếp xúc với những người nói to, la hét: Ngoài nguyên nhân gây tổn thương thính giác do tiếng ồn kể trên, trường hợp này còn có sự tham gia của yếu tố tâm lý. Khi các stress âm thanh kéo dài, cơ thể phản ứng bằng tiếng ù để từ chối nghe.
  • Chấn động vùng đầu: Nếu sau một tai nạn bạn xuất hiện ù tai dù không tìm thấy tổn thương nào khác ở vùng đầu. Rất có thể bạn đã bị chấn động não. Di chứng này có thể tự động biến mất sau một thời gian.

ù tai

Ù tai do nguyên nhân bệnh lý

  • Ù tai do bệnh thận: Theo Đông y “thận khai khiếu ra tai, thận tinh suy yếu sẽ gây tai điếc, tai ù”. Do vậy, những người suy thận, thận hư, di tinh… cũng thường biểu hiện ù tai. Tây y cũng có nghiên cứu tình trạng ù tai trên bệnh nhân suy thận, cho tỷ lệ mắc cao gấp hơn ba lần người thường. Giả thuyết được đưa ra là khi thận suy các chất độc không được lọc và thải ra ngoài cơ thể, có thể tích tụ và tổn thương cơ quan thính giác.
  • Bệnh của khớp thái dương hàm: Khớp thái dương hàm liên kết xương hàm dưới và xương thái dương, nằm ngay gần xương ống tai và tai giữa. Các hoạt động của khớp như há miệng, nói, ăn nhai… một khi không hoạt động trơn tru sẽ chèn ép vào tai giữa gây ù tai. Các cơ chế khác có thể là do các dây chằng của khớp cũng liên kết với các xương tai giữa hay các đường liên hệ thần kinh giữa trung tâm nhai nuốt và thính giác.
  • Bệnh xơ cứng tai: Ở hòm nhĩ có các xương con giúp dẫn truyền và khuếch đại sóng âm vào tai trong. Khi mắc bệnh xơ cứng, ban đầu các xương này bị xốp sau đó càng ngày càng dao động kém, không còn đảm bảo chức năng nữa. Kết quả là bạn bị nghe kém và ù tai.
  • Bệnh rối loạn thính lực Meniere: Đây thật sự là nỗi ám ảnh với người bệnh bởi triệu chứng ù tai trong Meniere rất rầm rộ, kéo dài kèm đau nhức, buồn nôn, thậm chí điếc vĩnh viễn. Cơ chế đến từ rối loạn mạn tính ở tai trong gây tăng nhanh bất thường của ion nội mô và dịch ống tai.
  • Các bệnh toàn thân cũng có thể gây ù tai như tăng huyết áp, tiểu đường, dị dạng mạch não, phình mạch não, xơ cứng thành mạch…

Triệu chứng ù tai – Cách nhận biết và chẩn đoán

Triệu chứng ù tai là cảm giác nặng nề, nghe kém kèm những âm thanh như tiếng ong vo ve, tiếng muỗi kêu, tiếng ù ù quạt gió… trong tai. Ù tai có thể có nhiều hình thái và đi kèm nhiều triệu chứng khác tùy theo nguyên nhân gây ù tai.

  • Ù tai trong bệnh thận thường đi kèm đau ngang lưng, rối loạn tiểu tiện, sốt cao rét run, phù, chứng di tinh, sinh lý yếu…
  • Ù tai trong bệnh Meniere thường chỉ xuất hiện một bên tai nhưng rất nặng và kéo dài. Ù tai kèm theo chóng mặt, đau đầu, nôn-buồn nôn, vã mồ hôi, mất thính lực tạm thời hay vĩnh viễn.
  • Ù tai kèm đau nhức, nhói lên trong tai hay lan ra nửa mặt.
  • Ù tai khi ăn nhai, nói chuyện.
  • Ù tai theo tiếng đập của mạch máu.
  • Ù tai gián đoạn hoặc liên tục.
  • Ù tai thay đổi theo tư thế, cảm giác như có nước chảy trong tai.
  • Ù tai kèm điếc hoặc rối loạn nhận biết khoảng cách xa gần của âm thanh…

Bị ù tai có nguy hiểm không?

Như đã nói ở trên, ù tai do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có cả cơ năng và thực thể.

Chứng ù tai có thể không gây nguy hiểm gì mà chỉ là triệu chứng thoáng qua khi cơ thể quá mệt mỏi, gặp tiếng ồn kéo dài hay chấn động não đã qua. Các trường hợp này thường không cần xử trí gì đặc biệt ngoại trừ thay đổi thói quen sinh hoạt có lợi cho tai. Về lâu dài, chúng không gây suy giảm thính lực, cũng không gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và có thể tự khỏi.

Trong một vài trường hợp khác, ù tai do các tổn thương thực thể tại tai và thần kinh thính giác. Ví dụ như thủng màng nhĩ do âm thanh lớn đột ngột, xơ cứng tai, thoái hóa khớp thái dương hàm, viêm dây thần kinh thính giác… đều gây ù tai. Những bệnh này ảnh hưởng nhiều tới khả năng nghe. Về lâu dài chúng có thể gây suy giảm thính giác không hồi phục.

bị ù tai

Trong nhiều trường hợp, ù tai là biểu hiện của một bệnh toàn thân nguy hiểm như suy thận, cao huyết áp, dị dạng mạch não… Các bệnh này rất cần được chẩn đoán và xử trí kịp thời nếu không có thể gây nguy hiểm đến tính mạng một khi tai biến xảy ra.

Như vậy ù tai có nguy hiểm hay không là tùy thuộc căn nguyên gây ra nó. Để tránh bỏ qua những bệnh tiềm ẩn, nặng nề, khi bị ù tai bạn cần được thăm khám cẩn thận để xác định nguyên nhân và xử trí đúng theo từng trường hợp.

Cách chữa ù tai theo nguyên nhân

Chữa trị ù tai là chữa trị nguyên nhân gây ra chúng. Với một số bệnh thường gặp, các cách chữa phổ biến có thể là:

  • Sử dụng bịt tai nếu phải làm việc trong môi trường nhiều tiếng ồn: Đây không chỉ là cách phòng mà còn tránh làm bệnh nặng thêm, cho tai có thời gian để hồi phục.
  • Thay đổi thói quen dùng tai nghe như chuyển sang dùng loa ngoài nếu có thể, mở âm lượng vừa phải, không nghe liên tục nhiều giờ.
  • Vệ sinh tai thường xuyên: Ù tai có thể do tai có quá nhiều ráy nên bạn phải vệ sinh thường xuyên. Tuy nhiên cũng không nên dùng dụng cụ quá cứng để chà xát. Nhỏ chút nước muối sinh lý nếu ráy quá rắn sau đó lấy nhẹ nhàng bằng que bông là một cách hay.
  • Cai rượu bia, thuốc lá, chất kích thích: Đây là việc cần rất nhiều sự kiên trì và cố gắng của chính người bệnh bên cạnh các sản phẩm hỗ trợ.
  • Tránh căng thẳng tâm lý: Ù tai có thể đến từ nguyên nhân tâm lý nên việc thư giãn và ngủ nghỉ khoa học có thể hiệu quả cho người bệnh.
  • Điều trị bệnh khớp thái dương hàm: Trường hợp này bạn cần đến khám chuyên khoa răng – hàm – mặt để được chẩn đoán chính xác. Sau đó có thể bác sĩ sẽ cho bạn các bài tập, dụng cụ hỗ trợ và thậm chí là phẫu thuật nếu cần thiết.
  • Điều trị bệnh về thận: Bệnh về thận cần được điều trị ở các chuyên khoa tiết niệu và nam học. Bệnh thận ổn định là tiền đề để khắc phục chứng ù tai.
  • Các bệnh toàn thân khác cũng cần điều trị theo chuyên khoa thích hợp bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

Mẹo chữa ù tai nhanh tại nhà

Trường hợp chứng ù tai là cơ năng nhưng dai dẳng không dứt có thể gây nhiều phiền toái cho bạn. Cùng bỏ túi ngay một vài mẹo chữa ù tai hiệu quả mà nhanh chóng.

Nhai kẹo cao su

Đây là một mẹo rất hay trong trường hợp ù tai do thay đổi áp lực như khi ngồi máy bay, leo núi… Thự hiện nó cũng rất đơn giản: Ngay khi có cảm giác rung trong tai hãy nhai một vài viên kẹo cao su. Nhai kẹo giúp cho nước bọt được tiết ra đồng thời kích thích cơ vòi tai. Vòi tai được mở ra làm cân bằng áp lực trong hòm nhĩ, giảm nhanh chứng ù tai. Vì vậy, hãy chuẩn bị kẹo cao su khi chuẩn bị lên núi hay đi máy bay nhé!

Đẩy hơi ra tai

Đây cũng là một mẹo hiệu quả trong chữa ù tai. Bạn có thể thực hiện ngay và kiểm chứng:

  • Bước 1: Bịt chặt hai lỗ mũi sau đó hít không khí từ từ vào bằng đường miệng.
  • Bước 2: Ngậm môi lại, vẫn bịt chặt mũi đồng thời cố gắng đẩy không khí ra theo đường tai. Bạn sẽ thấy cảm giác tai bị căng lên.
  • Bước 3: Thở ra từ từ và lặp lại vài lần.

Bới tóc

Dùng các ngón tay như răng lược để chải tóc từ trước ra sau. Khi đến tai thì úp lòng bàn tay vào mặt ngoài tai rồi vuốt vòng từ sau tai ra hai má. Làm liên tục nhiều lần cho đến khi ù tai biến mất.

Ngáp

Bạn không nhìn nhầm đâu, động tác vô thức thường xuyên xảy ra khi buồn ngủ này lại có tác dụng chữa ù tai nhanh chóng. Trường hợp này, ta sẽ chủ động gây ra cái ngáp theo quy trình sau:

  • Bước 1: Dùng hai tay bịt mũi rồi hít sâu bằng miệng.
  • Bước 2: Đẩy không khí vào mũi bằng cách sử dụng các cơ hầu họng và hai bên má.
  • Lặp lại động tác nhiều lần chứng ù tai sẽ biến mất ngay.

Kéo vành tai

Vòng tay qua đỉnh đầu, lần lượt tay bên nào thì nắm vào vành tai bên kia. Dùng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa kéo vành tai lên trên. Động tác này không chỉ làm thông thoáng và thư giãn tai mà còn tập luyện cho cổ-vai-gáy, rất thích hợp với người ù tai, nhức đầu, đau mỏi vai gáy.

bị ù tai là bệnh gì

Rung tai

Đây cũng là một mẹo chữa ù tai nhanh chóng bằng cách đưa không khí vào tai để cân bằng áp lực. Để thực hiện động tác này, đầu tiên bạn dùng hai lòng bàn tay úp lên tai. Sau đó, bạn đột ngột bỏ tay ra, sẽ nghe một tiếp “phộp” trong tai do không khí được đấy vào trong hòm tai. Triệu chứng ù tai sẽ hết rất nhanh.

Nín thở

Nín thở cũng rất hiệu quả trong trường hợp ù tai lẫn ngạt mũi. Cách làm rất đơn giản: Bạn chỉ cần ngồi thẳng, nín thở hoàn toàn trong 30 giây sau đó thở mạnh ra. Động tác này làm thông không khí ở cả tai và mũi. Hãy lặp lại cho đến khi hiệu quả.

Trên đây là một vài mẹo đơn giản mà bạn có thể thực hiện ngay tại nhà. Tuy nhiên nhiều trường hợp ù tai dai dẳng không dứt, bạn rất có thể cần đến các biện pháp điều trị bằng thuốc cũng như bấm huyệt.

Ù tai uống thuốc gì?

Trong các trường hợp ù tai mà không có nguyên nhân bệnh lý thực thể, thuốc uống có thể có hiệu quả nhanh chóng nhưng đồng thời cũng gây các tác dụng không mong muốn. Cùng tìm hiểu các loại thuốc chữa ù tai thường dùng và tác dụng phụ của chúng!

Các loại thuốc ù tai thường dùng

  • Thuốc bổ sung khoáng chất và vitamin: Các thuốc kẽm trong ù tai do thiếu kẽm trong máu, sodium fluoride hoặc etidronate trong bệnh xơ cứng tai, các loại vitamin tổng hợp… được dùng đơn lẻ hoặc phối hợp trong điều trị ù tai.
  • Thuốc an thần, gây ngủ: Thường dùng Benzodiazepine – một thuốc ức chế thần kinh trung ương qua receptor GABA nên có tác dụng an thần, tạo giấc ngủ, chữa ù tai do kích thích thần kinh quá mức. Thuốc cần được kê đơn bởi bác sĩ và sử dụng đúng liều lượng khuyến cáo. Khi dùng thuốc, cần tránh uống rượu bia và các chất hiệp đồng lên GABA khác.

Các tác dụng phụ của thuốc

Thuốc an thần có thể gây nhiều tác dụng phụ đặc biệt trong các trường hợp dùng liều cao, kéo dài hay dừng thuốc đột ngột. Độc tính của thuốc cũng tăng lên nếu dùng cùng với rượu bia, ma túy. Do đó, bạn cần được kê đơn và hướng dẫn giảm liều bởi bác sĩ. Hãy theo dõi những tác dụng phụ sau đây để kịp thời thông báo với nhân viên y tế khi gặp phải:

  • Mệt mỏi, buồn ngủ: Đây là triệu chứng hầu như bệnh nhân nào cũng gặp phải do thuốc ức chế thần kinh trung ương. Để khắc phục, nên uống thuốc trước khi đi ngủ hai giờ; tránh tham gia gia giao thông, làm các công việc yêu cầu chính xác cao sau khi dùng thuốc.
  • Kích động, bồn chồn, mất ngủ: Trái với trường hợp trên, có nhiều người bệnh lại biểu hiện một sự hưng phấn thần kinh quá mức gây bồn chồn, lo lắng, mất ngủ. Bạn hãy thông báo với bác sĩ để dùng thêm thuốc an thần hoặc áp dụng các bài tập thư giãn, thiền, yoga.
  • Buồn nôn: Cũng là một triệu chứng thường gặp khi dùng thuốc nhất là với bệnh nhân mới sử dụng. Bạn có thể khắc phục bằng uống thuốc ngay sau ăn, dùng thêm các chất chống acid dạ dày. Triệu chứng này có thể mất sau tuần đầu tiên.
  • Rối loạn tình dục: Triệu chứng này không quá phổ biến nhưng lại gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các rối loạn hay gặp là giảm ham muốn, rối loạn cương, giảm khoái cảm, chậm xuất tinh. Nếu gặp phải, bạn đừng ngần ngại nói với bác sĩ của mình để đổi thuốc hoặc ngừng thuốc.
  • Tăng cân: Có một số người bệnh có cảm giác ngon miệng và ăn nhiều hơn dẫn đến tăng cân. Nguyên nhân khác có thể do giữ nước, ít vận động.
  • Khô mắt, khô miệng: Thuốc chữa ù tai cũng đồng thời ức chế các tuyến ngoại tiết gây khô miệng, khô mắt, mờ mắt. Bạn có thể cần thêm thuốc nhỏ mắt, kẹo nhai để khắc phục.

Cách chữa ù tai bằng bấm huyệt

Vì thuốc uống có thể gây nhiều tác dụng phụ nên bấm huyệt là một cách hay để chữa ù tai. Dùng ngón cái day ấn các huyệt sau hàng ngày có thể giảm ù tai hiệu quả:

  • Day bấm huyệt ế phong và thính cung:
    • Ế phong: Nằm sát bờ dưới dái tai khi ép dái tai vào sát xương, ngay chỗ lõm vào của xương.
    • Thính cung: Nằm ở chỗ lõm ngang trước giữa chân nắp bình tai.
  • Day bấm huyệt ế minh: Huyệt nằm ngay dưới điểm chót của xương chũm
  • Day bấm huyệt phong trì: Phong trì nằm dưới khối xương chẩm, ngoài khối cơ sau cổ.
  • Day bấm huyệt thái khê: Huyệt nằm ở chỗ lõm giữa điểm cao nhất mắt cá trong và bờ sau gân gót.

Cách chữa ù tai khi bị nước vào

Hẳn trong chúng ta ai cũng từng bị nước vào tai gây ù. Sau đây là các mẹo rất đơn giản để giảm nhanh tình trạng này:

  • Nghiêng và kéo vành tai: Hãy nghiêng và kéo vành tai về bên bị nước vào đồng thời dùng tay vỗ vào tai bên kia. Động tác giúp đẩy nước ra và bạn có thể dùng tăm bông để thấm nước chảy ra.
  • Dùng máy sấy tóc: Để chế độ nhỏ để thổi không khí vào tai trong 2-3 phút sẽ có hiệu quả.
  • Di chuyển hàm: đưa hàm qua lại hai bên đồng thời nghiêng đầu sang bên bị nước vào cũng là cách hay.
  • Gối cao: Nằm nghiêng sang bên bị nước vào và gối bằng gối cao giúp ù tai giảm nhanh chóng.

Như vậy, ù tai là chứng gặp ở nhiều bệnh, kể cả những bệnh nguy hiểm. Chữa ù tai cũng có rất nhiều phương pháp hiệu quả. Hãy trang bị cho mình những kiến thức về chứng bệnh này để có thể xử trí nhanh chóng mỗi khi mắc phải! Chúc các bạn luôn khỏe mạnh!

Bình chọn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *