Thoái hóa khớp háng gây ra những cơn đau nhức cục bộ cho người bệnh. Việc đi lại, ngồi xuống đều gặp những trở ngại nhất định. Vì vậy nếu không điều trị kịp thời bệnh sẽ mang tới nhiều biến chứng khó lường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh.
Thoái hóa khớp háng là gì?
Tình trạng đau nhức tại vùng khớp háng khi đi đứng hay ngồi xổm được gọi là thoái hóa khớp háng. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi do sự thoái hóa xương khớp hay do các khớp bị bào mòn trong thời gian dài.
Các cơn đau kéo dài khiến cấu trúc khớp háng bị thay đổi, biến dạng nên dễ gây ra những biến chứng cho người bệnh. Thoái hóa khớp ở vị trí háng cần được phát hiện, điều trị sớm để giảm thiểu bớt các cơn đau, di chứng nguy hiểm trong việc sinh hoạt, vận động của bệnh nhân.
Nguyên nhân thoái hóa khớp háng
Có nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra có liên quan tới căn bệnh thoái hóa khớp háng. Trong đó có nguyên nhân khách quan khó tác động là do tuổi tác, xương khớp háng bị bào mòn, suy giảm chức năng. Một số nguyên nhân thứ phát tác động đến bao gồm:
- Người bệnh từng mắc bệnh lý xương khớp như viêm khớp, thấp khớp, viêm cột sống khiến khớp háng bị viêm nhiễm.
- Khớp háng gặp các chấn thương do chạy nhảy, đi lại hay hoạt động mạnh, ngã câu thang…. mà không được điều trị tận gốc.
- Từng mắc bệnh lý hoại tử vô khuẩn ở vị trí chỏm xương đùi mà không được điều trị triệt để. Hậu quả là khi đến tuổi trung niên đối diện với nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp háng.
- Do yếu tố bẩm sinh: từ khi sinh ra đã có cấu trúc háng bất thường.
- Do biến chứng do nhiều bệnh lý khác mang tới như gút, tiểu đường, xương khớp, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm.
Triệu chứng thoái hóa khớp háng
Để có thể phân biệt thoái hóa khớp háng với một số bệnh lý khác về xương khớp, bạn đọc có thể dựa trên một số triệu chứng sau:
- Người bệnh khó khăn khi đi lại do khi di chuyển các chân vùng khớp háng đau nhức, mỗi bước đi đều gây đau nhói.
- Xuất hiện các cơn đau lan tỏa từ bẹn xuống đùi, có trường hợp lan xuống khớp gối, mông. Các cơn đau có xu hướng gia tăng khi cử động hay giữ quá lâu một tư thế.
- Khớp háng bị nhức, mỏi hoặc cứng khớp khi duỗi hay tham gia các vận động có liên quan tới háng.
- Các hoạt động có liên quan tới khớp háng bị hạn chế như ngồi xổm, đi lại, đi vệ sinh…
- Đau nhức khi xoay người hay đứng dạng hai chân, các cơn đau thuyên giảm khi được nghỉ ngơi.
- Ở giai đoạn nặng, người bệnh gặp những cơn đau nhói, liên tục về chiều tối hoặc khi vừa ngủ dậy.
Thoái hóa khớp háng có nguy hiểm không?
Thoái hóa khớp háng có gây nguy hiểm không là băn khoăn của nhiều bạn đọc. Thực tế mức độ nguy hiểm được đánh giá theo tình trạng bệnh mà bạn gặp phải. Nếu bạn mới chỉ gặp các cơn đau nhức khi vận động vùng khớp háng và các cơn đau này biến mất khi nghỉ ngơi thì bệnh ở giai đoạn nhẹ. Khi này bạn nên thăm khám để được hướng dẫn về dùng thuốc, cách điều trị. Tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ các cơn đau nhức sẽ biến mất và chức năng khớp không gặp ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên khi các cơn đau lan rộng kèm theo việc đi lại gặp khó khăn, các cơn đau xuất hiện nhiều thì bệnh trở nên khó điều trị. Các phương pháp được áp dụng khi này chỉ mang tính chất hạn chế bớt cơn đau, giãn cơ và giúp khớp háng trở nên linh hoạt hơn. Tuy nhiên bệnh chỉ được khắc phục tạm thời và vẫn có thể tái phát. Hay nói cách khác khi vào giai đoạn nặng bệnh khó có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Thoái hóa khớp háng không gây nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng người bệnh nhưng lại tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Ở giai đoạn nặng, người bệnh đối mặt với nguy cơ bại liệt khớp háng và hai chân nếu không được điều trị đúng cách.
Chẩn đoán thoái hóa khớp háng
Thoái hóa khớp háng cần được chẩn đoán bởi các bác sĩ có chuyên môn về xương khớp, tại các cơ sở y tế của đầy đủ dụng cụ.
- Ban đầu dựa trên các dấu hiệu lâm sàng như đau nhức khớp háng, đau háng khi đi lại, vận động để đưa ra chẩn đoán về vị trí thoái hóa hoặc viêm khớp của người bệnh.
- Để xác định được tình trạng bệnh, vị trí xương khớp bị viêm hay tổn thương bạn sẽ được chỉ định chụp X quang, cộng hưởng từ hoặc chụp CT để có thể đưa ra kết luận chính xác nhất.
Phương pháp chẩn đoán hình ảnh sẽ cho kết quả nhanh về vị trí đau nhức, xác định chính xác xem người bệnh gặp tổn thương tại xương khớp hay do thoái hóa gây ra. Một số người bệnh sẽ cần tiến hành thêm các xét nghiệm máu, xét nghiệm sinh hóa để có kết luận chính xác, đầy đủ hơn.
Thông qua kết quả thu được bác sĩ sẽ đưa ra kết luận về bệnh, từ đó có phác đồ điều trị chính xác, phù hợp nhất đối với mỗi bệnh nhân.
Điều trị thoái hóa khớp háng
Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp háng hiện nay cũng rất đa dạng, phong phú. Dựa trên mức độ bệnh của mỗi người mà các phương pháp cụ thể sẽ được áp dụng. Một số phương pháp bạn đọc có thể tham khảo đó là:
- Điều trị nội khoa: Sử dụng thuốc giảm đau, giảm viêm khi bệnh còn ở giai đoạn nhẹ. Người bệnh kết hợp thêm nghỉ ngơi, tập bài tập phù hợp để tăng cường chức năng cho khớp háng.
- Điều trị ngoại khoa: người bị trật khớp háng giai đoạn nhẹ có thể dùng phẫu thuật ngoại khoa để ghép xương ổ cối, sửa trục khung chậu..lấy lại chức năng cho khớp háng.
- Thay khớp háng: Đây được xem là phương pháp còn mới mẻ, hiện đại ở Việt Nam. Thay khớp háng là phẫu thuật đòi hỏi chuyên môn cao, nhạy bén.
Các bác sĩ sẽ bỏ đi phần ổ cối của xương chậu, phần chỏm của xương đùi để thay thế vào đây khớp háng nhân tạo. Mục đích là duy trì chức năng khớp háng và giảm bớt các cơn đau.
Thoái hóa khớp háng tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm, người bệnh không nên chủ quan mà cần thăm khám ngay khi cần thiết để điều trị kịp thời.