Thoái hóa khớp gối là bệnh lý ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến khả năng vận động, sinh hoạt hàng ngày của con người. Nguyên nhân gây bệnh được biết đến nhiều nhất là do xương khớp bị thoái hóa theo tuổi tác. Vậy thực sự thoái hóa khớp ở đầu gối còn bắt nguồn từ những nguyên nhân nào khác nữa? Cách phòng tránh và điều trị bệnh như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
Thoái hóa khớp gối là gì?
Thoái hóa khớp gối chính là tình trạng sụn và xương dưới sụn của khớp gối bị tổn thương. Chúng có thể bị bào mòn, vỡ, rách, nứt… khiến cho người bệnh thường xuyên đau nhức, cảm giác căng cứng và khó vận động. Lúc này quá trình tổng hợp và hủy hoại của sụn và xương dưới sụn đã bị mất cân bằng, chúng sẽ làm thay đổi hình thái ở khớp gối, thậm chí là mất luôn sụn khớp.
Ở những giai đoạn đầu, tình trạng thoái hóa rất khó phát hiện vì không có quá nhiều biểu hiện rõ ràng. Do đó, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn khi bệnh đã rơi vào tình trạng nặng. Hậu quả để lại của bệnh lý này cũng khá nghiêm trọng và có những biến chứng nguy hiểm. Bệnh thường phổ biến hơn với đối tượng là người cao tuổi, vì vậy hãy thăm khám sức khỏe định kỳ theo đúng lịch để có thể phát hiện và chữa trị sớm nhất.
Nguyên nhân thoái hóa khớp gối
Không chỉ liên quan đến vấn đề tuổi tác mà thoái hóa khớp gối còn có thể bắt nguồn từ rất nhiều các nguyên nhân khác nhau, cụ thể như sau:
- Giới tính: Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh thoái hóa ở khớp gối lên tới 80%. Bởi vì sự suy giảm hormone Estrogen khiến cho phái nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn hẳn nam giới.
- Di truyền: Thường những người có bố mẹ hay anh chị em ruột đã bị thoái hóa khớp thì sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Nguyên nhân này ít người biết và quan tâm đến nên khá chủ quan và không có biện pháp phòng tránh hợp lý.
- Độ tuổi: Hầu hết bệnh thường phổ biến ở những người có độ tuổi khoảng hơn 60. Lúc này các khớp gối rất dễ bị bào mòn và yếu đi do thời gian hoạt động lâu dài.
- Chấn thương: Hậu quả sau của việc va đập mạnh sau những tai nạn rất dễ khiến khớp gối bị viêm loét, nứt vỡ hay chảy máu rồi dẫn tới tình trạng thoái hóa.
- Chế độ dinh dưỡng: Với những người bị thiếu vitamin D thì nguy cơ mắc bệnh sẽ rất cao. Ngược lại, thừa cân béo phì gây áp lực lên xương khớp cũng là nguyên nhân dẫn tới thoái hóa khớp gối.
Triệu chứng thoái hóa khớp gối
Các triệu chứng thường xuất hiện phổ biến nhất khi bị thoái hóa khớp ở gối là:
- Sưng tấy, biến dạng khớp gối: Hiện tượng sưng lên của khớp là do lượng dịch bị tràn ra ngoài khiến cho đầu gối biến dạng.
- Căng cứng khớp: Triệu chứng này khiến cho người bệnh rất khó vận động hay di chuyển. Lúc này thoái hóa khớp gối đã khá nặng và cần được điều trị sớm nhất.
- Đau nhức từng cơn: Người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức xung quanh khu vực khớp gối bị tổn thương. Những cơn đau này sẽ tăng dần khi cố vận động hay di chuyển, đi lại, leo cầu thang.
Biến chứng thoái hóa khớp gối
Bệnh thoái hóa khớp ở đầu gối nếu không được phát hiện và áp dụng những biện pháp điều trị sớm thì rất dễ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như: Teo cơ, vôi hóa sụn khớp, các khớp gối bị biến dạng, cong vẹo, cứng khớp… Thậm chí có những người bệnh còn bị bại liệt hay tàn phế mà mà phải ngồi xe lăn để di chuyển. Không những thế, tình trạng đau nhức kéo dài còn làm ảnh hưởng đến các cơ quan khác ở quanh khu vực khớp gối.
Ngoài ra, các biến chứng của thoái hóa khớp gối còn dẫn tới các bệnh lý về mặt tinh thần của người bệnh. Vì lo âu, mệt mỏi và bị hạn chế vận động mà người bệnh cảm thấy chán nản, suy nghĩ tiêu cực khiến mất ngủ, stress, tăng cân, bệnh về huyết áp, tim mạch… Từ đó sẽ phát sinh thêm các bệnh lý liên quan khó lường khác nữa.
Chẩn đoán thoái hóa khớp gối
Để chẩn đoán thoái hóa khớp gối chính xác và chi tiết nhất, trong Y khoa thường chia làm 2 phần là chẩn đoán phân biệt và chẩn đoán xác định. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu 2 nội dung này ngay sau đây.
Chẩn đoán xác định
Ban đầu các bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa vào triệu chứng của người bệnh để chẩn đoán xác định như: Dịch khớp, hiện tượng cứng khớp, biến dạng, xuất hiện gai xương hay phát ra âm thanh lục khục khi cử động… Ngoài ra, người bệnh sẽ được chỉ định thêm các phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh là chụp X quang, siêu âm khớp, chụp cộng hưởng từ hoặc nội soi để có thể quan sát rõ nhất tình trạng của khớp gối. Từ đó sẽ xác định xem đây có phải là bệnh thoái hóa khớp gối hay không?
Chẩn đoán phân biệt
Để chẩn đoán phân biệt thì thường bệnh nhân sẽ được nội soi và sinh thiết vùng màng hoạt dịch. Việc làm này để tránh nhầm lẫn giữa thoái hóa với các bệnh lý có triệu chứng tương tự khác. Đặc biệt là khi người bệnh chỉ tổn thương ở vùng khớp gối và có những yếu tố viêm nhiễm sinh học được biểu hiện rõ ràng.
Điều trị thoái hóa khớp gối
Còn tùy theo nguyên nhân và triệu chứng của mỗi người mà sẽ được áp dụng phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối khác nhau. Sau đây là những cách phổ biến nhất để chữa trị bệnh lý này.
- Sử dụng thuốc: Để ngăn chặn những cơn đau nhức kéo dài thì người bệnh thường được kê các loại thuốc như: Thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc tăng cường tái tạo sụn khớp… Với phương pháp này người dùng cần tuân thủ đúng liều lượng và uống theo đơn do bác sĩ thăm khám đã kê.
- Vật lý trị liệu: Phương pháp vật lý trị liệu rất phù hợp với những người có triệu chứng bị căng cứng vùng khớp và khó vận động. Các chuyên gia sẽ đưa một số bài tập với những động tác làm mềm cho khớp gối, tăng cường khả năng linh hoạt. Ngoài ra, vật lý trị liệu còn làm lưu thông khí huyết, từ đó cung cấp nguồn dưỡng chất cho vùng bị tổn thương và hỗ trợ làm lành khu vực thoái hóa.
- Phẫu thuật: Với những trường hợp bệnh thoái hóa đã ở thể nặng thì sẽ được chỉ định phẫu thuật để điều trị. Phương pháp này cần đến những trang thiết bị hiện đại để điều chỉnh lại kích thước và vị trí của 2 đầu xương khớp gối.
Phòng ngừa thoái hóa khớp gối
Cho dù là ở bất cứ độ tuổi nào thì bạn cũng nên có những biện pháp để phòng ngừa thoái hóa khớp gối đối với bản thân. Tránh để bệnh diễn biến quá nặng mới đi thăm khám và điều trị. Sau đây là các giải pháp được khuyến cáo bởi các chuyên gia y tế để phòng ngừa thoái hóa khớp.
- Vận động, sinh hoạt khoa học, không đứng hay ngồi ở một tư thế quá lâu.
- Kiểm soát trọng lượng cơ thể để hạn chế sự chèn ép lên các sụn khớp.
- Tránh mang vác các vật quá nặng để tạo áp lực và gây tổn thương cho xương khớp.
- Uống đủ nước và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể.
- Thường xuyên tham gia các môn thể thao như yoga, bơi lội, đạp xe, đi bộ…
- Giữ tinh thần luôn thoải mái, lạc quan để nâng cao sức khỏe tổng thể.
Bài viết trên đây là toàn bộ những thông tin hữu ích nhất về bệnh thoái hóa khớp gối mà chúng tôi muốn cung cấp đến bạn đọc. Hy vọng rằng chúng sẽ giúp bạn có thể nhận biết và hạn chế được những rủi ro liên quan đến loại bệnh lý này. Chúc bạn sẽ sớm hồi phục và luôn có được sức khỏe tốt nhất!