Suy tuyến thượng thận là một bệnh lý nguy hiểm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh xảy ra tác động đến lượng hormone được tiết ra tại tuyến thượng thận. Bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu suy tuyến thượng thận có nguy hiểm không, cách điều trị và phòng tránh như thế nào nhé!
Suy tuyến thượng thận là gì?
Suy tuyến thượng thận là tình trạng suy giảm các hormone do tuyến thượng thận tiết ra như Glucocorticoid, Mineralocorticoid, Corticoid, Aldosteron và Cortisol,… do cả nguyên nhân nguyên phát và thứ phát.
Tuyến thượng thận gồm phần tủy thượng thận và vỏ thượng thận. Tủy thượng thận như là hạch giao cảm lớn của cơ thể. Khi hệ thần kinh giao cảm bị kích thích thì tuyến tủy thượng thận sẽ bài tiết nhiều hormone hơn. Phần vỏ thượng thận cấu tạo gồm ba lớp với, bài tiết nhiều hormone Aldosteron và Cortisol.
Suy thượng thận cấp
Suy thượng thận cấp là tình trạng cấp tính do suy giảm Corticoid đột ngột, có thể đi kèm với thiếu Corticoid khoáng. Bệnh diễn ra với bệnh cảnh không điển hình, rầm rộ và có thể gây tử vong do biểu hiện lâm sàng có thể nhầm với các bệnh về tim mạch
Các triệu chứng lâm sàng bao gồm:
- Rối loạn tiêu hóa, đau thượng vị, đi ngoài phân lỏng, nôn và buồn nôn dễ nhầm với bệnh lý đau dạ dày.
- Hôn mê, các triệu chứng kích thích khác như: mê sảng, vật vã, toát mồ hôi,…
- Choáng, shock, tay chân lạnh, mạch nhanh nhỏ, khó bắt.
- Đau cơ, đau đầu, mất nước, sốt,…
Nguyên nhân của suy tuyến thượng thận cấp có thể là do tổn thương tại tuyến, các trường hợp chấn thương, sau can thiệp phẫu thuật, hay xuất phát từ tuyến yên, vùng dưới đồi.
Cần phải phát hiện sớm để có những can thiệp kịp thời tránh ảnh hưởng đến tình mạng. Hướng điều trị của bệnh là bù dịch để nâng cao huyết áp và cải thiện tình trạng trụy mạch. Ngoài ra có các liệu pháp bù hormone hợp lý, phối hợp với các biện pháp nâng cao thể trạng để bệnh tiến triển tốt hơn.
Suy thượng thận mạn
Suy thượng thận mạn là tình trạng thiếu hụt các hormone Mineralocorticoid hay Glucocorticoid. Bệnh cảnh diễn biến từ từ và khó phát hiện.
Triệu chứng lâm sàng:
– Mệt mỏi là triệu chứng đầu tiên xuất hiện và thường gặp nhất. Mệt mỏi trong suy thượng thận mạn dễ nhầm với mệt mỏi do công việc và thường kèm theo stress. Mệt nhiều về buổi chiều, sau những giấc ngủ. Phụ nữ mệt mỏi dẫn đến tình trạng lãnh cảm.
- Gầy sút cân xảy ra liên tục qua các tháng.
- Đau bụng, rối loạn tiêu hóa, nôn, buồn nôn, chán ăn, ăn kém dễ nhầm với các triệu chứng lâm sàng của các bệnh đường tiêu hóa khác.
- Xuất hiện các tình trạng sạm da, sạm da nâu đồng, sạm da nhiều ở những vết thương hở, đầu vú, vùng bộ phận sinh dục thâm hơn,…
- Hạ huyết áp phụ thuộc vào thời gian bị bệnh, hạ huyết áp gặp nhiều ở trẻ em hơn. Có thể gặp các trường hợp hạ huyết áp tư thế kèm huyết áp kẹt, shock.
- Ngoài ra còn các triệu chứng thần kinh như bồn chồn, lo lắng hay đau, run cơ,… cũng xảy ra đối với bệnh suy thượng thận mạn.
Nguyên nhân của suy tuyến thượng thận mạn do các yếu tố tự miễn của cơ thể, các tổn thương thứ phát như: u, nhiễm khuẩn, chấn thương,…
Cách điều trị chính là sử dụng liệu pháp hormone thay thế.
Suy vỏ thượng thận
Suy vỏ thượng thận là tình trạng thiếu hụt các hormone được sản xuất từ tuyến vỏ thượng thận như: Aldosteron, Cortisol. Vỏ thượng thận được cấu tạo bởi ba lớp riêng biệt: lớp cầu, lớp bó và lớp lưới.
Các hormone vỏ thượng thận chủ yếu để chuyển hóa muối và nước nên khi suy vỏ thượng thận sẽ dẫn đến các hiện tượng thừa nước và muối.
Nguyên nhân dẫn đến suy vỏ thượng thận bắt nguồn từ các tổn thương tiên phát và thứ phát tại tuyến.
Điều trị suy vỏ thượng thận cũng áp dụng các biện pháp bổ sung liệu pháp hormone cần thiết.
Bệnh suy tuyến thượng thận có nguy hiểm không?
Tuyến thượng thận tuy nhỏ nhưng lại là tuyến quan trọng và sinh mạng của cơ thể. Thực nghiệm trên động vật, nếu loại bỏ hai bên tuyến thượng thận thì động vật sẽ chết nhanh chóng trong tình trạng rối loạn điện giải và stress.
Vỏ thượng thận bài tiết các hormone có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, chuyển hóa Carbohydrate, Lipid, Protein,… hay tủy thượng thận tiết ra các hormone giao cảm như: Adrenalin, Noradrenalin. Như vậy, tuyến thượng thận sẽ tham gia vào các chức năng bảo vệ cơ thể, chức năng chuyển hóa chất dinh dưỡng và các chức năng co bóp cơ tim, mạch máu. Nếu tuyến thượng thận bị suy sẽ dẫn đến các chức năng quan trọng duy trì hoạt động của cơ thể bị suy giảm và dẫn đến tử vong nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Suy tuyến thượng thận có chữa được không?
Suy tuyến thượng thận có thể chữa được nếu như phát hiện bệnh hoặc những nguyên nhân gây bệnh.
Điều trị suy tuyến thượng thận chủ yếu sử dụng liệu pháp hormone hỗ trợ.
- Glucocorticoid: Hydrocortisone 10 mg: Liều 0,5 – 1 mg/kg/ngày.
- Mineralocorticoid: Florinef 50µg: Liều 1 – 2 viên/ngày. Uống vào buổi sáng.
- Hydrocortisone: Liều 100mg tiêm tĩnh mạch 6 giờ/lần cho đến khi bệnh tiến triển tốt lên. Dùng trong trường hợp suy thượng thận cấp.
Ngoài ra còn phải theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp thường xuyên tránh các biến chứng xảy ra.
Suy tuyến thượng thận nên ăn gì?
– Người bị suy tuyến thượng thận nên ăn đủ muối, đường. Luôn có thuốc đường tiêm để dự trữ.
– Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất để nâng cao thể trạng.
Trên đây là toàn bộ những điều lưu ý về bệnh suy tuyến thượng thận. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng các bạn sẽ hiểu cụ thể hơn về bệnh và những cách điều trị. Chúc mọi người có nhiều sức khỏe!
Bệnh lý liên quan: Thuốc chữa suy thận tốt nhất hiện nay là loại nào?