Suy thận độ 2 hay suy thận giai đoạn II là một bệnh lý đặc trưng bởi tổn thương thận và giảm mức lọc cầu thận nhẹ. Mức lọc cầu thận ở bệnh nhân suy thận độ 2 là 60-89 ml/phút/1.73m2 da. Cần tích cực điều trị để nâng cao mức lọc cầu thận với những bệnh nhân này.
Suy thận độ 2 là gì?
Theo Hội Thận học Hoa Kỳ, suy thận mạn là tình trạng suy giảm chức năng thận mạn tính không hồi phục theo thời gian, trong nhiều năm do tổn thương không hồi phục về số lượng và chức năng của các nephron. Suy thận độ 2 chức năng của thận giảm nhẹ, các đơn vị cấu trúc của thận vẫn có thể lọc máu đào thải phần lớn chất độc ra khỏi cơ thể.
Triệu chứng của suy thận độ 2 thường rất mơ hồ, chưa rõ ràng, bệnh nhân có thể được phát hiện một cách tình cờ thông qua xét nghiệm máu. Một số bệnh nhân có thể xuất hiện các dấu hiệu sau:
- Mệt mỏi, không có sức
- Buồn nôn, nôn mửa, chán ăn
- Một số bệnh nhân có xuất hiện phù, cảm giác nặng mắt, nặng mặt, phù toàn thân
- Run tay chân, run cơ
- Có thiếu máu nhẹ, giảm nhẹ dòng hồng cầu
- Đa số bệnh nhân có kèm theo tăng huyết áp
Suy thận độ 2 có nguy hiểm không?
Mức lọc cầu thận ở bệnh nhân suy thận độ 2 giảm nhẹ, do đó chức năng lọc của cầu thận vẫn còn nhưng không thể lọc hoàn toàn độc tố ra khỏi cơ thể. Đây là giai đoạn rất quan trọng trong diễn tiến của bệnh. Rất nhiều trường hợp sau khi phát hiện và điều trị tích cực mức lọc cầu thận tăng lên. Tuy nhiên cũng có không ít trường hợp suy thận độ 2 tiến triển nặng, mức lọc cầu thận chỉ còn dưới 15 ml/phút/1.73m2 da.
Suy thận là một bệnh lý nguy hiểm gây ra rất nhiều biến chứng. Biến chứng tim mạch chiếm tỉ lệ cao, có đến 40-60% bệnh nhân suy thận có tử vong do các biến cố tim mạch. Tăng huyết áp xuất hiện ở 80-90% bệnh nhân suy thận nặng.
Thận là cơ quan giúp ổn định nồng độ các chất trong cơ thể (cân bằng kiềm toan). Suy thận khiến người bệnh luôn rơi vào tình trạng mất rối loạn nước – điện giải, thăng bằng kiềm – toan. Bệnh cảnh này sẽ làm nặng thêm tình trạng loãng xương và tăng kali máu. Bệnh nhân có thể tử vong do tăng kali huyết.
Các biến chứng về tiêu hóa và rối loạn chuyển hóa lipid cũng thường xuất hiện trên những bệnh nhân này. Chán ăn và viêm loét dạ dày dày chiếm một tỉ lệ lớn. Thêm vào đó các rối loạn dinh dưỡng có thể tăng lên do bệnh nhân ăn kiêng đạm quá nhiều.
Đặc biệt ở những bệnh nhân suy thận nặng có thể mắc bệnh não do ure máu cao. Đây là tình trạng nhiễm độc mạn tính ure. Ure sẽ theo máu đến não làm rối loạn hoạt động của tế bào não, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng về thần kinh, nặng hơn có thể dẫn đến hôn mê.
Suy thận độ 2 sống được bao nhiêu lâu?
Suy thận độ 2 nếu được điều trị tích cực và duy trì sau đó thì mức lọc cầu thận có thể trở lại gần như bình thường. Bệnh nhân có thể sống như những người khỏe mạnh khác. Tuy nhiên nếu không được phát hiện sớm và điều trị thì suy thận độ 2 sẽ tiến triển đến suy thận giai đoạn IV – V (suy thận giai đoạn cuối) trong khoảng 5 năm, lúc này bệnh nhân phải sử dụng các phương pháp lọc máu thay thế là ghép thận hoặc chạy thận nhân tạo. Thời gian sống của bệnh nhân chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận từ 5-10 năm, có thể 20-30 năm tùy thuộc vào từng bệnh nhân và bệnh cảnh suy thận.
Chữa suy thận độ 2 như thế nào?
Mục tiêu điều trị của suy thận độ 2 là bảo tồn và nâng cao mức lọc cầu thận. Nguyên tắc điều trị yêu cầu kiểm soát các căn nguyên bệnh sinh, làm chậm tiến triển của suy thận, điều trị các biến chứng của suy thận và đánh giá, chuẩn bị điều trị thay thế khi có suy thận nặng.
Bệnh nhân được tiết chế protein niệu bằng chế độ ăn. Điều trị hạ áp nếu bệnh nhân có tăng huyết áp đi kèm. Các thuốc được sử dụng có tác dụng hạ áp nhưng không độc với thận, làm giảm quá trình tiến triển đến suy thận nặng. Kiểm soát đường huyết và rối loạn chuyển hóa lipid bằng các thuốc hạ mỡ máu và hạ đường huyết. Có thể sử dụng Insulin nếu cần.
Suy thận độ 2 kiêng ăn gì?
Với suy thận chế độ ăn kiêng là vô cùng quan trọng. Bệnh nhân phải ăn nhạt tuyệt đối (3-5g/ngày). Tiết chế đạm trong chế độ ăn khoảng 0.6-0.8g/kg/ngày, nên ăn thịt trắng hạn chế ăn các loại thịt đỏ. Không dùng các chất kích thích, bỏ rượu bia, thuốc lá…
Rau nên dùng các loại rau ít đạm, ít chua không nên ăn nhiều rau dền, na, đu đủ, chuối chín, mít chín, quýt ngọt… Giảm thức ăn giàu phosphat như gan, thận, trứng. Uống nước vừa đủ, tương ứng lượng đái ra.
Hạn chế sử dụng thuốc độc cho thận. Người bệnh nên thông báo với bác sĩ khám bệnh về tình trạng bệnh thận nếu có điều trị bệnh lý khác ngoài thận. Không sử dụng bừa bãi các chế phẩm thuốc đông dược và thực phẩm chức năng.
Suy thận độ 2 là ranh giới đặc biệt giữa mức độ nhẹ và nặng của suy thận. Do vậy người bệnh cần lưu ý đặc biệt khi phòng và kiểm soát mức độ suy thận của chính mình. Hạn chế tiến triển dần xấu đi của bệnh, để sống vui khỏe với gia đình và người thân.