“Nông thôn là gì” và “xây dựng nông thôn mới” là những từ ngữ tưởng như rất quen thuộc và chúng ta vẫn được nghe hàng ngày. Thế nhưng, nếu hỏi khái niệm nội hàm của 2 thuật ngữ này thì nhiều người vẫn chưa hiểu rõ.
Nông thôn là gì?
Nông thôn được hiểu là phần lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị các thành phố, thị xã, thị trấn và được quản lý bởi cấp hành chính cơ sở là Ủy ban nhân dân xã. Nông thôn Việt Nam là danh từ để chỉ những vùng đất mà ở đó, người dân sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam.
Xây dựng nông thôn mới là gì?
Xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng và là một cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư ở nông thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã, gia đình của mình khang trang, sạch đẹp. Đồng thời, phát triển sản xuất toàn diện về nông – công nghiệp và dịch vụ. Người dân có nếp sống văn hóa, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo, thu nhập và đời sống vật chất – tinh thần của người dân được nâng cao.
Căn cứ trên tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành TW Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (5/8/2008), chính phủ đã xây dựng và triển khai “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”. Đây là chương trình tổng thể về phát triển kinh tế – xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng.
Ngày 4/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020. Theo đó, chương trình đặt ra tham vọng đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020 thì con số này được nâng lên thành 50%.
Các đặc trưng của nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020
- Phát triển kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao.
- Nông thôn phát triển theo quy hoạch, cơ cấu hạ tầng, kinh tế, xã hội hiện đại, môi trường sinh thái được bảo vệ.
- Dân trí được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy.
- An ninh tốt, quản lý dân chủ
- Chất lượng hệ thống chính trị được nâng cao.
Tại sao phải xây dựng nông thôn mới?
Sau 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên nhìn chung còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế như: Nông nghiệp phát triển kém bền vững, sức cạnh tranh còn thấp, sự chuyển giao khoa học – công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế.
Bên cạnh đó là tình trạng nông nghiệp, nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện… còn yếu kém, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Nhìn chung, đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao và sự chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị ngày càng lớn dẫn tới sự phát sinh của các vấn đề xã hội bức xúc…
Mặt khác, nước ta đã đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp, mà một nước công nghiệp không thể để nông nghiệp, nông thôn lạc hậu, nông dân nghèo khó.
Vì vậy, xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa quê hương, đất nước, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân sinh sống ở địa bàn nông thôn.
Những kết quả đã đạt được của chương trình xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam
- Tính đến hết tháng 11/2015, có 1298 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 14,5% số xã toàn quốc. Như vậy, mục tiêu ban đầu đề ra là đến năm 2015 có 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới chưa đạt được.
Cụ thể, có 11 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Giữa các vùng, miền tồn tại khoảng cách lớn khi tại Đông Nam Bộ, tỉ lệ xã đạt nông thôn mới là 34%, Đồng bằng sông Hồng đạt 23,5%, Khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên chỉ đạt khoảng 7%.
- Tính đến tháng 12/2018, cả nước có 3787 xã (42,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Như vậy, sau hơn 8 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bình quân cả nước đạt 14,33 tiêu chí/xã, 61 đơn vị cấp huyện thuộc 31 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, năm 2018, thu nhập bình quân khu vực nông thôn cả nước đạt khoảng 34-35 triệu đồng/người.
Từ kết quả đạt được, Bộ NN&PTNT đã nhận định mục tiêu dự kiến cuối năm 2019, cả nước sẽ có khoảng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới là hoàn toàn khả thi và thậm chí là hoàn thành sớm hơn 1 năm so với mục tiêu mà Quốc hội đề ra.
- Tính đến hết tháng 3/2019, cả nước đã có 4207 xã (đạt 47,19%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 369 xã (4,13%) so với cuối năm 2018, bình quân đạt 14,61 tiêu chí/xã. Trên cả nước không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Ngoài ra, có 66 đơn vị cấp huyện thuộc 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đang triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” – OCOP, đồng thời tiếp tục xây dựng hoàn thiện Bộ tiêu chí tạm thời đánh giá xét công nhận sản phẩm OCOP giai đoạn 2018 – 2020 và tổ chức Diễn đàn kết nối mạng lưới OCOP toàn cầu và hội chợ quốc tế OCOP năm 2019, gắn với Hội chợ quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng Việt Nam.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, cả nước phấn đấu tính đến hết năm 2019 sẽ có từ 48-50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng từ 8-10% so với năm 2018 và có xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, có ít nhất 70 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu cả nước không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. |
Theo Thu Hiền