Nhồi máu phổi là gì? Triệu chứng và điều trị

Nhồi máu phổi là một tình trạng y tế nguy hiểm có khả năng gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Chính vì vậy, mọi người cần trang bị cho bản thân những thông tin cơ bản liên quan đến bệnh lý này như dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân,… để có thể phòng ngừa tốt nhất.

Nhồi máu phổi là gì?

Nhồi máu phổi (tên tiếng Anh: Pulmonary infarction) là tình trạng mô phổi tổn thương do nguồn máu cung cấp bị tắc nghẽn, có thể là động mạch hoặc một số nhánh chính. Tình trạng này cũng thường được coi là biến chính của các bệnh lý tim mạch.

Nhồi máu phổi có thể xảy ra ở tất cả mọi người nhưng đối tượng có nguy cơ cao hơn là người cao tuổi hoặc những người có tiền sử bệnh tim mạch. Tùy vào vị trí cũng như kích thước cục máu đông mà triệu chứng của bệnh có mức độ khác nhau, từ nhẹ cho đến nghiêm trọng. Tuy nhiên, về cơ bản, đây là một vấn đề y tế nghiêm trọng và cần được xử lý trong thời gian ngắn nhất.

Nhồi máu phổi là gì

Nguyên nhân nhồi máu phổi

Theo các nghiên cứu khoa học, nguyên nhân phổ biến nhất của nhồi máu phổi là do thuyên tắc mạch phổi (tên tiếng Anh: Pulmonary embolism). Thuyên tắc mạch phổi xảy ra khi một cục máu đông di chuyển vào các mạch máu trong phổi rồi gây ra hiện tượng tắc nghẽn và kém lưu thông máu. Các bác sĩ nhận định rằng 30% bệnh nhân thuyên tắc phổi gặp phải biến chứng nhồi máu ở phổi.

Ngoài nguyên nhân chính nêu trên, nhồi máu phổi cũng có thể liên quan đến một số tình trạng gây rối loạn tuần hoàn máu phổi khác, ví dụ như: Ung thư, bệnh tim mạch, các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, nhiễm trùng phổi, bệnh thoái hóa tinh bột,… Bên cạnh những yếu tố tác động trực tiếp, những người lạm dụng thuốc tiêm tĩnh mạch hoặc sử dụng thuốc lá trong thời gian dài cũng có nguy cơ cao bị nhồi máu phổi.

Triệu chứng nhồi máu phổi

Các triệu chứng ở bệnh nhân nhồi máu phổi phụ thuộc vào vị trí phổi tổn thương cũng như kích thước cục máu đông trong thành mạch. Trong trường hợp tắc nghẽn nhẹ, những biểu hiện lâm sàng thường không quá rõ ràng, thậm chí có một số bệnh nhân không có triệu chứng. Còn với những trường hợp nhồi máu phổi diện rộng, các triệu chứng thường nghiêm trọng hơn, cụ thể gồm:

  • Đau tức ngực, cảm giác đau trở nên tồi tệ hơn khi hít thở. Đây được xem là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh, xuất hiện ở khoảng 70% ca bệnh.
  • Các cơn ho kéo dài và ho ra máu. Nguyên nhân của triệu chứng này là do có máu đông bên trong phổi.
  • Chân bị sưng to hoặc đau chân kéo dài.
  • Các triệu chứng khác: Sốt, khó thở, mệt mỏi, ra mồ hôi, có cảm giác bồn chồn lo lắng, nhịp tim nhanh, nấc cụt dai dẳng, ngất xỉu, huyết áp thấp, mặt tái xanh,…

Triệu chứng nhồi máu phổi

Nhồi máu phổi có nguy hiểm không?

Một trong những vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm là nhồi máu phổi có nguy hiểm không. Theo các chuyên gia, để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, ví dụ như diện tích phổi bị tắc nghẽn, tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân, tiền sử bệnh lý,…

Cũng theo một số thống kê y tế, bất kể nguyên nhân là gì thì tình trạng nhồi máu phổi diện rộng khá hiếm gặp. Lý do là vì phổi của chúng ta có đến 3 nguồn cung cấp oxy chính: Động mạch phổi, động mạch phế quản và các phế nang. Do đó, người bệnh nếu phát hiện và điều trị sớm thì không nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy nhiên, đối với những trường hợp có bệnh lý nền như suy tim mãn tính, tắc nghẽn phổi mãn tính,… thì nguy cơ tử vong thường cao hơn. Nguyên nhân là vì chức năng phổi và tim vốn bị đã suy giảm nên khi nhồi máu phổi xảy ra, bệnh nhân thường dễ rơi vào tình trạng thiếu oxy cục bộ.

Chẩn đoán nhồi máu phổi

Để chẩn đoán nhồi máu phổi, các bác sĩ có thể thực hiện những biện pháp sau đây:

  • Khám tổng thể: Trong quá trình này, người bệnh nên liệt kê những triệu chứng lâm sàng, có thể mô tả chi tiết về mức độ và thời điểm xuất hiện. Sau đó, các bác sĩ sẽ xem xét các dấu hiệu bên ngoài đồng thời dùng ống nghe để kiểm tra nhịp tim hoặc âm thanh “cọ màng phổi”.
  • Chụp X-quang hoặc CT tim phổi: Đối với những trường hợp không có biểu hiện lâm sáng, các biện pháp chẩn đoán như chụp X-quang, chụp Ct tim phổi sẽ được thực hiện. Thông qua hình ảnh X-quang và CT, các bác sĩ có thể tìm ra sự bất thường ở phổi và vị trí tắc nghẽn.
  • Điện tim và siêu âm tim: Nhồi máu phổi thường gây ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch, vì vậy các bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh siêu âm tim và điện tim. Kết quả của những xét nghiệm này thường cho thấy nhịp xoang tim nhanh hoặc buồng tim bị giãn do tắc nghẽn diện rộng.
  • Sinh hóa huyết học: Một số xét nghiệm sinh hoạt huyết học cũng được chỉ định khi chẩn đoán nhồi máu ở phổi. Các chỉ số thường được xem xét gồm có: Lượng oxy và cacbon dioxit trong máu, toàn chuyển hóa, D-dimer, hematocrite.

Chẩn đoán nhồi máu phổi

Cách điều trị nhồi máu phổi

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị thích hợp nhất. Hiện nay, những biện pháp xử lý nhồi máu phổi phổ biến nhất gồm có:

  • Duy trì oxy trong máu: Người bệnh có thể bị khó thở và đau tức ngực do thiếu oxy nên cần được hỗ trợ để duy trì lượng oxy cần thiết trong máu. Các bác sĩ thường chỉ định đặt ống thông mũi hoặc dùng mặt nạ oxy với những trường hợp nhẹ. Đối với bệnh nhân nặng có thể phải đặt nội khí quản và máy thở.
  • Sử dụng các loại thuốc Tây y: Nếu nguyên nhân là do thuyên tắc mạch phổi, người bệnh cần dùng đến một số loại thuốc Tây y như thuốc chống đông máu heparin đường tiêm tĩnh mạch hoặc dạng viên uống. Đối với những bệnh nhân nhồi máu phổi diện rộng đến mức cung nhịp tim giảm, thuốc tiêu sợi huyết có thể được sử dụng.
  • Phẫu thuật: Nếu như các biện pháp trên không đem lại hiệu quả, các bác sĩ sẽ cân nhắc đến phẫu thuật đặt ống thông để loại bỏ cục máu đông gây tắc nghẽn trong phổi. Đây là thủ thuật giúp cải thiện lưu lượng máu nuôi dưỡng lá phổi và giảm tỷ lệ biến chứng xuống mức thấp nhất.

Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích liên quan đến tình trạng nhồi máu phổi. Bệnh có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau nhưng đều có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm. Chính vì vậy, người bệnh nên tìm đến các cơ sở y tế ngay khi phát hiện những dấu hiệu đầu tiên.

Bình chọn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *