Cách vỗ long đờm cho trẻ như nào là đúng, an toàn được rất nhiều ông bố bà mẹ bỉm sữa quan tâm. Bởi trẻ nhỏ sức đề kháng còn yếu nên dễ bị mắc các bệnh đường hô hấp, đặc biệt vào lúc thời tiết chuyển mùa nóng sang lạnh, gây đờm rãi ở cổ họng khiến trẻ khó thở, khó chịu và quấy khóc. Bài viết dưới đây hướng dẫn cách vỗ long đờm cho bé an toàn, hiệu quả, mọi người cùng tham khảo nhé!
Vỗ long đờm cho trẻ là gì?
Vỗ long đờm còn được gọi là vỗ rung đờm là kỹ thuật y khoa, dùng tác động vật lý bằng tay hoặc dụng cụ để thay đổi áp suất trong phổi. Nhờ vậy giúp phổi tăng được đỗ giãn nở, tăng thông khí và tống được đờm dãi, chất tiết khác ra bên ngoài.
Kỹ thuật vỗ long đờm cho trẻ thường được nhân viên y tế thực hiện hoặc cha mẹ khi đã được hướng dẫn chi tiết, cẩn thận bởi nhân viên y tế. Sau khi thực hiện, trẻ sẽ ho nhiều kèm đờm dãi nên việc hô hấp của bé sẽ dễ dàng hơn, trẻ không còn thở khò khè nữa.
Trước khi thực hiện, cha mẹ cần được sự đồng ý của bác sĩ hoặc đã được hướng dẫn đầy đủ.
Vỗ rung long đờm cho trẻ khi nào?
Kỹ thuật vỗ rung long đờm cho bé được áp dụng khi bé bị mắc những bệnh lý về đường hô hấp, chẳng hạn như:
- Viêm tiểu phế quản
- Viêm phế quản phổi
- Xẹp phổi, viêm phổi thùy
- Những bệnh về đường hô hấp mãn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, những bệnh thần kinh cơ chẳng hạn như bệnh nhược cơ
- Sau khi thực hiện phẫu thuật lồng ngực
- Sau khi dẫn lưu màng phổi nếu bị tràn dịch màng phổi trước đó
Biện pháp này giúp trẻ tống được đờm dãi ra ngoài, giúp phổi về kích thước ban đầu, khiến bé thoải mái hơn, nhờ vậy trẻ ít quấy khóc, ăn uống tốt hơn và nhanh khỏi bệnh hơn.
Cách vỗ long đờm cho trẻ an toàn và hiệu quả
Kỹ thuật vỗ long đờm cho trẻ gồm 4 bước và được thực hiện trong thời gian khoảng 10 – 15 phút. Dưới đây là các bước vỗ long đờm cho trẻ đúng, an toàn và hiệu quả:
Làm thông thoáng mũi họng cho trẻ
Bước đầu tiên trong vỗ long đờm cho trẻ là làm thông thoáng mũi họng. Thông thường, trẻ sẽ được xông khí dung trước để làm giãn đường phế quản, đờm dãi loãng hơn giúp cho việc vỗ rung tống đờm dãi ra dễ dàng và hiệu quả hơn.
Cha mẹ có thể sử dụng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9% hoặc thuốc làm loãng đờm, thuốc làm giãn phế quản để làm thông thoáng mũi họng cho bé. Sử dụng loại này sẽ tùy thuộc vào tình trạng và thời điểm bệnh của bé. Thời điểm làm thông thoáng tốt nhất là trước khi thực hiện vỗ rung long đờm cho trẻ.
Làm sạch mũi cho bé
Bé thường ho nhiều khi vỗ rung để tống được hết đờm dãi qua miệng nên mũi cần được làm sạch, không có gỉ mũi, nước mũi để bé được thông khí. Bên cạnh đó, một số trẻ còn tống cả đờm dãi qua đường mũi hiệu quả sẽ cao hơn.
Cha mẹ hãy sử dụng nước muối sinh lý nhỏ vào mũi cho bé 2 – 3 phút để gỉ mũi mềm rồi dùng dụng cụ hoặc khăn ẩm vệ sinh mũi, lấy hết gỉ mũi, nước mũi cho trẻ. Khi thực hiện làm sạch mũi cho bé, cha mẹ cần thực hiện nhẹ nhàng, tránh đưa dụng cụ hoặc tay quá sâu có thể khiến trẻ đau khóc hoặc chảy máu mũi.
Vỗ long đờm cho trẻ
Vỗ long đờm cho trẻ là bước quan trọng nhất, các bước thực hiện gồm:
- Tư thế: Cho trẻ nằm nghiêng 1 bên, cúi đầu bé xuống hoặc bế vác bé lên để tống đờm ra ngoài dễ dàng hơn đồng thời để bé không bị sặc đờm dãi lại phổi.
- Vị trí vỗ rung: Vỗ trong vùng phổi từ ngang lưng đến vùng phổi ở phía vai để đưa được đờm dãi từ đáy phổi lên trên và để bé ho ra ngoài.
- Tay của người thực hiện vỗ long đờm: Cần khum lại tạo một khoảng trống ở giữa tránh bé bị đau khi thực hiện vỗ rung.
- Khi thực hiện vỗ long đờm cho trẻ, người thực hiện cần dùng lực ở cổ tay, nghe thấy tiếng bộp bộp, vỗ đều đặn từ dưới lên trên, đều đặn theo nhịp thở của bé.
Thời gian thực hiện vỗ rung thường từ 10 – 15 phút, trong suốt quá trình, người thực hiện cần phải quan sát trẻ để phát hiện ra bất thường (nếu có).
Chăm sóc trẻ sau khi vỗ long đờm
Sau khi thực hiện vỗ long đờm cho trẻ, bé sẽ ho nhiều, thậm chí ho ộc đờm. Đây là phản xạ bình thường và là mục đích khi thực hiện vỗ rung nên cha mẹ không cần quá lo lắng. Trẻ thường khóc khi thực hiện hoặc sau khi thực hiện, cha mẹ hãy bế và ôm ấp vỗ về để bé giảm khóc.
Cha mẹ không cho trẻ uống sữa hoặc ăn ngay sau khi thực hiện vỗ rung để tránh bị nôn trớ, ho sặc. Thời điểm tốt nhất để cho bé ăn hoặc uống sữa sau khi vỗ rung từ 10 phút trở lên. Cha mẹ chỉ nên cho bé uống nước ấm hoặc sữa ấm.
Trẻ có triệu chứng bất thường nào như tím tái, quấy khóc nhiều hơn, thở nhanh hay ho ra máu… sau khi thực hiện vỗ rung long đờm thì cha mẹ nên thông báo cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.
Vỗ long đờm cho trẻ cần lưu ý gì?
Khi thực hiện vỗ long đờm cho trẻ, để đảm bảo đúng, an toàn và hiệu quả thì cha mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Chỉ áp dụng cách vỗ long đờm cho bé khi có chỉ định của y bác sĩ điều trị và được hướng dẫn chi tiết, đầy đủ của y bác sĩ tránh gây nguy hiểm cho bé
- Không vỗ rung trực tiếp lên da của bé mà cần phải thực hiện qua một lớp khăn mỏng hoặc lớp áo mỏng
- Thời điểm vỗ long đờm cho trẻ tốt nhất là vào sáng sớm, bởi sau một đêm ngủ thì đờm dãi của bé ứ đọng nhiều ở phổi khiến bé khó thở, có khi bị nôn trớ đồ ăn.
- Khi thực hiện vỗ rung thì cha mẹ cần phải tháo hết đồ trang sức như vòng tay, nhẫn, móng tay cần cắt ngắn để tránh làm tổn thương da bé gây đau và chảy máu cho trẻ
- Sau khi vỗ long đờm thì bé sẽ bị ho, đây là phản xạ để tống hết đờm dãi nên cha mẹ không được cho bé dùng những loại thuốc ức chế ho sẽ giảm hiệu quả của phương pháp này
Các bệnh về hô hấp rất phổ biến ở trẻ nhỏ, nhất là khi thời tiết giao mùa, vì thế kỹ thuật vỗ long đờm cho trẻ là cách giảm bớt đờm dãi gây khó chịu cho trẻ là cần thiết nhưng cần phải được hướng dẫn chi tiết, đầy đủ bởi chuyên viên y tế. Mong rằng bài viết này giúp các ông bố, bà mẹ hiểu hơn về phương pháp vỗ long đờm cho bé an toàn và hiệu quả.