Tràn khí màng phổi là một dạng tổn thương về phổi khiến chức năng hô hấp bị suy giảm. Bệnh có thể khiến cơ thể rơi vào trạng thái thiếu oxy, đe dọa đến tính mạng. Vậy tràn khí màng phổi là như thế nào? Phương pháp điều trị ra sao? Bạn đọc hãy dành chút thời gian theo dõi nội dung bài viết để biết cách chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Tràn khí màng phổi là gì?
Tràn khí màng phổi là tình trạng thoát khí vào trong khoang màng phổi. Lượng khí này sẽ ép vào phía ngoài phổi khiến phổi bị xẹp xuống. Bệnh có thể xảy ra ở một bên phổi, một phần hoặc toàn phần của lá phổi. Được chia thành 2 dạng là tràn khí màng phổi tự phát và dạng thứ phát. Đây là dạng bệnh xuất hiện đột ngột gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh nếu không được chăm sóc sức khỏe đúng cách.
Dấu hiệu tràn khí màng phổi
Tràn khí màng phổi làm ảnh hưởng đến quá trình hô hấp và khiến cơ thể bị thiếu oxy nên triệu chứng bệnh có thể khởi phát ở toàn thân. Cụ thể như sau:
Người bệnh bị khó thở
Hiện tượng tràn khí màng phổi khiến chức năng hô hấp bị suy giảm nghiêm trọng. Mức độ bệnh càng nặng, khả năng hít thở càng khó khăn. Nếu không được chẩn đoán điều trị sớm có thể khiến người bệnh bị xẹp phổi, suy hô hấp và rơi vào trạng thái nguy kịch.
Choáng váng
Choáng váng là triệu chứng rất điển hình ở người mắc bệnh tràn khí màng phổi. Hiện tượng này bao gồm: Cơ thể tái xanh, đổ mồ hôi, hạ huyết áp, chân tay lạnh, tinh thần bất ổn, mạch đập nhanh,…
Ngoài ra người bệnh còn gặp phải các cơn đau nhói ở vai khi ho. Tình trạng này không kéo dài và không tăng nặng nên thường bị bỏ qua.
Người bệnh đột ngột bị đau ngực
Đây là một trong những triệu chứng khá thường gặp ở người bị tràn khí màng phổi. Tuy vậy cũng sẽ có những người mắc bệnh mà không có dấu hiệu này.
Cơn đau xuất hiện đột ngột ở ngực với cường độ tăng mạnh khi hút thở. Khiến cho bệnh nhân phải gắng sức hít thở để cung cấp đủ oxy cho cơ thể.
Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán lâm sàng như: Chụp cắt lớp điện toán, X-quang phổi, khám thực thể,…. Nhằm đưa ra kết luận chính xác về bệnh cũng như mức độ tổn thương đang gặp phải. Tránh tình trạng nhầm lẫn, sai sót làm ảnh hưởng đến phương pháp điều trị.
>>Tìm hiểu: Viêm phổi là gì?
Nguyên nhân tràn khí màng phổi
Đến nay y học vẫn chưa xác định được chính xác các nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở từng dạng như sau:
Đối với dạng tràn khí màng phổi nguyên phát
- Thường gặp ở bệnh nhân trẻ tuổi, có thể trạng cao gầy trong khoảng 20 – 40 tuổi
- Có tiền sử hút thuốc, nghiện thuốc lá
- Phổi bị vỡ bóng khí xung quanh ở các tiểu thùy
Đối với dạng tràn khí màng phổi thứ phát
- Xảy ra ở người trung niên và người già từ 40 – 75 tuổi
- Người mắc bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính
- Người bị lao phổi, hen phế quản, ung thư phổi nguyên phát hoặc ung thư di căn
- Người gặp vấn đề về phổi như: Xơ phổi, vỡ khí, nang kén khí, xơ phổi kẽ lan toả, bụi phổi,….
- Chấn thương ở ngực như: Tai nạn giao thông, bị dao đâm vào ngực, từng phẫu thuật ngực,….
Tràn khí màng phổi có nguy hiểm không?
Tràn khí màng phổi được biến đến là dạng bệnh rất nguy hiểm liên quan đến vấn đề hô hấp của cơ thể. Nếu không được kiểm soát và điều trị hiệu quả, những rủi ro có thể xảy ra là:
- Tràn dịch màng phổi, tràn máu màng phổi
- Xẹp phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng màng phổi
- Tràn khí màng phổi trung thất, đè nén áp lực lên dây thần kinh, động mạch, tĩnh mạch phổi. Người bệnh rơi vào trạng thái suy tim, suy hô hấp, gây nguy hiểm đến tính mạng
- Khiến cơ thể rơi vào tình trạng thiếu oxy, phá vỡ các hoạt động sống của cơ thể, gây rối loạn nhịp tim, hôn mê, mất tỉnh. Thậm chí dẫn đến tử vong
Điều trị tràn khí màng phổi
Hiện nay, bệnh tràn khí màng phổi chủ yếu được điều trị bằng các phương pháp sau:
Chọc hút khí màng phổi
Phương pháp được thực hiện với mục đích đào thải lượng khí dư thừa bên trong khoang màng phổi. Giúp duy trì khả năng hô hấp của người bệnh. Kỹ thuật được thực hiện bằng cách đặt một chiếc kim có kích thước lớn hoặc máy hút khí màng phổi để hút khí ra ngoài. Thường được áp dụng trong trường hợp cấp cứu, đặc biệt là với những người bị tràn khí mức độ nặng mà chưa để áp dụng điều trị dẫn lưu.
Dẫn lưu màng phổi
Các bác sĩ sẽ dùng các ống dẫn lưu ngực cùng máy hút chuyên dụng để liên tục hút khí ra ngoài. Quá trình thực hiện cần tuân thủ các nguyên tắc là: Quy trình khép kín, hút khí một chiều, hút liên tục và đảm bảo vô trùng tuyệt đối.
Phẫu thuật nội soi
Phẫu thuật nội soi giúp bác sĩ phát hiện được các nguyên nhân gây tràn khí như: Kén khí, bóng khí. Dựa vào kích thước, vị trí và số lượng của các bóng khí sẽ áp dụng các kỹ thuật điều trị khác nhau. Những trường hợp có dấu hiệu nhiễm trùng, áp xe hoặc kén khí kích thước lớn, tái phát nhiều lần,… có thể cần phải thực hiện phẫu thuật nội soi bằng cách cắt thùy phổi.
Để đảm bảo được an toàn cho sức khỏe và sớm phục hồi sức khỏe sau phẫu thuật, người bệnh cần thực hiện tốt các vấn đề sau:
- Thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của bác sĩ sau phẫu thuật
- Tích cực vận động thể chất, tập luyện thể dục thể thao đều đặn, tập thở nhẹ nhàng, không gắng sức
- Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt là các thực phẩm giàu canxi, khoáng chất, chất xơ,….
- Giữ ấm cơ thể, vệ sinh thân thể sạch sẽ
- Tái khám và khám sức khỏe định kỳ để tầm soát yếu tố nguy cơ, can thiệp điều trị kịp thời
>> Xem thêm: Nhiễm trùng phổi là gì? Có lây không?
Tràn khí màng phổi là căn bệnh thường gặp và có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Do đó mọi người nên chủ động trang bị cho mình những thông tin cơ bản cần thiết về bệnh để có biện pháp thăm khám, điều trị kịp thời, hiệu quả. Chúc sức khỏe!