Hội chứng thận hư là một bệnh lý mạn tính của tổ chức cầu thận, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và tâm lý của bệnh nhân. Hội chứng thận hư cần kiểm soát vô cùng chặt chẽ chế độ ăn uống, luyện tập cũng như dùng thuốc để hạn chế tiến triển xấu của bệnh.
Hội chứng thận hư là gì?
Hội chứng thận hư là một tập hợp các triệu chứng của bệnh cầu thận mạn tính đặc trưng bởi tình trạng tiểu đạm lượng nhiều lớn hơn hoặc bằng 3.5 gram/1.73m2 da/24 giờ, giảm protein máu dưới 60 gram/lít, giảm albumin máu dưới 30 gram/lít, phù, tăng lipid máu và các rối loạn chuyển hóa khác. Hội chứng thận hư có thể nguyên phát (do bệnh lý tại cầu thận) hoặc thứ phát sau nhiều nguyên nhân khác gây ra.
Hội chứng thận hư được gọi là thuần túy nếu không có tiểu máu, không tăng huyết áp, không suy thận thực thể và thường là tiểu đạm có chọn lọc (albumin nước tiểu chiếm trên 85% hàm lượng đạm). Hội chứng thận hư không thuần túy nếu có kèm theo một trong ba triệu chứng kể trên và thường có tiểu đạm không chọn lọc.
Triệu chứng thận hư
Triệu chứng đầu tiên của hội chứng thận hư là phù. Đây là triệu chứng mà bệnh thường lưu ý nhất. Phù thường bắt đầu ở mặt, vào buổi sáng lúc mới ngủ dậy, sau đó lan ra toàn thân, phù ở chân, mắt cá, vùng hông lưng khi nằm lâu, phù bìu và phù âm hộ.
Phù ở bệnh nhân hội chứng thận hư có đặc điểm là phù mềm, trắng, ấn lõm, không đau và đối xứng 2 bên. Trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể phù toàn thân gây tràn dịch đa màng (màng tim, màng phổi, màng bụng) làm bệnh nhân khó khăn trong động tác hô hấp.
Phù phổi ít khi xảy ra trừ phi có suy tim đi kèm. Phù có thể xuất hiện đột ngột hoặc dần dần. Cần đánh giá mức độ phù bằng cách theo dõi cân nặng hàng ngày.
Tiểu ít, nước tiểu nhiều bọt do chứa nhiều đạm
Tiểu máu và tăng huyết áp ít gặp. Nếu có thường là hội chứng thận hư không thuần túy.
Triệu chứng toàn thân có thể gặp như mệt mỏi, chán ăn. Có thể thấy các dấu hiệu của bệnh lý tiên phát như hồng ban cánh bướm (lupus ban đỏ hệ thống), ban xuất huyết trong hội chứng Henoch – Scholein, bệnh võng mạc do đái tháo đường.
Nguyên nhân gây hội chứng thận hư
Hội chứng thận hư được gây ra bởi nhiều bệnh lý khác nhau làm tổn thương màng đáy của cầu thận. Bình thường lớp màng đáy của tế bào thận tích điện âm và lỗ lọc nhỏ nên không cho protein đi qua lỗ lọc để ra nước tiểu. Trong hội chứng thận hư, lớp màng đáy này bị tổn thương làm tăng tính thấm màng đáy cầu thận và tăng kích thước các lỗ lọc do sang thương mô học gây ra, làm protein thoát ra rất nhiều. Đây cũng là lý do gây ra hàng loạt những hậu quả khác.
Các nguyên nhân nguyên phát tại thận gây hội chứng thận hư chiếm 90% các trường hợp. Bệnh không tìm thấy nguyên nhân và thường được cho là bệnh tự miễn, được mô tả bằng các tổn thương mô học: Viêm cầu thận sang thương tối thiểu; xơ chai cầu thận khu trú từng vùng; bệnh cầu thận màng; viêm cầu thận tăng sinh màng; viêm cầu thận tăng sinh gian mạch; viêm cầu thận tơ huyết dạng miễn dịch; viêm cầu thận tiến triển nhanh và viêm cầu thận liềm.
Còn lại 10% bệnh nhân hội chứng thận hư được phát hiện là có nguyên nhân.
Do thuốc
Muối vàng, thủy ngân, penicillamine, heroin, kháng viêm non – steroid, lithium, interferon α, chlorpropamide, rifampicin, warfarin, thuốc cản quang… Trong đó thuốc chống viêm non – steroid thường gặp nhất do tỉ lệ kê thuốc cao.
Dị ứng
Phấn hoa, côn trùng đốt, rắn cắn, sau chích ngừa, sau chính kháng độc tố…
Nhiễm trùng
Viêm cầu thận do liên cầu beta tan huyết nhóm A, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, viêm thận sau nhiễm trùng, viêm thận sau nhiễm trùng luồng thông, giang mai, phong, lao, nhiễm mycoplasma.
Viêm gan siêu vi B, C, nhiễm HIV, nhiễm Epstein – Barr virus…
Kí sinh trùng: Sốt rét, toxoplasma…
Bệnh hệ thống
Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh mô liên kết, viêm da cơ địa tự miễn, viêm khớp dạng thấp, hội chứng Goodpasture, viêm mạch máu hệ thống…
Ung thư
Hội chứng thận hư có thể xảy ra 1 lần trong năm trước khi có biểu hiện lâm sàng của ung thư. Bướu đặc như ung thư phổi, đại tràng, dạ dày, vú, cổ tử cung, buồng trứng, thận. Ung thư máu và lympho như bệnh Hodgkin, bạch cầu mạn dòng lympho, đa u tủy xương, thải ghép sau ghép tủy.
Bệnh di truyền và chuyển hóa
Đái tháo đường, nhược giáp, thoái biến dạng bột, hội chứng Alport, hội chứng thận hư bẩm sinh.
Các nguyên nhân khác
Liên quan đến thai kỳ (tiền sản giật), xơ hóa thận ác tính hay tiến triển, tăng áp động mạch thận, hẹp động mạch thận, thải ghép mạn.
Tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng thận hư
Nói chung hội chứng thận hư ở người lớn thường dễ chẩn đoán. Bệnh nhân đa số đến trong 2 tình huống:
- Xuất hiện phù toàn thân một cách từ từ hoặc đột ngột.
- Tình cờ phát hiện tiểu protein lượng nhiều.
Phù toàn thân là triệu chứng chính thường kèm theo tràn dịch thanh mạc. Cần theo dõi cân nặng để phát hiện mức độ phù. Trong trường hợp xuất hiện đột ngột thường đi kèm thiểu niệu. Khi không có phù không loại trừ chẩn đoán hội chứng thận hư, nhất là những bệnh nhân có chế độ ăn hạn chế muối và dùng lợi tiểu trước đó.
Tiểu đạm là tiêu chuẩn chính trong hội chứng thận hư. Mức độ tiểu đạm được quy định là lớn hơn hoặc bằng 3.5 gram/1.73m2 da/24h. Trên thực tế lâm sàng có thể sử dụng tiêu chuẩn 3-3.5 gram/24h. Có thể kèm theo giảm albumin máu dưới 30 gram/lít, lipid máu toàn phần tăng.
Theo cập nhật chẩn đoán một số bệnh thận của Bộ Y tế năm 2015 thì chẩn đoán hội chứng thận hư khi:
- Dấu hiệu phù nề cơ thể
- Chỉ số Protein niệu cao hơn 3,5 g trong 24 giờ
- Chỉ số Protein máu giảm dưới 60 g/lít, kèm theo albumin máu giảm dưới 30 g/lít
- Tăng cholesterol máu từ 6,5 mmol/lít trở lên
- Có hạt mỡ lưỡng chiết, trụ mỡ xuất hiện ở trong nước tiểu
Trong 5 tiêu chuẩn chẩn đoán trên, thì tiêu chuẩn 2 và 3 chính là quan trọng nhất, các tiêu chuẩn khác chỉ là điều kiện cần.
Hội chứng thận hư có nguy hiểm không?
Suy thận cấp: Các cơ chế suy thận cấp thường là do giảm lượng máu lưu thông hiệu quả, làm giảm lượng máu tới thận mặc dù bệnh nhân dư thừa dịch trong cơ thể, đặc biệt là sau khi dùng lợi tiểu. Phù mô kẽ thận làm xẹp các ống thận. Thuyên tắc tĩnh mạch thận thường do viêm cầu thận màng.
Tắc mạch là biến chứng nghiêm trọng thường gặp ở người lớn hơn là trẻ em. Huyết khối thuyên tắc có thể xảy ra ở cả động mạch và tĩnh mạch. Có thể gây ra thuyên tắc phổi, nhồi máu cơ tim, tắc mạch não, nhồi máu mạch mạc treo, thuyên tắc tĩnh mạch sâu chi dưới. Triệu chứng sẽ phụ thuộc vào vị trí tắc mạch. Chẩn đoán dựa vào công cụ thăm dò hình ảnh. Thuyên tắc tĩnh mạch thận là một biến chứng nặng của hội chứng thận hư, đặc biệt trong bệnh cầu thận màng. Bệnh nhân có biểu hiện tiểu máu đại thể, đau lưng, suy thận cấp và hội chứng thận hư nặng. Hiện tượng huyết khối thuyên tắc là do nhiều cơ chế phối hợp, trong đó chủ yếu là do mất các protein kháng đông như anti – thrombine III qua nước tiểu, gây tình trạng gia tăng khả năng đông máu, gia tăng tổng hợp bù trừ các yếu tố đông máu ở gan như protein C, fibrinogen, yếu tố von Willebrand.
Biến chứng nhiễm trùng đáp ứng miễn dịch giảm khi bị hội chứng thận hư do mất các globulin miễn dịch như IgA, IgG, mất các yếu tố protein gắn kẽm, đồng, transferrin làm thay đổi chức năng tế bào lympho T, đại thực bào và do dùng thuốc ức chế miễn dịch. Dịch phù cũng đóng vai trò như một môi trường nuôi cấy. Ngoài ra còn do giảm bổ thể dẫn đến khiếm khuyết opsonin hóa cùng với sự giảm đáp ứng miễn dịch do suy dinh dưỡng đạm và bệnh cơ tim cơ bản. Giảm nồng độ IgG là yếu tố nguy cơ nhiễm trùng các vi trùng có vỏ bọc như: Phế cầu, Haemophilius influenza, Klebsielle, E.Coli. Có thể nhiễm virus như: Varicella, sởi, Herpes. Nhiễm trùng là một biến chứng nguy hiểm, nhất là nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, viêm phổi, viêm phúc mạc nguyên phát. Trong đó viêm phúc mạc và nhiễm trùng da là hai dạng đặc biệt của hội chứng thận hư.
Biến chứng về tim mạch thường gặp nhất là tăng huyết áp. Ngoài ra còn có xơ vữa động mạch và một số bệnh tim mạch khác. Đây đều là hậu quả của tăng huyết áp gây ra.
Hội chứng thận hư lâu dần có thể làm mất chức năng thận, tỉ lệ tùy thuộc nguyên nhân gây ra và tổn thương cầu thận do tác dụng độc thận của protein niệu và tăng huyết áp không kiểm soát.
Suy dinh dưỡng xảy ra do hội chứng thận hư kéo dài, có thể quan sát hiện tượng teo cơ khi bệnh nhân hết phù.
Tăng thành phần tự do của thuốc do giảm albumin máu dẫn đến nguy cơ quá liều thuốc và tăng độc tính của thuốc (antivitamin K, kháng viêm nonsteroid, statin)
Các rối loạn chuyển hóa khác mất protein chức năng gắn kết cholecalciferol gây thiếu tình trạng vitamin D, giảm Calci máu gây cường cận giáp thứ phát, loãng xương và viêm xương xơ hóa, đặc biệt là còi xương và chậm phát triển ở trẻ em. Mất protein vận chuyển sắt gây thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc. Ngoài ra còn mất các protein vận chuyển khác như ceruloplasmine gây giảm đồng, kẽm.
Hội chứng thận hư có chữa khỏi được không?
Hội chứng thận hư là một tập hợp các triệu chứng của bệnh cầu thận mạn tính, việc điều trị khỏi hội chứng thận hư còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố (bệnh nguyên phát tại thận hay do bệnh lý khác gây nên). Do đó người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và hướng dẫn điều trị.
Điều trị hội chứng thận hư
Hội chứng thận hư có thể nguyên phát tại thận hoặc thứ phát sau các bệnh lý khác. Với hội chứng thận hư nguyên phát cần kiểm soát tiến triển của bệnh cầu thận mạn tính. Trong hội chứng thận hư thứ phát, điều trị chủ yếu là điều trị bệnh căn nguyên. Kiểm soát tốt đường huyết trong đái tháo đường, điều trị viêm gan B, C trong hội chứng thận hư thứ phát sau viêm gan, cắt bỏ ung thư trong hội chứng thận hư sau ung thư các tạng đặc.
Việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch là rất cần thiết. Liệu pháp corticoid là thuốc được ưu tiên, có thể dùng prednisone, cyclophosphamide, cyclosporine A… Nhìn chung điều trị hội chứng thận hư bao gồm điều trị triệu chứng và biến chứng của bệnh.
Giảm tình trạng phù và tiểu đạm. Trong việc điều trị phù và tiểu đạm quan trọng nhất vẫn là điều trị bệnh căn nguyên gây nên hội chứng thận hư. Những biện pháp điều trị chỉ có tác dụng hỗ trợ cho điều trị nguyên nhân trong việc giảm phù. Tiết chế muối dưới 6g/ngày, đạm ở mức 0.8g/kg/ngày và nước vào cơ thể (nước vào cơ thể theo nhu cầu và theo lượng nước tiểu). Hạn chế vận động, không chơi thể thao.
Nếu phù không kiểm soát có thể sử dụng thuốc lợi tiểu. Chọn thuốc lợi tiểu cần căn cứ vào độ lọc cầu thận và nhu cầu giảm thể tích dịch ngoại bào. Ưu tiên dùng các thuốc lợi tiểu nhẹ như thiazide hoặc kháng Aldosterone, nhưng mức lọc cầu thận dưới 25ml/phút/1.73m2 da hoặc phù nhiều thì nên sử dụng lợi tiểu quai. Tuy nhiên sử dụng lợi tiểu cũng gây ra hậu quả làm phù tăng thêm một thời gian, đề kháng thuốc, giảm thể tích dịch gây suy thận cấp và rối loạn điện giải.
Tăng huyết áp có thể là triệu chứng hoặc biến chứng của hội chứng thận hư hoặc do tác dụng của các thuốc ức chế miễn dịch điều trị bệnh. Tăng huyết áp làm mức lọc cầu thận tăng và gia tăng tình trạng mất đạm cho nên cần kiểm soát huyết áp tốt hơn với những bệnh nhân này. Mục tiêu kiểm soát huyết áp là 125/75mmHg.
Nếu bệnh nhân không suy thận cấp hoặc mạn việc dùng ức chế men chuyển và lợi tiểu có hiệu quả kiểm soát huyết áp, hơn nữa thuốc ức chế men chuyển còn có tác dụng giảm mức tiểu đạm và bảo tồn chức năng thận ở bệnh nhân hội chứng thận hư. Nếu chưa đạt mức huyết áp mục tiêu có thể phối hợp thuốc chẹn kênh calci hoặc ức chế thụ thể beta.
Albumin máu đóng một vai trò quan trọng trong cơ chế gây phù. Giảm albumin máu làm gia tăng tình trạng phù. Việc bổ sung đạm trong khẩu phần ăn hoặc truyền albumin không làm tăng albumin máu mà sẽ làm tăng albumin nước tiểu. Albumin có thể được dùng tạm thời trong điều trị phù khi bệnh nhân có tình trạng đề kháng với lợi tiểu hoặc tình trạng phù ảnh hưởng đến sinh hoạt.
Tăng lipid máu là đáp ứng của gan với tình trạng giảm albumin máu, giảm áp lực keo và kèm theo tình trạng giảm thoái giáng lipid. Đây là một yếu tố nguy cơ tim mạch nên cần tích cực điều trị. Nhưng một khi tình trạng tiểu đạm chưa giảm tăng lipid vẫn tiếp tục tồn tại, nên điều trị tăng lipid cần đi kèm với điều trị căn nguyên bệnh sinh. Thuốc hạ lipid máu có thể dùng loại statin.
Hội chứng thận hư có biến chứng tăng hình thành huyết khối do sự mất cân bằng của hai hệ thống đông máu và kháng đông. Sự gia tăng các yếu tố tiền đông máu, giảm các chất kháng đông và tăng độ nhớt của máu là các cơ chế gây ra huyết khối thuyên tắc. Thuyên tắc thường xảy ra ở các tĩnh mạch thận, tĩnh mạch sâu chi dưới, thuyên tắc phổi. Việc điều trị bằng thuốc kháng đông lại làm tăng nguy cơ xuất huyết ở trên những bệnh nhân này.
Hội chứng thận hư nên ăn gì?
Chế độ ăn của người bệnh hội chứng thận hư cần được nghiên cứu thật kĩ càng để không khiến bệnh trầm trọng nhưng cũng không để bệnh nhân rơi vào bệnh cảnh suy dinh dưỡng vì kiêng khem quá mức.
Lượng protein cần cung cấp cho cơ thể khoảng 0.8 gram/kg/ngày. Tỉ lệ protein động vật/protein tổng số là ≥ 50% (2/3 là protein động vật, 1/3 là protein thực vật), sử dụng nguồn protein giá trị sinh học cao từ thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa… Protein nguồn gốc thực vật từ gạo, mì, đậu…
Tỉ lệ các loại acid béo chiếm tỉ lệ là 1/3 (acid béo một nối đôi, acid béo nhiều nối đôi, acid béo no). Do bệnh nhân hội chứng thận hư có rối loạn chuyển hóa lipid máu, tăng cholesterol, vì vậy không nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều cholesterol như óc, lòng, các loại phủ tạng động vật, bơ, mỡ, trứng, thận. Tổng lượng cholesterol có trong các loại thực phẩm khoảng 200mg/ngày. Khi chế biến thức ăn nên hấp, luộc; hạn chế xào, rán, quay. Nên dùng các loại dầu thực vật như: dầu đậu tương, dầu hạt cải, dầu lạc, dầu vừng.
Tinh bột từ lúa, gạo, ngô, khoai, sắn… Không cần ăn kiêng loại nào. Tuy nhiên bệnh nhân hội chứng thận hư có kèm theo đái tháo đường thì cần phải tiết chế lượng tinh bột nhập vào cơ thể. Chia nhỏ bữa ăn theo chế độ ăn của người tiểu đường.
Ăn nhạt, uống nước từ khoảng 500ml cộng thêm với lượng nước tiểu ra trong ngày. Ăn nhiều các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin C, beta caroten, vitamin A, selenium (như các loại rau xanh, quả chín có màu đỏ và vàng: đu đủ, cà rốt, xoài, giá đỗ, cam…) vì các loại vi chất dinh dưỡng nêu trên có tác dụng chống oxy hóa, chống tăng các gốc tự do – những chất gây xơ hóa cầu thận, chóng dẫn đến suy thận.
Hội chứng thận hư là bệnh lý mãn tính có thể tiến triển thành suy thận mạn tính nếu không được điều trị. Bệnh nhân nên đi khám khi có các dấu hiệu đầu tiên như phù. Nên tái khám lại thường xuyên để đánh giá lại chức năng thận và các biến chứng của bệnh.