Viêm phổi hít sặc có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho hệ thống hô hấp nếu người bệnh không sớm có biện pháp xử lý và điều trị. Thậm chí trong một số trường hợp, bệnh còn có khả năng gây tử vong. Nhiều người thắc mắc không biết đâu là nguyên nhân chính của tình trạng này? Chẩn đoán và chữa trị ra sao? Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp trong bài viết sau đây!
Viêm phổi hít sặc là gì?
Viêm phổi hít là tình trạng các ống nang phế chứa các dị vật từ quá trình ăn uống hay trào ngược dạ dày, cuối cùng khiến phổi bị viêm, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn phát triển. Các dị vật này thường là thức ăn, dịch nôn, axit dạ dày, nước bọt, đờm,… Các chuyên gia thường phân loại bệnh lý này thành 2 dạng chính:
- Hội chứng Mendelson: Tình trạng này liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản. Phổi người bệnh bị tổn thương do sự tấn công của axit dịch vị dạ dày. Dịch vị càng có độ pH thấp thì tổn thương phổi sẽ càng nghiêm trọng.
- Viêm phổi hít do sặc: Sặc có thể xảy ra khi con người ăn hoặc uống quá nhanh, nước mũi chảy ngược,… Hậu quả là thức ăn, nước uống, dịch nhầy có thể theo đó di chuyển vào bên trong lá phổi, gây viêm nhiễm nghiêm trọng.
Đối với người bình thường, tình trạng viêm phổi hít ít có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, đối với những trường hợp tổn thương thần kinh, rối loạn tuyến giáp, đặt ống nội khí quản, mắc bệnh đường tiêu hóa,…. thì nguy cơ mắc loại viêm phổi này khá cao. Bên cạnh đó, trẻ em cũng là đối tượng có nguy cơ cao do tính hiếu động trong khi đang ăn hoặc uống. Những em bé bị sinh non, hở hàm ếch, sứt môi cũng dễ bị viêm phổi hít.
Nguyên nhân gây viêm phổi hít
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng viêm phổi hít là do những dị vật như thức ăn, axit dịch vị, nước bọt,…theo đường thở đi vào bên trong phổi. Những di vật này lại là nơi cư trú của nhiều loại vi khuẩn khác nhau, nổi bật như streptococcus, staphylococcus, vì vậy mà phổi có thể bị nhiễm trùng và trở nên viêm sưng khó chịu.
Các yếu tố nguy cơ khiến nguy cơ viêm phổi hít tăng cao có thể kể đến là:
- Tác động của thuốc điều trị hoặc rượu bia: Một số loại thuốc điều trị hoặc đồ uống có cồn như rượu bia có thể khiến con người rơi vào trạng thái lơ mơ. Khi nhận thức bị suy giảm, cơ hầu họng thường giãn ra, tạo điều kiện cho dị vật xâm nhập vào bên trong phổi.
- Các vấn đề liên quan đến thần kinh: Những tình trạng y tế như ngất xỉu, đột quỵ, dùng thuốc gây tê,… cũng có thể khiến con người bị viêm phổi hít. Lý do là vì những tình trạng này gây ảnh hưởng đến nhận thấy và hoạt động của hô hấp. Trong trường hợp này, con người dễ bị sặc, từ đó khiến dị vật đi vào bên trong lá phổi.
- Các vấn đề liên quan đến tiêu hóa: Trào ngược dạ dày, sặc thức ăn, khó nuốt do đặt ống thực quản, đặt ống thông dạ dày,… đều là những yếu tố nguy cơ cao của viêm phổi hít.
Triệu chứng viêm phổi hít
Người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng sau đây:
Ho nhiều, ho liên tục
Đây là một trong những triệu chứng thường thấy của viêm phổi hít. Người bệnh khó có thể dứt được cơn ho, thậm chí có nhiều trường hợp bị ho đờm xanh, đờm vàng.
Cảm thấy tức ngực, khó thở
Khi lá phổi có dị vật xâm nhập trong thời gian dài, người bệnh dễ có cảm giác tức ngực, khó thở. Tình trạng này sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu bệnh nhân hít thở sâu.
Nhịp tim, nhịp thở tăng nhanh
Do phổi đã bị nhiễm trùng nên lượng oxy đi vào trong cơ thể sẽ bị suy giảm so với thông thường. Điều này gây ra tình trạng nhịp tim và nhịp thở tăng nhanh. Thậm chí có một số người bệnh bị tím tái môi, lưỡi.
Cơ thể mệt mỏi, khó chịu
Hệ thống hô hấp đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Chính vì vậy, một khi phổi bị tổn thương, người bệnh viêm phổi hít thường cảm thấy cơ thể mệt mỏi, khó chịu. Không những vậy người bệnh còn có hiện tượng chán ăn, mỏi cơ, buồn nôn, sốt, đau nhức đầu,…
Chẩn đoán viêm phổi hít
Chẩn đoán viêm phổi hít có thể được thực hiện thông qua các biện pháp sau đây:
- Khám tổng quát: Các bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng thường gặp và tiền sử bệnh lý (nếu có). Sau đó, họ có thể dùng ống nghe để kiểm tra nhịp tim và nhịp thở. Nếu phổi gặp vấn đề thì thông qua ống nghe có thể thấy những tiếng ran nổ.
- Xét nghiệm máu: Các bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh xét nghiệm máu. Thông qua kết quả phân tích, nếu hàm lượng oxy trong máu thấp bất thường thì rất có thể lá phổi đang gặp vấn đề.
- Xét nghiệm dịch phổi: Người bệnh cần xét nghiệm dịch phổi để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng cũng như loại vi khuẩn gây viêm phổi. Các bác sĩ cũng có thể áp dụng phương pháp cấy đờm để xét nghiệm vi trùng.
- Kiểm tra hình ảnh: Để chẩn đoán chính xác nhất, bác sĩ cần thực hiện cả kiểm tra hình ảnh như X-quang hay CT. Hình ảnh lá phổi trên phim chụp giúp bác sĩ nhận định về tình trạng viêm và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Điều trị viêm phổi hít phải
Điều trị viêm phổi hít phụ thuốc vào nhiều yếu tố khác nhau, ví dụ như triệu chứng, tình trạng sức khỏe, mức độ viêm nhiễm của phổi. Thông thường các bác sĩ sẽ áp dụng những biện pháp sau:
Soi rửa phế quản
Phương pháp này thường được sử dụng với người bệnh tiền sử trào ngược dạ dày với mục đích chính là loại bỏ dị vật bên trong lá phổi. Trong quá trình này, người bệnh được đặt ống nội khí quản và gắn máy thở để đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ lượng oxy cần thiết.
Dùng thuốc kháng sinh
Đối với các trường hợp có dấu hiệu nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê đơn một số thuốc kháng sinh đường uống như amoxicillin. Bác sĩ cũng có thể sử dụng kết hợp kháng sinh nhóm beta lactam và aminosid. Nếu người bệnh bị sốt hay mất nước thì cần dùng thêm thuốc hạ sốt và nước bổ sung điện giải.
Bài tập vật lý trị liệu
Nếu viêm phổi hít có liên quan đến khả năng nuốt hay vận động cơ hám, người bệnh nên áp dụng vật lý trị liệu. Những bài tập này sẽ giúp hạn chế tình trạng sặc thức ăn và kiểm soát hoạt động của cơ hàm.
>> Xem thêm: Viêm phổi kẽ chữa được không?
Viêm phổi hít không phải tình trạng hiếm gặp và có thể tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho sức khỏe nếu người bệnh không sớm điều trị. Chính vì vậy, nếu bệnh nhân phát hiện ra các dấu hiệu bất thường của hệ hô hấp thì cần nhanh chóng đi khám và thực hiện xét nghiệm chẩn đoán.