Thuốc chữa suy thận tốt nhất hiện nay phải có tác dụng cải thiện mức lọc cầu thận và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của nó. Cần tránh các thuốc gây độc cho thận hoặc làm tăng gánh nặng cho thận để tránh tiến triển thành suy thận nặng.
Các thuốc điều trị suy thận tốt nhất hiện nay
Suy thận được chẩn đoán dựa vào tổn thương thận kéo dài trên 3 tháng và\hoặc giảm mức lọc cầu thận dưới 60 ml/phút/1.73m2 da kéo dài trên 3 tháng. Suy thận được chia ra làm 5 giai đoạn dựa vào mức lọc của cầu thận. Giai đoạn cuối của suy thận là khi mức lọc cầu thận giảm xuống dưới 15 ml/phút/1.73m2 da.
Bệnh suy thận tiến triển đến tử vong theo hai hướng: Tiến triển nặng dần của suy thận giai đoạn I đến suy thận giai đoạn cuối; hoặc tiến triển từ bất cứ giai đoạn nào của suy thận đến tử vong do các biến chứng, nhất là các biến chứng tim mạch.
Do đó, điều trị suy thận là điều trị đa mô thức, không chỉ ngăn chặn tình trạng nặng lên của suy thận nhất là giai đoạn cuối khi bệnh nhân suy thận mạn phải dùng các biện pháp lọc máu thay thế mà còn phải bảo vệ tính mạng của bệnh nhân ở mọi giai đoạn của suy thận mạn.
- Giai đoạn I: Tổn thương thận với chức năng bình thường hoặc tăng mức lọc cầu thận. Cần chẩn đoán nguyên nhân, giảm yếu tố nguy có gây suy thận cấp, làm chậm tiến triển bệnh và điều trị các yếu tố nguy cơ tim mạch.
- Giai đoạn II: Giảm nhẹ mức lọc cầu thận. Tiên lượng tiến triển bệnh thận.
- Giai đoạn III: Giảm mức lọc cầu thận trung bình. Đánh giá và điều trị biến chứng.
- Giai đoạn IV: Mức lọc cầu thận giảm nặng. Chuẩn bị cho điều trị thay thế thận.
- Giai đoạn V: Suy thận nặng. Điều trị thay thế thận (nếu có hội chứng ure máu cao)
Thuốc điều trị suy thận bao gồm:
Thuốc hạ áp
Huyết áp càng cao thì càng làm thúc đẩy tiến trình dẫn đến suy thận giai đoạn cuối. Do đó cần kiểm soát huyết áp thật tốt. Thuốc hạ huyết áp ưu tiên chọn trên bệnh nhân suy thận là ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể Angiotensin II. Tuy nhiên cần cân nhắc thật kĩ giữa tác dụng bảo vệ thận và tác dụng làm tăng kali máu của thuốc. Với thuốc chẹn thụ thể Angiotensin II cần thận trọng dùng trong trường hợp suy thận có mức lọc cầu thận dưới 30 ml/phút/1.73m2 da. Và khi bệnh nhân có suy thận giai đoạn V thì không được dùng.
Thuốc ổn định đường huyết
Tăng đường huyết cấp tính có thể gây tổn thương cầu thận cấp. Nhưng khi tăng đường huyết mạn tính có thể gây ra biến chứng tại các cơ quan đích như thận. Nên cần giữ mức đường huyết ở mức 90-130 mg/dL (4.9-7.1 mmol/l). Với những bệnh nhân có mức lọc cầu thận trên 60 ml/phút/1.73m2 da có thể dùng được với liều khuyến cáo. Ngược lại với mức lọc cầu thận dưới 60 ml/phút/1.73m2 da cần thận trọng với thuốc hạ đường huyết. Kể cả Insulin cũng cần dùng liều thấp để duy trì mức đường huyết.
Khi sử dụng thuốc kiểm soát đường huyết thì hạ đường huyết là một biến chứng nguy hiểm. Hạ đường huyết trên bệnh nhân suy thận rất thường gặp, có thể kéo dài nhiều ngày. Cần theo dõi chặt chẽ bệnh nhân, tìm nguyên nhân và tích cực điều trị nguyên nhân này.
Thuốc hạ mỡ máu
Mục tiêu trong điều trị suy thận đó là làm tăng mức lọc cầu thận và làm giảm biến cố tim mạch. Biến cố tim mạch trong suy thận thường do hình thành các mảng xơ vữa động mạch, mà thủ phạm chính lại chính là bởi rối loạn chuyển hóa lipid.
Mục tiêu điều trị trên bệnh nhân suy thận là tăng HDLC trên 0.9 mmol/l, giảm triglyceride dưới 2.3mmol/l và giảm LDLC xuống dưới 3.4 mmol/l. Vì vậy những thuốc điều trị mỡ máu cho bệnh nhân suy thận nên chọn những thuốc chuyển hóa qua gan và giảm liều thuốc có chuyển hóa qua thận.
Các thuốc khác
Điều trị thiếu máu trên bệnh nhân suy thận bằng Erythropoietin (EPO). Đây là một chất có tác dụng kích thích sự chín của hồng cầu. Tuy nhiên khi sử dụng cần bổ sung các thành phần tạo máu trước khi sử dụng liệu pháp này.
Với các rối loạn chuyển hóa khác cần được khám chi tiết và làm các xét nghiệm cần thiết để đánh giá giai đoạn cũng như mức độ của các rối loạn đó. Với các trường hợp hạ canxi có thể tăng hàm lượng canxi trong khẩu phần ăn hoặc bổ sung canxi từ ngoài hoặc dùng calcitriol. Calcitriol cũng là thuốc được sử dụng trong điều trị cường cận giáp do suy thận.
Một điều nữa rất quan trọng đối với các bệnh nhân suy thận là hết sức thận trọng đối với thuốc đông dược và các chế phẩm thuốc đông dược, thực phẩm chức năng hiện nay. Việc sử dụng thuốc đông dược hoặc thực phẩm chức năng cần được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa thận – tiết niệu hoặc các bác sĩ chuyên khoa sâu về y học cổ truyền.
Nói tóm lại, các thuốc điều trị suy thận tốt nhất hiện nay có nhiệm vụ làm tăng mức lọc cầu thận và giảm các biến chứng của suy thận. Kiểm soát tốt những điều này góp phần làm chậm tiến triển bệnh thận, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân và giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Bạn có biết: Suy thận nên ăn gì? Chế độ dinh dưỡng từ các chuyên gia