Giãn đài bể thận là một bệnh không những hay gặp ở người lớn mà cả trẻ em mà đến thai nhi cũng có thể mắc phải. Để tìm hiểu thêm về nguyên nhân, triệu chứng của bệnh hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết này nhé.
Giãn đài bể thận là gì?
Giãn đài bể thận được hiểu là quá trình bị giãn nở do thận ứ nước. Đây là tình trạng bất thường của mạch máu cực dưới thận làm kẹt niệu quản, cản trở nước tiểu từ trên thận xuống. Hậu quả nước tiểu từ bể thận xuống bàng quang bị ứ trệ, lâu ngày làm cho giãn bể thận và gây ứ nước ở thận.
Tình trạng giãn nở đài bể thận kéo dài sẽ gây nguy cơ biến dạng thận. Một trường hợp điển hình, thận sẽ phình to quá mức và thành bể thận mỏng đi. Lúc này, thận của người bệnh sẽ giống với túi nước có khả năng vỡ ra nếu không được điều trị.
Nguyên nhân giãn đài bể thận
Nguyên nhân chủ yếu gây giãn đài bể thận là bởi các viêm sỏi, sỏi niệu quản gây ách tắc đường nước tiểu khiến nước tiểu ứng đọng lại không thể xuống được bàng quang.
Ngoài ra, người mắc bệnh ung thư, sỏi bàng quang gặp phải các triệu chứng co thắt tại cổ bàng quang. Điều này cũng khiến tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu lâu dần dẫn đến bệnh giãn đài bể thận.
Bên cạnh đó, một số bệnh lý khác biến chứng cũng là nguy cơ gây tình trạng giãn đài bể thận như: U xơ tuyến tiền liệt, rối loạn chức năng của bàng quang, ung thư tử cung…
Triệu chứng giãn đài bể thận
Giãn đài bể thận là bệnh khá phổ biến đặc biệt với dân văn phòng hoặc người có sỏi. bệnh làm ảnh hưởng đến thận và có thể dẫn đến suy thận. Vì vậy, ta cần có kiến thức về triệu chứng của bệnh để có thể phát hiện kịp thời. Những triệu chứng điển hình thời kỳ ban đầu của bệnh là:
- Đau bụng: Đau thường bắt đầu từ hông lưng lan dần xuống háng.
- Đi tiểu ra máu.
- Triệu chứng kèm: Buồn nôn, đổ mồ hôi…
Với những người bị giãn đài bể thận mãn tính sẽ xuất hiện những dấu hiệu như: rối loạn nhịp tim, co thắt cơ bắp, đau đầu, mệt mỏi,… hoặc không có triệu chứng đặc biệt.
Giãn đài bể thận ở thai nhi
Bể thận của thai nhi thường có kích thước < 4mm trước 19 tuần, < 5mm trước 29 tuần, < 7mm sau 30 tuần. Thai nhi bị giãn bể thận nếu chỉ kích thước lớn hơn các con số trên. Lưu ý rằng kích thước bể thận của thai nhi có thể chỉ giãn thoáng qua nên cần tiến hành kiểm tra đánh giá lại sau 30 phút để kết luận chính xác nhất. Đa số các trường hợp giãn đài bể thận ở thai nhi sẽ ổn định lại hay thoái lui ở giai đoạn sơ sinh của trẻ.
Không có nguyên nhân cụ thể khiến giãn đài bể thận ở thai nhi. Tuy nhiên căn bản, có thể kể một số nguyên nhân như sau:
- Giãn thận sinh lý: Đa số các trường hợp giãn thận phát hiện từ thời kỳ bào thai là thuộc trường hợp giãn thận thoáng qua khi siêu âm. Tình trạng giãn sẽ không tăng thêm hoặc dần cải thiện qua thời gian.
- Giãn thận do tắc nghẽn niệu quản: Thường tắc nghẽn ở vị trí nối giữa bể thận và niệu quản.
- Tắc nghẽn niệu đạo: Tắc nghẽn niệu đạo lâu ngày sẽ làm bàng quang căng, không co bóp đẩy nước tiểu ra ngoài được, lâu dần dẫn đến giãn đài bể thận.
- Thận – niệu quản đôi: Có khoảng 1% trong số tất cả mọi người có nhiều hơn 1 niệu quản xuất phát từ thận, trường hợp này gọi là thận – niệu quản đôi. Niệu quản phụ này thường bị tắc ở vị trí đổ lạc chỗ vào bàng quang, gây nên hình ảnh giãn niệu quản ngoằn ngoèo và túi phình chèn vào trong lòng bàng quang.
- Thận đa nang: Thận đa nang có nguyên nhân là do sự tắc nghẽn hoàn toàn của niệu quản từ thời kỳ bào thai, thận đa nang không thể bài tiết nước tiểu và không phát triển bình thường.
- Trào ngược bàng quang – niệu quản: Sự trào ngược kéo dài có thể làm giãn niệu quản, bể thận và làm cho trẻ có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Giãn đài bể thận ở trẻ em
Nguyên nhân gây giãn đài bể thận ở trẻ em cũng giống như ở phát hiện ở thai kỳ. Một số triệu chứng lâm sàng để phát hiện giãn đài bể thận ở trẻ em mà các phụ huynh cần quan tâm là: Trẻ em bị sốt, kèm tiểu ít, trước đó tiền sản có thận ứ nước, nước ối ít hay thiểu ối, cần nghĩ đến khả năng hẹp khúc nối bể thận nên cho trẻ đi siêu âm ngay.
Giãn đài bể thận có nguy hiểm không?
Các triệu chứng của bệnh giãn đài bể thận thường không cụ thể và gây nhiều hoang mang cho người mắc phải. Để xác định rõ tình trạng của mình, bệnh nhân nên tới cơ sở y tế uy tín để làm các xét nghiệm liên quan từ đó đánh giá mức độ tổn thương của niệu quản và thận. Cụ thể, giãn đài bể thận được chia ra làm 3 cấp độ khác nhau sau đây.
- Giãn đài bể thận cấp độ 1: Đối với mức độ nhẹ này thì người bệnh vẫn chưa gặp phải bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào. Người bệnh chỉ cần được theo dõi định kỳ và kiểm soát chức năng của thận để có các biện pháp can thiệp về sau.
- Giãn đài bể thận cấp độ 2: Đây là cấp độ mà bể thận để có dấu hiệu giãn nở rõ rệt gây chèn ép ống niệu quản và thận bị hẹp lại.
- Giãn đài bể thận cấp độ 3: Bắt đầu từ giai đoạn này thận đã ứ nước rất nặng nề. Người bệnh cần được can thiệp phẫu thuật ngay không thể chần chừ.
Người bệnh giãn đài bể thận cần có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh để không gây ảnh hưởng xấu dẫn đến suy thận. Rất nhiều người chủ quan và không có kiến thức bệnh lý nên đã để lại di chứng và phải sống cùng bệnh suốt đời. Do đó, bạn hãy đặc biệt chú ý nhận biết sớm triệu chứng để từ đó có được phương pháp điều trị phù hợp.