Bò sữa Hà Lan là nguồn cung cấp sữa chất lượng và giàu dinh dưỡng. Bò sữa cũng cho năng suất sữa cạo và tạo ra giá trị kinh tế rất lớn. Hiện nay chăn nuôi bò sữa Hà Lan tại Việt Nam đang được đầu tư phát triển rất mạnh.
Giới thiệu về bò sữa Hà Lan
Bò Hà Lan (tên gốc là Bò Holstein Friz – HF) là một giống bò sữa có nguồn gốc từ Hà Lan gần 2.000 năm trước đây. Đây là giống bò nuôi lấy sữa chủ lực của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Bò HF có thể coi như một trong những biểu tượng của giống bò sữa. Thương hiệu Sữa Cô gái Hà Lan (Dutch Lady) được bán rộng rãi trên thế giới được sản xuất từ bò sữa Hà Lan.
Bò Hà Lan chủ yếu có màu lang trắng đen, nhưng vẫn có con lang trắng đỏ. Bò cái có thân hình chắc chắn, trông gần như hình thang, tầm vóc lớn, vú to, bầu vú phát triển. Bò Hà Lan mắn đẻ, hiền lành, và có khả năng sản xuất sữa rất cao. Bò sữa thuần chủng Hà Lan có tiềm năng cho sữa cao hơn các giống bò sữa khác. Bò Hà Lan cho trung bình 50 lít sữa mỗi ngày, chu kỳ 300 ngày cho 10.000 – 15.000 lít. Bò Hà Lan khi nhập vào những nước nhiệt đới như nước ta lại chỉ cho năng suất mỗi ngày trung bình 15 lít, chu kỳ 300 ngày cho 3.600 – 4.000 lít sữa tươi.
Bò đực có thân hình chữ nhật, sừng nhỏ, yếm bé. Bò Hà Lan Mỹ có tầm vóc lớn nhất. Khối lượng bò đực trưởng thành trung bình là 600kg và bò cái là 550 kg. Bò có thể bắt đầu phối giống khi đạt từ 15-18 tháng tuổi. Năng suất sữa 305 ngày của bò Hà Lan Mỹ là 12.000 kg sữa với 3,66 % mỡ, bò Cuba là 3.800-4.200 kg với 3,4 % mỡ và bò Úc là 5.000 kg sữa. Đây là giống bò thích nghi rất tốt ở nhiều vùng khí hậu khác nhau trên thế giới. Mặc dù có nguồn gốc từ vùng khí ôn đới nhưng trải qua quá trình thuần hóa, bò HF được lai tạo thành những dòng có thể chăn nuôi được ở các nước nhiệt đới.
Tình hình chăn nuôi bò sữa Hà Lan
Trên thế giới
Ở Úc, bò Hà Lan được nuôi thành bầy lớn, được chăn thả trên những đồng cỏ rộng mênh mông như thảo nguyên, nơi có rất nhiều loại cỏ chất lượng. Mùa khô cỏ trên đồng cỏ thiếu hụt chúng được bổ sung thêm cỏ khô, cỏ ủ dự trữ chất lượng cao. Tại Úc, khí hậu ở đây ôn hoà và thích hợp để nuôi bò Hà Lan.
Trong hoạt động chăn nuôi bò HF ở một số nước nhiệt đới, có khuyến cáo cho rằng không nên chọn mua bò Hà Lan thuần vì bò sữa Hà Lan thuần hoặc bò lai có tỷ lệ máu bò Hà Lan càng cao (bò F3, F4-7/8 và 15/16 máu bò Hà Lan) thì càng khó tính, kém chịu đựng được điều kiện nóng ẩm và kham khổ do thiếu thốn thức ăn. Khi nhiệt độ lên trên 34˚C, bò càng thuần Hà Lan thường thở dốc, xù lông, năng suất sữa giảm. Đồng thời tỷ lệ nhiễm bệnh tăng, đặc biệt là các bệnh ký sinh trùng đường máu và bệnh tụ huyết trùng.
Tại Việt Nam
Nước ta bắt đầu nhập bò Hà Lan từ Cuba. Công tác nhân thuần và lai tạo được tiến hành tại các cơ quan nghiên cứu và nông trường quốc doanh tại Ba Vì và Mộc Châu. Sau đó một số bò thuần Hà Lan từ Mộc Châu được vận chuyển vào Đức Trọng. Trong thời kỳ bao cấp, số lượng và chất lượng đàn bò thuần và lai Hà Lan có chiều hướng đi xuống. Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, một số bò thuần HF được chuyển về các trại tư nhân. Số lượng bò lai Hà Lan tăng nhanh. Năng suất trung bình của bò lai HF khoảng 10–11 kg ngày. Đa số bò có năng suất dao động quanh 3000kg/chu kì, có nhiều con cho năng suất rất cao, xấp xỉ 6000 kg/chu kỳ.
Việc chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam cho thấy bò sữa Hà Lan thuần thích hợp nhất ở một số vùng cao như Mộc Châu – Sơn La, Đức Trọng – Lâm Đồng – nơi có khí hậu mát mẻ, nhiệt độ bình quân trong năm vào khoảng 21˚C.
Nhiệt độ môi trường thích hợp cho bò sữa được ghi nhận là từ âm 4˚C đến 22˚C, trong đó Nhiệt độ tới hạn của môi trường đối với bò HF là 27˚C. Khi vượt quá ngưỡng nhiệt độ, bò Hà Lan giảm ăn đi từ 10-15%. Vì vậy để đảm bảo cho bò ăn đủ dinh dưỡng khi khả năng ăn giảm, bà con nên sử dụng những loại thức ăn có chất lượng cao, giàu dinh dưỡng. Khẩu phần ăn có tổng vật chất khô thấp nhưng hàm lượng các chất dinh dưỡng trong 1 kg chất khô phải cao hơn 10-15% so với thông thường. Đồng thời bà con cũng phải luôn dự trữ đủ nước sạch, mát cho bò uống tự do cả ngày đêm.
Dù số lượng nông trại và hộ nông dân nuôi bò sữa ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn nhưng việc áp dụng quy trình sản xuất quốc tế, đảm bảo chất lượng “từ đồng cỏ xanh đến ly sữa trắng” luôn được nhà sản xuất sữa xuất xứ Hà Lan xem là “kim chỉ nam” trong toàn bộ hoạt động sản xuất.
Từ mô hình được áp dụng thành công ở Hà Lan, công ty FrieslandCampina đã chuyển giao công nghệ vào Việt Nam từ năm 2005, nhà sản xuất quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam qua tên gọi Cô gái Hà Lan (Dutch Lady). Năm 2012, Cô Gái Hà Lan thu mua cả trăm ngàn tấn sữa tươi từ hệ thống hơn 3.100 trang trại, nông hộ tại Việt Nam.
Hệ thống này do Cô Gái Hà Lan chọn lọc, kiểm định, ký hợp đồng thu mua, huấn luyện và kiểm tra giám sát, với đàn bò hơn 30.000 con. Chất lượng sữa cao, bổ dưỡng, an toàn tất nhiên phải đến từ giống bò sữa tốt, hệ thống chăm sóc, thu mua và sản xuất đạt chuẩn. Vì thế, từ 17 năm qua, thông qua chương trình “Phát triển ngành sữa”, Cô Gái Hà Lan đã đầu tư đến 15 triệu USD nhằm hỗ trợ cho nông dân nuôi bò.
Mô hình chăn nuôi bò Hà Lan
Mô hình chăn nuôi bò Hà Lan tương đối phức tạp và nhiều công đoạn, bắt đầu từ việc chọn giống và phối giống cho bò sữa. Thông thường việc chọn giống phải căn cứ vào các đặc điểm về ngoại hình, tầm vóc và khối lượng, di truyền và khả năng cho sữa…
Người nuôi bò cũng cần nắm được kiến thức về động dục của bò và thời điểm phối giống và phải tìm hiểu kỹ phương pháp phối giống cho bò. Sau đó phải chăm sóc và đỡ đẻ cho bò sữa và chuẩn bị cho giai đoạn hậu sản.
Tiếp theo là thời kỳ nuôi dưỡng bê từ 1 ngày tuổi đến bò trưởng thành. Quá trình này chia thành các giai đoạn: bê từ 0-7 ngày tuổi; bê từ 8-120 ngày tuổi và giai đoạn bê cai sữa đến tơ lở:
Nuôi dưỡng bò vắt sữa là công việc đem lại giá trị kinh tế chính trong chăn nuôi bò sữa. Người nông dân phải nắm được các yêu cầu, những quy định về vắt sữa, quy trình vắt sữa và cách nuôi dưỡng bò cạn sữa. Chuồng trại và phòng – trị bệnh cũng là một yếu tố cần lưu tâm trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi bò sữa nói riêng.
Theo Thu Hương