Bệnh suy thận là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

Trên thế giới có hơn 1.5 triệu người bắt buộc phải điều trị thay thế thận do hậu quả của bệnh suy thận. Gánh nặng kinh tế mà căn bệnh này mang lại có thể quật ngã bất kỳ gia đình nào. Bài viết này mong sẽ giúp ích cho bạn cùng người thân vững tin đối đầu và sống chung cùng nó.

Suy thận là gì?

Suy thận là tình trạng mất khả năng hoạt động của thận, có thể hồi phục hoặc không. Tổn thương của suy thận khởi phát ở cầu thận, hệ mạch thận hay ở tổ chức ống kẽ thận sau đó ảnh hưởng trực tiếp tới nephron. Nephron là đơn vị hoạt động chức năng của thận và khi bị thương tổn nặng sẽ bị loại trừ khỏi hoạt động sinh lý, kéo theo áp lực trên những nephron còn lại, dẫn tới suy thận mạn tiến triển.

Các bệnh gây nên suy thận cấp bao gồm: mất máu cấp, tiêu cơ cấp, tắc bàng quang niệu quản, thiếu oxy cấp …

Các bệnh gây lên suy thận mạn bao gồm: viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận tiến triển nhanh, viêm cầu thận hình liềm, viêm cầu thận tăng sinh gian mạch …

suy thận

Chức năng thận do chỉ đảm nhận bởi nephron nguyên vẹn vốn cấu tạo phức tạp và đảm nhận bởi nhiều thành phần, khi tổn thương dù chỉ phần nhỏ trong cả cơ cấu cũng khiến nephron đó mất tác dụng. Khi khối lượng nephron tổn thương quá nhiều, số còn lại không đủ để duy trì hằng định nội môi, các rối loạn chức năng thận sẽ xảy ra.

Dấu hiệu của bệnh suy thận

Điều đầu tiên khi chức năng thận suy giảm là mức lọc cầu thận giảm sút. Mức lọc là thang điểm đánh giá khả năng thải bỏ những chất lưu hành trong máu không có giá trị dinh dưỡng của thận theo thời gian. Những chất nitơ phi protein thường được dùng làm vật đo đếm mức lọc cầu thận, cũng vì chúng sẽ tích lũy trong cơ thể theo thời gian nếu thận không đảm bảo sức lọc.

Các rối loạn sẽ trầm trọng hơn tương ứng với lượng nephron mất chức năng. Suy thận nặng biểu hiện trên bệnh nhân là những tình trạng được liệt kê dưới đây theo cấp độ suy thận:

Rối loạn điện giải

  • Natri máu hạ: Do thận mất khả năng hoạt động, lượng nước tiểu bệnh nhân có được sau một ngày giảm dần, đồng nghĩa lượng nước trong cơ thể nhiều hơn, hòa tan nhiều Natri hơn khiến lượng natri trong máu giảm biểu kiến (phần trăm natri trong máu giảm nhưng số lượng natri thực sự không ít hơn người bình thường). Biểu hiện của tình trạng này rõ nét nhất trên kết quả sinh hóa máu. Nếu hạ natri máu tồi tệ và không được bù kịp thời, bệnh nhân sẽ xuất hiện tình trạng ngộ độc nước do Natri máu quá ít so với natri dịch não tủy, nước theo định lý cân bằng thẩm thấu sẽ vào khoang màng não gây phù não.
  • Ion H+ tăng kéo theo pH máu giảm, nguyên nhân do thận không đào thải được acid sinh ra trong quá trình hoạt động của cơ thể. Khi pH máu giảm xuống, cơ thể nghiêng về tình trạng toan chuyển hóa khiến các enzym không thể hoạt động. Nếu kéo dài không được xử lý hoàn toàn có thể khiến bệnh nhân rơi vào vòng xoáy shock điện giải không hồi phục và tử vong.

Giảm sản xuất 1.25 dihydroxycholecalciferol

1.25 dihydroxycholecalciferol là tiền thân của vitamin D đóng vai trò quan trọng trong phát triển xương và cân bằng điện giải của cơ thể. Chất này cơ thể tự tổng hợp được tiền chất dưới tác dụng của ánh sáng cực tím dưới da nhưng để hoàn thiện cần sự giúp đỡ của thận. Khi chức năng thận suy giảm, nhà máy chế biến vitamin D của cơ thể giảm sản lượng, khiến cho cơ thể thiếu vitamin D. Hậu quả của việc này là calci máu hạ, phospho máu tăng, bệnh nhân bị kiểu hình còi xương, thậm chí xuất hiện cường cận giáp thứ phát.

Thiếu máu

Điều hòa sản xuất hồng cầu của cơ thể phụ thuộc vào một protein có tên là erythropoetin, là sản phẩm của thận. Có thể hiểu dễ dàng các bệnh nhân suy thận sẽ đối diện với nguy cơ thiếu máu kéo dài dai dẳng vì protein này thấp, cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu.

Tăng huyết áp

Khi các nephron của thận tổn thương, dòng máu sẽ chuyển hướng sang các phần lành lặn của thận. Điều này nghe có vẻ hợp lý nhưng lại nguy hiểm vì lẽ, khi tăng lượng máu tới các nephron lành, những đơn vị này phải chịu áp lực máu cao hơn rất nhiều lúc hoạt động bình thường.

Phù

Do không lọc được các chất tan và nước ra khỏi cơ thể, bệnh nhân thận biểu hiện tình trạng phù toàn thân, với bàn chân, bàn tay và bộ mặt sưng húp, ấn lõm.

triệu chứng suy thận

Nguyên nhân gây suy thận

Suy thận có hai nhóm nguyên nhân chính, nguyên nhân gây suy thận cấp và nguyên nhân gây suy thận mạn. Nguyên nhân thuộc nhóm cấp có thể phòng tránh và loại trừ chủ động nhưng suy thận mạn thường tiến triển âm thầm cho tới khi bệnh quá nặng.

Nhóm suy thận cấp

Suy thận cấp chia ra tiếp thành ba nhóm nguyên nhân, trước thận, tại thận và sau thận.

Nhóm trước thận gồm các nguyên nhân khiến thận mất đi nguồn cung máu của mình, dẫn tới tình trạng không có dịch lọc, thận không tạo được nước tiểu. Các nguyên nhân này bao gồm: shock mất máu, thiếu albumin, trụy mạch, tắc mạch thận, hẹp động mạch thận.

Nhóm tại thận là các tổn thương thận thực sự và cấp tính khiến quả thận mất đi tác dụng. Đáng mừng là các nguyên nhân này đều biểu hiện rất mạnh mẽ nhưng có thể rút đi hoàn toàn. Nguyên nhân này bao gồm: ngộ độc các chất đào thải qua thận như kim loại nặng, thuốc cản quang; thiếu oxy cấp kéo dài khiến tế bào ống góp chết vì thiếu dinh dưỡng, rơi xuống tắc ống thận. Tổn thương cấp tính các cầu thận do vi khuẩn.

Nhóm sau thận là các lý do khiến bạn bị bí tiểu. Khi nước tiểu không được lưu thông, áp lực lên thận tăng cao khiến nhu mô thận giãn ra và giảm tưới máu. Các nguyên nhân này bao gồm: hẹp niệu đạo do dị vật, do sỏi hay phì đại tiền liệt tuyến; chấn thương niệu đạo; u cổ bàng quang.

Nhóm suy thận mạn

Các tổn thương suy thận mạn do viêm màng lọc cầu thận một cách từ tốn và kéo dài. Thường có các yếu tố miễn dịch kháng nguyên và cơ địa. Các bệnh gây lên suy thận mạn bao gồm: viêm cầu thận tiến triển nhanh, viêm cầu thận màng tăng sinh, viêm cầu thận tăng sinh gian mạch.

Các giai đoạn suy thận

Suy thận được phân loại theo đặc tính cấp của thận:

Nếu suy thận là thoáng qua và có thể chữa khỏi, tình trạng đó là suy thận cấp. Biểu hiện rõ nhất là mức lọc cầu thận giảm nhưng có thể hồi phục khi xử lý tốt nguyên nhân.

Nếu suy thận là kéo dài và có những tổn thương không thể hồi phục, bệnh thận lúc đó được xếp hạng là suy thận mạn. Suy thận mạn là bệnh thận không có cơ hội hồi phục mà chỉ có thể giữ được không cho bệnh tiến triển nặng hơn.

bệnh suy thận

Hẳn quý vị đọc giả cũng từng nghe thấy, suy thận độ 1, suy thận độ 2 hay suy thận giai đoạn cuối, tất cả những phân loại nhỏ này đều dành cho suy thận mạn. Bằng cách đo khả năng thanh thải creatinin và ước tính khả năng đó trong 24 giờ, người ta xếp suy thận mạn thành 5 loại, suy thận độ 1 tới độ 4 và suy thận giai đoạn cuối.

Chẩn đoán suy thận

Suy thận cấp rất dễ chẩn đoán. Khi bệnh nhân không thể đi tiểu được và đã loại trừ các tình trạng tắc đường dẫn nước tiểu, bệnh nhân đó đang trong trạng thái suy thận cấp. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là thiếu máu cấp, thận do không được ưu tiên cấp máu khi cơ thể nguy kịch sẽ không có máu để lọc, kéo theo không có nước tiểu. Tất cả các bệnh nhân có tình trạng nặng đều được đặt một ống dẫn vào bàng quang và tiểu trực tiếp vào một túi nilon với mục đích theo dõi lượng nước tiểu và xác định suy thận cấp sớm nhất có thể.

Suy thận mạn thì ngược lại. Bệnh nhân xuất hiện ở khoa thận thường đều là lần đầu khám nhưng thận suy thì đã ở mức độ rất cao. Các triệu chứng nêu phía trên chỉ xuất hiện ở những bệnh nhân có mức lọc cầu thận suy giảm rõ rệt, khoảng độ 3 và độ 4. Ở những bệnh nhân này thường có phù nhiều, protein niệu, tăng kali máu và rối loạn điện giải.

Suy thận mạn không có khả năng hồi phục. Cách duy nhất để phát hiện sớm là khám sức khỏe đo mức lọc cầu thận hàng tháng cùng kiểm tra protein/albumin nước tiểu định kỳ.

Các bệnh nhân mắc bệnh thận kéo dài hơn hai tháng cũng là đối tượng cần xem xét kỹ khi sàng lọc bệnh thận. Những tổn thương rò rỉ protein kéo dài qua màng lọc cầu thận sẽ dẫn tới cái kết cuối cùng là chức năng thận bên đó hủy hoại hoàn toàn.

Bệnh suy thận có nguy hiểm không?

Sự nguy hiểm của suy thận là không cần bàn cãi. Người mắc bệnh thận mạn tính là gánh nặng của cả gia đình và xã hội khi mà cơ thể thường xuyên rối loạn điện giải, ứ nước và thiếu protein khiến họ phải phụ thuộc vào máy lọc nhân tạo hoặc lọc màng bụng, khó lòng tham gia sản xuất và tận hưởng cuộc sống. Thêm vào đó mức chi phí cho các biện pháp thay thế thận còn rất cao và chưa có phương pháp giải quyết triệt để trừ ghép thận, thứ vẫn còn quá đắt đỏ và phụ thuộc vào nguồn tạng hiến.

Với các bệnh nhân suy thận cấp, đây có thể là nguy cơ dẫn tới cái chết hoặc vòng xoắn bệnh lý không chữa khỏi. Ngay khi phát hiện suy thận cấp trên lâm sàng, bác sĩ phải truyền dịch và lợi tiểu tích cực, lọc máu khẩn cấp nếu chỉ số các ion trong máu vượt quá ngưỡng.

Kali là ion nguy hiểm trong pha này. Khi suy thận, cơ thể mất khả năng điều tiết kali và phụ thuộc hoàn toàn vào chế độ ăn và thuốc. Nếu bệnh nhân nôn, đi ngoài và không được bù điện giải, bệnh nhân sẽ thiếu kali. Ngược lại nếu bệnh nhân được dùng lợi tiểu thải kali quá tích cực, tình trạng thiếu kali sẽ xảy ra. Cả hai trường hợp đều ảnh hưởng lớn tới tim và rối loạn nhịp tim khiến bệnh nhân có nguy cơ đột tử.

Suy thận có chữa được không?

Có hai loại suy thận trên lâm sàng với hậu quả trên bệnh nhân khác nhau, bao gồm suy thận cấp, có thể khỏi bệnh hoàn toàn và suy thận mạn, không thể hồi phục chức năng thận mà chỉ có cách làm chậm lại các biến đổi tồi tệ.

Suy thận cấp là bệnh thận có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Có ba nhóm nguyên nhân gây suy thận cấp. Nguyên nhân trước thận khi dòng máu tới thận không đủ, nguyên nhân tại thận khi có tổn thương các nephron do độc chất hoặc quá nhiều creatinin gây tắc ống thận và nguyên nhân sau thận do tắc đường ra nước tiểu. Khi trị hết các nguyên nhân này bằng biện pháp trúng đích tình trạng suy thận cấp sẽ cải thiện, bệnh nhân đái được và chức năng thận về bình thường.

suy thận có chữa khỏi được không

Suy thận mạn ngược lại, biểu hiện âm thầm và tổn thương thận ở mức nephron rất khó nhận ra. Các phần lành của thận sẽ gánh thêm trách nhiệm của nephron tổn thương và lâm sàng bệnh nhân không khác biệt. Chỉ khi lượng tổ hợp tế bào chức năng này còn ít hơn 25% hoạt động, bệnh nhân mới có các triệu chứng như mệt mỏi, thiếu máu, rối loạn điện giải, phù. Suy thận mạn không có khả năng chữa trị mà chỉ có thay thế thận bằng biện pháp nhân tạo như lọc máu bằng máy, lọc màng bụng, ghép thận.

Điều trị suy thận như thế nào?

Giai đoạn đầu của suy thận mạn, bạn có thể khống chế tình trạng không để diễn biến suy thận quá nhanh bằng các gợi ý, tuy nhiên nếu tình trạng hiện tại là suy thận độ 3, 4 hoặc suy thận cấp không có nước tiểu, lời khuyên được đưa ra là để nhân viên y tế được đào tạo bài bản xử lý tình huống.

Điều trị bảo tồn dành cho các bệnh nhân suy thận bao gồm:

Khống chế Huyết áp

Thận là thủ phạm gây ra tăng huyết áp nhưng cùng lúc lại là nạn nhân của huyết áp cao.

Tăng huyết áp thúc đẩy nhanh quá trình suy thận mạn. Khi áp lực dòng máu tăng cao mạch máu sẽ dày lên như một sự thích nghi. Mạch máu dày, lượng máu chảy được thấp kéo theo tốc độ suy thận tăng nhanh.

Cách khống chế tình trạng này: Hãy ăn nhạt hơn bình thường, ăn ít mỳ chính. Dùng thuốc lợi tiểu có kèm theo tác dụng giãn mạch như lasix 40mg. Sử dụng thuốc hạ áp phù hợp trên từng bệnh nhân theo mức độ bệnh tim mạch.

Ăn chế độ ít đạm, đủ chất và hợp khẩu vị

Đạm đã được chứng minh làm tăng gánh nặng của thận khi lọc máu cho toàn cơ thể. Tuy nhiên không phải cắt hết đạm trong khẩu phần là tốt cho thận vì cơ thể sẽ chết vì thiếu chất trước khi chết vì suy thận. Thích hợp nhất là bệnh nhân có chế độ ăn với lượng đạm hấp thu tương ứng với mức lọc của cầu thận hiện tại. Chế độ ăn cần đáp ứng các tiêu chuẩn:

  • Hạn chế lượng đạm chỉ đủ protein tối thiểu cần thiết, dù vậy không được thiếu các protein cần thiết, acid amin thiết yếu. Ưu tiên thịt cả nặc, sữa, trứng vì giá trị protein cao.
    •     Suy thận độ II: 0.6g/kg cân nặng ngày
    •     Suy thận độ III: 0.5g/kg cân nặng ngày
    •     Suy thận độ IV: 0.2g/kg cân nặng ngày
  • Giàu năng lượng bằng cách tăng khẩu phần đường bột và chất béo. Không để cơ thể bị đói kích thích phân hủy cơ bắp lấy năng lượng, gián tiếp tăng protein trong máu. 1 lạng gạo cho 7 gram đạm, do vậy nên ăn ít cơm mà chuyển dần về khoai tây, khoai sọ, miến dong
  • Đủ vitamin và yếu tố vi lượng
  • Đảm bảo cân bằng nước, muối và ion: Bệnh nhân thận rất mong manh với các thay đổi về điện giải. Cần tránh để bệnh nhân uống quá nhiều nước hoặc ăn trái cây mọng nước do khả năng thải nước của thận là yếu, sẽ gây tích nước làm bệnh nhân mệt mỏi. Thêm vào đó các thực phẩm khô, hoa quả giàu vitamin K cần tránh và tốt nhất là không ăn. Đã có rất nhiều bệnh nhân suy thận phải cấp cứu sau khi được người nhà mua cho cả cân măng cụt cùng táo khô. Kali tăng trên bệnh cảnh suy thận mạn dễ dàng dẫn tới một cơn xoắn đỉnh cướp đi sinh mạng của bệnh nhân.

Chống nhiễm khuẩn và giải quyết các ổ hoại tử, xuất huyết

Bệnh nhân thận đang gánh chịu một stress rất lớn trên cơ thể, các vấn đề về nhiễm trùng có thể làm nặng lên rất nhiều tình trạng toàn thân. Nên điều trị tích cực và chú trọng khi có các nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn hô hấp, tiết niệu, loét da cùng cụt, các ổ hoại tử.

Không ngần ngại dùng kháng sinh mạnh tuy vậy phải cân nhắc tới tác dụng phụ độc đến thận nếu kháng sinh thải trừ qua đường này.

chữa suy thận

Không dùng các chất độc cho thận

Các thuốc và dược phẩm sau đây thải trừ hoặc tác động trực tiếp tới chức năng thận cần chú ý loại bỏ :

  • Thuốc có thủy ngân, kim loại nặng, lợi tiểu hypothiazid
  • Kháng sinh các nhóm Aminosid, gentamicin, amikacin, tetracilin, cephalosporin phải giảm liều theo mức lọc.
  • Các thuốc giảm miễn dịch Cyclosporin
  • Thuốc giảm đau thải trừ qua thận như Indometacin

Chống thiếu máu do suy thận

Suy thận mạn tính kéo theo thiếu máu mạn tính. Bệnh nhân cần được bù đủ sắt, acid folic, vitamin B12, B6 dưới tên các chế phẩm như: Siderfol, venofer.

Tiêm Erythropoetin (Eprex, Epogen..) ở giai đoạn suy thận độ III, IV do thiếu máu nặng và mất máu trong quá trình lọc máu chu kỳ.

Thay thế thận khi suy thận giai đoạn cuối

Hiện tại có 3 phương pháp thay thế thận, lần lượt là:

  • Ghép thận: Bằng cách ghép thận lành của người sống cùng huyết thống như bố mẹ, anh chị em ruột, họ hàng cho người bệnh, họ có thể sống gần như một người bình thường. Tuy nhiên bệnh nhân cần được duy trì thuốc ức chế miễn dịch lâu dài để chống thải ghép.
    • Ưu điểm của ghép thận là người bệnh có cuộc sống gần như người bình thường, không phải phụ thuộc thời gian vào lọc máu chu kỳ hay lọc màng bụng. Ăn uống cũng không phải kiêng khem nhiều như hai phương pháp còn lại.
    • Nhược điểm của phương pháp này là phụ thuộc vào tính sẵn có của thận hiến, bệnh nhân phải chịu chi phí ghép thận cao và tác dụng giảm miễn dịch của thuốc chống thải.
  • Thận nhân tạo: Dùng máy thận nhân tạo có màng lọc và các dụng cụ tiêu hao thay thế thận đã mất chức năng, chuyển dời các chất dư thừa ra khỏi cơ thể. Phương pháp này áp dụng cho cả suy thận cấp và suy thận mạn giai đoạn cuối.
    • Nhược điểm của phương pháp này là chi phí cao, phụ thuộc vào điều kiện vật tư cơ sở y tế , nhiều biến chứng trong quá trình hoạt động (Tụt huyết áp, viêm nhiễm mạch, chuột rút, hội chứng mất thăng bằng…)
  • Thẩm phân phúc mạc: Tự thân bệnh nhân lọc các chất dư thừa bằng màng bụng của mình. Các sản phẩm chuyển hóa theo dịch ổ bụng ra ngoài hằng ngày. Mỗi ngày trung bình bệnh nhân cần thay dịch lọc 4 lần.
    • Nhược điểm: Tồn tại một ống thông khoang bụng với bên ngoài tăng nguy cơ viêm nhiễm. Thêm vào đó màng bụng sẽ tổn thương theo thời gian và khoảng 5 năm bệnh nhân sẽ phải đổi phương pháp.
    • Ưu điểm: Đây là biện pháp rẻ tiền và có thể thực hiện tại nhà. Ít biến chứng hơn so với lọc máu nhân tạo

Chất lượng sống của bệnh nhân suy thận phụ thuộc vào mối quan hệ của bệnh nhân với những người xung quanh, cảm giác khỏe mạnh và thoải mái với cuộc sống và các sinh hoạt xã hội. Mong rằng qua bài viết này người đọc có thêm hiểu biết và vững vàng khi đối đầu với suy thận, một căn bệnh rất thường gặp và có ảnh hưởng nặng nề.

Bình chọn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *