Tiểu buốt là tình trạng đau rát, châm chích khi bạn đi vệ sinh nhẹ. Sự khó chịu có thể cảm thấy ở đường tiết niệu, bàng quang và vùng bụng dưới. Chứng tiểu buốt phổ biến hơn ở nữ giới và nam thanh niên.
Đi tiểu buốt ở phụ nữ là bệnh gì?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn việc đi tiểu buốt ở chị em phụ nữ, một số lý do phổ biến là:
- Viêm âm đạo: Xảy ra khi âm đạo hoặc âm hộ nhiễm trùng.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Đường tiết niệu, bao gồm niệu đạo và bàng quang bị các tác nhân gây bệnh làm tổn hại.
- Các bệnh STD ( bệnh lây qua đường tình dục): Chlamydia, bệnh lậu, mụn rộp sinh dục.
- Vấn đề về thận: sỏi thận, viêm thận,…
- Dị ứng với xà phòng hay các sản phẩm vệ sinh vùng kín.
- Không vệ sinh vùng kín đúng cách, mặc quần lót quá chật trong thời tiết nóng bức gây bí bách.
Tiểu buốt ở nam giới là bệnh gì?
Đối với nam giới, đặc biệt ở lứa tuổi 17-30, vấn đề đi tiểu buốt cũng gây nhiều rắc rối. Các nguyên nhân hình thành bệnh bao gồm:
- Đường tiết niệu, niệu đạo và bàng quang bị nhiễm trùng.
- Đời sống tình dục không an toàn.
- Viêm tuyến tiền liệt
- Các bệnh về thận: sỏi thận, thận nhiễm trùng…
- Sử dụng các sản phẩm vệ sinh gây kích ứng.
Triệu chứng đi tiểu buốt thường gặp
Đi tiểu buốt sau quan hệ
Triệu chứng này không phải là vấn đề hiếm gặp, nhất là với phụ nữ. Tần suất sinh hoạt “chăn gối” và tiếp xúc với các chất diệt tinh trùng trong biện pháp tránh thai là nhân tố liên quan đến việc tiểu buốt.
Một số biểu hiện sớm của việc đi tiểu buốt sau quan hệ:
- Cảm giác nóng rát khó chịu vùng bụng dưới, đường niệu đạo.
- Đi vệ sinh nhiều lần sau hoạt động tình dục.
Tiểu buốt ra máu
Nếu có máu trong nước tiểu thì đó là tình trạng đáng báo động. Biểu hiện rõ nhất là nước tiểu có màu hồng, màu lợn cợn nâu đỏ hoặc màu nước cola. Việc chảy máu khiến nước tiểu đổi màu không gây đau đớn. Tuy nhiên nếu xuất hiện máu đông thì khi đi tiểu sẽ cảm giác buốt, rát.
Tiểu buốt ra máu thường không bao gồm triệu chứng nào kèm theo.
Tiểu buốt tiểu nhiều lần
Hiện tượng này được biết là việc bàng quang hoạt động quá mức. Nó tạo cảm giác buồn đi tiểu nhưng mỗi lần chỉ được một lượng nhỏ. Theo các bác sĩ, việc đi tiểu quá 8 lần trong 24 giờ được coi là tiểu nhiều.
Đi tiểu buốt và đau bụng dưới
Bụng dưới là nơi chứa các bộ phận có chức năng tiêu hóa và tiểu tiện. Một khi các cơ quan đó rối loạn sẽ dẫn đến việc đi tiểu rát buốt kèm đau bụng dưới. Cơn đau có thể từ âm ỉ đến sắc nét, kéo dài trong lúc đi vệ sinh hay ngay cả sau khi đi tiểu. Đây cũng là biểu hiện cảnh báo viêm bàng quang.
Đi tiểu buốt và ngứa
Đi tiểu buốt kèm theo vùng kín bị ngứa là triệu chứng của nhiễm trùng lây qua đường tình dục như lậu, chlamydia. Đối với phụ nữ, ngứa rát âm đạo hoặc âm hộ có thể do nhiễm trùng nấm men.
Tiểu buốt sau sinh
Thông thường cơn đau buốt khi đi tiểu xảy ra trong sáu tuần đầu sau sinh, đặc biệt là nếu bạn sinh thường qua âm đạo. Đau, chảy nước, sưng môi âm đạo (âm hộ), khu vực đáy chậu ảnh hưởng đến 90% phụ nữ sau sinh con. Việc viêm nhiễm, sa bàng quang làm đi tiểu buốt, nước tiểu đậm màu ở các chị em lựa chọn sinh mổ.
Tiểu buốt đau lưng
Đi tiểu buốt kèm theo các cơn đau âm ỉ vùng thắt lưng hoặc dưới thắt lưng có thể là dấu hiệu nhiễm trùng thận. Cơn đau lưng thường nhẹ và bạn bỏ qua nó, tuy nhiên đôi khi xuất hiện thêm triệu chứng run, sốt, buồn nôn hay nôn mửa.
Tiểu buốt ra mủ trắng
Tiểu buốt có mủ là cảm giác rát, châm chích khi đi tiểu, kèm theo đó là mủ trắng trong nước thải ra và đôi khi mủ có màu vàng hoặc xanh. Việc tiểu buốt ra mủ điển hình cho bệnh lậu, khi đường niệu đạo viêm nhiễm nặng. Ngoài ra còn có biểu hiện nước tiểu mùi nồng, nổi hạch bẹn, sưng bộ phận sinh dục.
Tiểu buốt uống thuốc gì?
Khi bị đi tiểu buốt, bạn nên thăm khám ở các cơ sở y tế và dùng thuốc theo đơn. Một số loại thuốc bác sĩ có thể sử dụng theo liều như:
- Thuốc kháng sinh trị tiểu buốt khi viêm tuyến tiền liệt do nhiễm trùng, viêm niệu đạo hay một số bệnh lây qua đường tình dục.
- Thuốc giảm kích thích bàng quang, elmiron, acetaminophen và codein.
Bên cạnh thuốc tây, bạn có thể tham khảo sử dụng các thực phẩm lành tính tốt cho chứng đi tiểu buốt:
- Củ sắn dây theo Đông y tính mát, vị ngọt, tốt cho can thận, bàng quang. Sắn dây sấy nghiền bột pha uống rất công hiệu trong giải nhiệt, giúp tiêu tiểu thuận tiện hơn.
- Rau mồng tơi từ lâu được biết đến là loại rau giúp nhuận tràng thế nhưng ít ai biết nó còn là “bài thuốc” trị tiểu buốt, tiểu rắt. Luộc rau mồng tơi, sử dụng cả nước và cái từ 1-2 lần mỗi tuần giúp cải thiện tình trạng bệnh.
- Bổ sung rau quả, trái cây tươi chứa vitamin A và vitamin C.
Tiểu buốt là bệnh hoàn toàn có thể chữa trị và nên được quan tâm đúng cách. Hy vọng bài viết đã mang lại nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề liên quan đến tiểu buốt. Hãy luôn lắng nghe cơ thể bạn, bởi “có sức khỏe là có tất cả”!