Phong thấp ra mồ hôi tay chân không phải là hiện tượng hiếm gặp nhưng lại có rất ít người bệnh hiểu rõ về tình trạng này. Trong một số trường hợp, ra mồ hôi tay chân có thể cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm đối với bệnh nhân phong thấp. Đâu là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này? Phải làm sao để giải quyết hiệu quả? Bạn đọc theo dõi bài viết sau đây để có câu trả lời cho mình nhé!
Nguyên nhân phong thấp ra mồ hôi tay chân
Phong thấp là tình trạng đau mỏi xương khớp phổ biến trong Đông y. Bệnh lý này không chỉ gây ra cảm giác khó chịu cho người bệnh mà đôi khi còn cản trở một số sinh hoạt đời sống hàng ngày. Thậm chí có một số trường hợp bệnh nhân phong thấp gặp phải hiện tượng ra mồ hôi ở lòng bàn tay, lòng bàn chân. Nhiều người hoang mang không biết đâu là nguyên nhân gây ra vấn đề này?
Dưới góc độ Đông y, hiện tượng ra mồ hôi chân tay ở người bệnh phong thấp có liên quan mật thiết đến dòng sinh khí năng lượng nằm bên trong cơ thể. Lúc này, dương khí bị thất thoát quá nhiều ra bên ngoài, dẫn đến việc gan bàn tay và bàn chân trở nên suy yếu. Hậu quả là tuyến mồ hôi bị rối loạn chức năng, khiến lượng mồ hôi đổ ra ở tay và chân nhiều hơn thông thường.
Không những vậy, yếu tố “thấp” trong bệnh phong thấp cũng được phân loại thành hai thể chính sau đây:
- Nội thấp: Nguyên nhân chính của thể này thường là do vấn đề nội tại của cơ thể, ví dụ như trao đổi chất kém, ăn uống không khoa học, lành mạnh.
- Ngoại thấp: Tình trạng ngoại thấp lại liên quan nhiều hơn đến môi trường sống của người bệnh, ví dụ như thời tiết chuyển mùa, độ ẩm không khí quá cao hoặc quá thấp,….
Phong thấp ra mồ hôi tay chân biểu hiện bệnh gì?
Dưới góc độ của y học hiện đại, vấn đề đau nhức xương khớp kèm theo hiện tượng ra mồ hôi ở lòng bàn tay, chân có thể là dấu hiệu của các tình trạng bệnh lý sau đây:
- Cường tuyến giáp: Tuyến giáp làm nhiệm vụ sản xuất ra các loại hormone phục vụ cho quá trình trao đổi chất và chuyển hóa bên trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị cường tuyến giáp, lượng hormone được tiết ra nhiều hơn, gây ra những nhiễu loạn của chuyển hóa. Hậu quả là người bệnh xương khớp có hiện tượng ra nhiều mồ hôi ở tay và chân.
- Thiếu dinh dưỡng: Các loại vitamin và khoáng chất trong cơ thể cũng đóng vai trò quan trọng với tuyến mồ hôi. Trong trường hợp người bệnh phong thấp bị thiếu hụt quá nhiều vitamin, khoáng chất thì cũng có khả năng bị ra mồ hôi tay chân.
- Rối loạn thần kinh thực vật: Tuyến mồ hôi được kiểm soát một phần bởi hạch thần kinh thực vật. Nếu những dây thần kinh này bị rối loạn bởi một tác động nào đó, người bệnh xương khớp có thể bị đổ nhiều mồ hôi ở tay và chân, nhất là vào ban đêm.
- Các bệnh lý khác: Ngoài những bệnh lý thường thấy kể trên, phong thấp ra mồ hôi tay chân còn có thể là do tâm lý lo âu, căng thẳng kéo dài, rối loạn hoảng sợ, tác dụng phụ của thuốc, nhiễm trùng, có khối u tủy sống,….
Triệu chứng phong thấp ra mồ hôi tay chân
Người bệnh phong thấp ra mồ hôi tay chân thường có các triệu chứng sau đây:
Lòng bàn tay, bàn chân luôn có cảm giác nhớp dính
Tình trạng này là kết quả của việc mồ hôi đổ quá nhiều. Cảm giác nhớp dính này khiến người bệnh ngại tiếp xúc thân thể với người xung quanh, ví dụ như nắm tay hay bắt tay.
Chân có mùi hôi khó chịu
Đổ nhiều mồ hôi chân, nhất là trong tiết trời oi nóng của mùa hè rất dễ dẫn đến hiện tượng hôi chân. Tình trạng này rất khó có thể kiểm soát dù người bệnh thường xuyên rửa chân hoặc sử dụng các sản phẩm khử mùi.
Cảm giác nhức mỏi ở các khớp xương
Cốt lõi của bệnh vốn nằm ở phong thấp, chính vì vậy mà người bệnh có thể cảm thấy đau nhức ở khớp xương. Các cơn đau thường kéo dài kèm theo đó là những tiếng lục khục ở xương, khớp khi người bệnh hoạt động.
Cảm giác lo lắng không rõ lý do
Có một số người bệnh phong thấp ra mồ hôi tay chân còn xuất hiện cảm giác lo lắng, hoảng sợ kéo dài trong khoảng vài phút. Hiện tượng này càng khiến lượng mồ hôi đổ ra nhiều hơn kèm theo đó là một số dấu hiệu khác như bồn chồn, chân tay bủn rủn, trống ngực,…
Lòng bàn tay, bàn chân bị bong tróc da
Khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, bên cạnh việc đổ mồ hôi tay chân, người bệnh còn có thể bị bong tróc da tay, da chân hoặc xuất hiện nhiều mụn nước phồng rộp.
Phong thấp ra mồ hôi tay chân phải làm sao?
Tình trạng phong thấp ra mồ hôi tay chân có thể được điều trị thông qua các biện pháp sau đây:
Các biện pháp Tây y
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra mà các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho người bệnh. Cụ thể như sau:
- Thuốc ức chế cholinergic: Đối với vấn đề rối loạn thần kinh thực vật, người bệnh có thể sử dụng các thuốc ức chế cholinergic. Bên cạnh đó, người bệnh nên tăng cường bổ sung vitamin B và tích cực luyện tập thể thao.
- Thuốc xịt ngoài da: Các loại thuốc xịt trị chứng mồ hôi tay hiện nay trên thị trường có Etiaxil, Antihydral,… Người bệnh có thể tìm mua tại các hiệu thuốc Tây và sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu việc dùng thuốc không mang lại hiệu quả, các bác sĩ có thể đề nghị thêm một số can thiệp ngoại khoa như điện ion, tiêm botox hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, người bệnh nên trao đổi kỹ lưỡng với chuyên gia trước khi áp dụng những phương pháp này.
Các bài thuốc Đông y
Người bệnh cũng có thể điều trị bằng các bài thuốc Đông y sau đây:
- Bài thuốc số 1: Ngạnh mễ, sinh địa, toan táo nhân đã sao khô.
- Bài thuốc số 2: Cam thảo, thanh cao, địa cốt bì, tần giao.
- Bài thuốc số 3: Tang diệp, mạch môn đông, thiên hoa phấn, tiên sinh địa, tiên thạch hộc, liên kiều.
Các bài thuốc này đều được bào chế dạng sắc uống, chia thành 2 lần dùng trong ngày.
Thuốc Nam trị phong thấp ra mồ hôi tay chân
Các bài thuốc Nam điều trị bệnh phong thấp kèm ra mồ hôi tay gồm có:
- Bài thuốc từ lá lốt: Lá lốt chọn lá già, rửa sạch sẽ rồi cho vào nồi đun lấy nước. Nhân khi nước còn bốc hơi nóng thì người bệnh xông lòng bàn tay, bàn chân. Mỗi ngày thực hiện ít nhất 1 lần.
- Bài thuốc từ bột quế: Đổ một ít bột quế ra lòng bàn tay, xoa hai bàn tay vào nhau trong khoảng 10 phút. Thực hiện tương tự với bàn chân, mỗi ngày áp dụng ít nhất 1 lần.
Hy vọng những thông tin nêu trên đã giúp bạn đọc giải đáp được những thắc mắc liên quan đến chứng bệnh phong thấp ra mồ hôi tay. Dù bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng, người bệnh vẫn nên sớm đi thăm khám tại bệnh viện để được điều trị dứt điểm, tránh gây ảnh hưởng sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày.