Chăm sóc bệnh nhân thoái hóa cột sống thắt lưng là rất cần thiết. Bởi khi mắc bệnh, người bệnh gặp khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Do đó, bệnh nhân luôn cần phải có người thân bên cạnh hỗ trợ, chăm sóc. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin quan trọng về cách chăm sóc bệnh nhân thoái hóa cột sống lưng tại nhà chính xác và đầy đủ nhất.
Tại sao cần chăm sóc bệnh nhân thoái hóa cột sống thắt lưng?
Khi về già, các cơ quan trên cơ thể dần dần lão hóa. Trong đó, xương khớp là bộ phận có tốc độ lão hóa nhanh nhất do thường xuyên phải vận động. Xương khớp dễ gặp những vấn đề như:
- Tổn thương, thoái hóa sụn khớp.
- Viêm sụn khớp.
- Thay đổi cấu trúc cột sống bao gồm: Gai cột sống, thoát vị đĩa đệm,…
Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn khiến người bệnh khó khăn trong việc sinh hoạt thường ngày. Đặc biệt, tình trạng thoái hóa cột sống thắt lưng kèm theo những cơn đau kéo dài, cứng khớp, khó khăn trong việc di chuyển thì lúc này, người bệnh cần phải có dụng cụ y khoa hỗ trợ vận động hoặc người thân kế bên để chăm sóc.
Bệnh nhân thoái hóa cột sống thắt lưng cần được chăm sóc khi xuất hiện những dấu hiệu sau:
- Đau thắt lưng thường xuyên gây cản trở khả năng vận động, đi lại.
- Đau buốt, râm ran kéo dài đến chân.
- Mất sức mạnh, mất cảm giác ở 2 chân.
- Bàn chân xuất hiện tình trạng ngứa râm ran, tê bì khó chịu.
- Tiểu tiện, đại tiện không kiểm soát.
Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân thoái hóa cột sống thắt lưng
kế hoạch chăm sóc bệnh nhân thoái hóa cột sống thắt lưng tại nhà cần đảm bảo thực hiện được các mục tiêu: Giảm đau nhức tối thiểu cho người bệnh khi vận động, di chuyển; hỗ trợ cải thiện khả năng phục hồi của xương khớp; tạo môi trường thoải mái, chế độ sinh hoạt lành mạnh cho người bệnh.
Nghỉ ngơi hợp lý
Những người bị thoái hóa cột sống thường bị đau nhức khi vận động. Đặc biệt, nếu người bệnh vẫn cố vận động thì sẽ khiến tình trạng bệnh tiến triển nặng và khó điều trị hơn. Do đó, người bị thoái hóa cột sống cần được nghỉ ngơi hợp lý, tránh vận động mạnh. Khi xuất hiện các cơn đau, cần dừng lại mọi công việc và thực hiện nghỉ ngơi cho đến khi cơn đau khỏi hẳn và xương khớp hoạt động lại được bình thường.
Giảm cân
Thừa cân, béo phì là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng thoái hóa cột sống thắt lưng. Do cột sống được thiết kế để chịu đựng một trọng lượng cơ thể nhất định. Nếu trọng lượng cơ thể vượt qua mức cân bằng này sẽ khiến cột sống chịu áp lực nặng nề. Theo thời gian sẽ dẫn đến tình trạng thoái hóa cột sống.
Chính vì vậy, khi ở nhà, việc kiểm soát cân nặng, giữ thân hình cân đối chính là một cách phòng ngừa và điều trị bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng hiệu quả. Bạn có thể sử dụng các bài tập giảm cân kết hợp với một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, chắc chắn cân nặng của bạn sẽ nhanh chóng giảm về mức cân bằng.
Chườm nóng hoặc chườm lạnh
Nếu bạn gặp những cơn đau dữ dội, kéo dài ở vùng thắt lưng, việc chườm nóng hoặc chườm lạnh có thể làm giảm bớt cơn đau nhanh chóng.
- Chườm lạnh có tác dụng làm tê liệt vùng đau, giảm tín hiệu truyền cơn đau từ dây thần kinh lên não bộ. Bệnh cạnh đó, chườm lạnh còn hỗ trợ giảm đau, giảm viêm và sưng nhanh chóng. Chườm lạnh có thể dùng có những cơn đau bất ngờ, đau dữ dội gây ảnh hưởng lớn đến người bệnh.
- Chườm nóng có tác dụng tăng cường quá trình tuần hoàn máu đến vùng xung quanh cột sống thắt lưng. Từ đó, tăng hiệu quả chữa lành các tổn thương, viêm nhiễm ở vùng này, giúp giãn cơ và tạo sự thoải mái, dễ chịu cho người bệnh. Chườm nóng nên được áp dụng với những cơn đau âm ỉ kéo dài.
Ngoài ra, người bệnh nên kết hợp song song giữa phương pháp chườm nóng và chườm lạnh hàng ngày để tăng hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất. Cụ thể như sau:
- Chườm lạnh sau khi luyện tập thể dục, thể thao, chườm nóng trước khi điều trị vật lý trị liệu.
- Vào buổi sáng khi thức dậy hãy thực hiện chườm nóng, sau đó chườm lạnh trong khoảng vài giờ tiếp theo.
- Chườm nóng và chườm lạnh chỉ giúp giảm đau và hỗ trợ tình trạng bệnh, không có tác dụng điều trị bệnh.
Lập kế hoạch rèn luyện thể lực
Thực hiện kế hoạch tập luyện thể dục, thể thao hàng ngày sẽ góp phần điều trị bệnh cột sống thắt lưng hiệu quả. Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn được phương pháp tập luyện phù hợp với tình trạng bệnh của mình.
>> XEM NGAY: 10 bài tập thoái hoá cột sống lưng cổ đơn giản, dễ tập tại nhà
Thực hiện chế độ ăn uống khoa học
Trong bữa ăn hàng ngày, người bệnh cần đảm bảo có đầy đủ dưỡng chất và năng lượng. Đặc biệt, trong bữa ăn phải có những dưỡng chất thiết yếu, có lợi cho xương khớp như: Canxi, Magie, Vitamin D3, Vitamin C, Protein, Sắt,… Người bệnh cũng nên tránh những đồ ăn như: Rượu, bia, đồ ăn chiên nhiều dầu mỡ, mỡ động vật, nội tạng, đồ ăn sẵn,…
Để bệnh nhanh chóng được cải thiện, trong các hoạt động hàng ngày, người bệnh cần chú ý:
- Không mang vác, kéo xách nặng nhọc.
- Không ngồi, đứng hoặc nằm một chỗ quá lâu.
- Lựa chọn nệm và gối phù hợp để nghỉ ngơi.
- Không vận động nhanh khi vừa mới ngủ dậy.
- Không cúi gập người quá lâu.
- Không vận động, tập luyện thể dục thể thao với cường độ cao.
Sử dụng thiết bị hỗ trợ
Cột sống thắt lưng khi bị thoái hóa, tổn thương sẽ thay đổi hình dạng theo thời gian. Trong trường hợp này, người bệnh cần sử dụng công cụ hỗ trợ để giảm thiểu các thay đổi trên cột sống, bao gồm: Nệm dành cho người thoái hóa cột sống thắt lưng, xe lăn, giường nằm, nẹp, đai lưng, khung tập đi,….
Trên đây là những thông tin chi tiết về cách chăm sóc bệnh nhân thoái hóa cột sống thắt lưng tại nhà. Bệnh thoái hóa cột sống sẽ được cải thiện đáng kể nếu người bệnh có một chế độ chăm sóc, sinh hoạt lành mạnh. Do đó, trong quá trình điều trị, việc thay đổi những thói quen tiêu cực và tập luyện những thói quen tích cực sẽ giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục.
>> Xem thêm: Chữa thoái hóa cột sống bằng cây xương rồng đơn giản, hiệu quả