Mang thai và làm mẹ là thiên chức thiêng liêng và niềm hạnh phúc của người phụ nữ. Ở giai đoạn mang thai, cơ thể người mẹ phải thay đổi rất nhiều để thích nghi với sự có mặt của em bé trong bụng. Điều này làm cho sức đề kháng của mẹ bị giảm sút và dễ bị mắc bệnh hơn. Trong đó, ho có đờm là một trong những bệnh các mẹ bầu dễ bị mắc phải nhất.
Nguyên nhân nào khiến bà bầu bị ho có đờm?
Ngoài nguyên nhân sức đề kháng của bà bầu thường yếu hơn so với thời kỳ son rỗi thì có rất nhiều nguyên nhân khác dẫn tới việc bà bầu dễ bị mắc ho có đờm đó là:
- Do sự thay đổi hormone: Khi mang thai, lượng estrogen tăng cao khiến cho việc kích thích sản xuất dịch nhầy nhiều hơn, chất nhầy có thể trở lên rất đặc hoặc rất loãng. Đây là nguyên nhân vì sao nếu mẹ bầu bị ho trong giai đoạn này thì thường bị ho kèm theo có đờm nhiều.
- Do cảm lạnh hoặc cúm: Sức đề kháng suy giảm khiến mẹ bầu dễ bị mắc các virus gây cảm lạnh và cúm. Dịch nhầy ở mũi và họng có thể rất đặc và có màu vàng hoặc xanh.
- Do dị ứng: Cơ địa thay đổi khi mang thai cũng khiến mẹ bầu dễ bị dị ứng hơn, cùng với đó là một loạt các triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mắt, ngứa râm ran ở da và ho có đờm xuất hiện cùng một lúc.
- Do thực phẩm: Thời kỳ mang thai, mẹ bầu nào cũng ra sức bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng cho thai nhi khỏe mạnh. Sữa, phô mai và các sản phẩm từ sữa khác… chính là nguyên nhân kích thích việc gia tăng sản xuất chất nhầy.
- Các bệnh lý về đường hô hấp, mũi họng như: Viêm thanh quản, viêm amidan, viêm phế quản, viêm xoang… gây ra tình trạng ho có đờm ở mẹ bầu.
Ngoài ra, nếu bà bầu bị mắc các bệnh như thủy đậu, sởi hay ho gà thì cũng dẫn đến việc ho có đờm.
Bà bầu bị ho có đờm ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?
Trước tiên, các cơn ho kéo dài do cảm giác đờm ứ đọng ở cổ rất ngứa và khó chịu khiến bà bầu có cảm giác muốn khạc nhổ để loại bỏ cảm giác này. Tuy nhiên việc ho dẫn đến sự co thắt mạnh ở vùng ngực, gây cảm giác mệt và đau.
Kèm theo đó, bà bầu có thể có cảm giác chán ăn, khó ngủ, suy nhược cơ thể… Tất cả những triệu chứng trên đều gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Các cơn ho liên tục và kéo dài kích thích các cơn co tử cung có thể gây động thai sớm hoặc dọa sinh non nếu thai gần đủ tháng. Ho có đờm còn là triệu chứng báo hiệu cơ thể mẹ bầu có thể đang bị nhiễm trùng, nếu mẹ bầu không phát hiện kịp thời sẽ rất nguy hiểm, có thể gây mất tim thai đột ngột.
Vì vậy, nếu mẹ bầu thấy xuất hiện các triệu chứng sau thì cần đến thăm khám và hỏi ý kiến của bác sĩ ngay:
- Mẹ bầu bị ho có đờm dai dẳng kéo dài, ho khạc nhổ ra máu.
- Cơ thể mệt mỏi và cảm giác kiệt sức.
- Ho ra đờm xanh kèm theo cảm giác khó thở hơn bình thường, sốt, mệt rã rời.
Cách chữa trị khi bà bầu bị ho có đờm
Trong thời kỳ mang thai mà mắc bệnh, dù chỉ là những bệnh lý thường gặp như cảm cúm hay ho, ho có đờm thì mẹ bầu cũng tuyệt đối không nên tự ý điều trị bằng thuốc kháng sinh. Thay vào đó, mẹ bầu có thể tìm đến một số biện pháp chữa trị dân gian an toàn mà hiệu quả như:
Sử dụng tỏi và mật ong để giảm ho ra đờm
Bản thân tỏi và mật ong là hai nguyên liệu mang trong mình những nguyên tố và chất kháng sinh tự nhiên như selen, acillin (có trong tỏi) có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Vì vậy, khi bị ho có đờm mẹ bầu có thể áp dụng công thức sau:
Công thức 1:
- Lấy 15g tỏi bóc vỏ đập dập (hoặc để nguyên cả tép) cho vào lọ rồi đổ 100ml mật ong vào ngập mặt tỏi, đậy kín nắp.
- Lọ tỏi ngâm mật ong này cần để ở nơi khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời, sau 3 tuần ngâm có thể sử dụng được.
- Mỗi lần dùng lấy khoảng 2 muỗng, mỗi ngày ngậm 2-3 lần sẽ giúp cổ họng bớt ngứa, tiêu đờm, giảm ho.
Công thức 2:
- Đập dập 4-5 củ tỏi, trộn đều với mật ong rồi đem hỗn hợp đi hấp cách thủy.
- Khi nào ngửi thấy mùi tỏi thì tắt bếp, để nguôi.
- Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần dùng 1-2 thìa cà phê để giúp giảm ho và long đờm tốt hơn.
Sử dụng quất để trị ho có đờm
Quất là một loại quả lành tính. Trong vỏ quất có chứa nhiều tinh dầu, đường và pectin có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm. Ngoài ra, các vitamin có trong thịt quả còn có tác dụng giúp long đờm và giảm ho.
Mẹ bầu bị ho có đờm dùng 4 quả quất rửa sạch, bỏ hạt cho vào chén rồi đổ ngập mật ong, đem hấp cách thủy trong vòng 15 phút. Mỗi ngày dùng khoảng 3 lần, mỗi lần ngậm khoảng 1-2 thìa cà phê sẽ giảm được các triệu chứng như ngứa họng, muốn ho và đờm nhiều trong cổ họng.
Bà bầu bị ho có đờm thì nên kiêng ăn gì?
- Thực phẩm lạnh: Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh chưa được rã đông hoặc làm nóng thì mẹ bầu tuyệt đối tránh. Bởi vì, khi sử dụng các loại thực phẩm này mẹ bầu có nguy cơ bị nhiễm lạnh rất cao. Theo đông y, thực phẩm lạnh gây tắc khí ở phổi khiến cho các triệu chứng ho, ngạt mũi, khạc đờm tiến triển nặng hơn.
- Thực phẩm nhiều dầu: Các loại hạt chứa nhiều dầu như đậu phộng, hạt dưa bình thường rất tốt nhưng khi mẹ bầu bị ho có đờm thì cũng cần tuyệt đối tránh ăn. Dầu trong các loại hạt này có khả năng tăng tiết đờm ứ đọng trong cổ họng.
- Thực phẩm tanh: Tôm, cua, cá… sẽ khiến tình trạng ho của mẹ bầu trở lên nặng hơn bởi vị tanh trong các thực phẩm này khiến cho hệ hô hấp bị kích thích mạnh.
- Đồ ăn chiên nhiều dầu mỡ: Mẹ bầu khi bị ho thì chức năng tiêu hóa cũng bị suy giảm. Đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ có thể tăng gánh nặng cho dạ dày gây cảm giác khó tiêu khiến dịch đờm tiết ra nhiều hơn.
- Đồ ăn quá mặn hoặc quá ngọt: Là nhóm thực phẩm khiến cơ thể mẹ bầu bị bốc hỏa và có cảm giác ngứa họng, muốn ho nhiều hơn.
Trên đây là những thông tin về chứng ho có đờm ở bà bầu, hy vọng sẽ cung cấp những kiến thức bổ ích về sức khỏe cho các chị em đang hoặc sắp bước vào thời kỳ “9 tháng 10 ngày mang nặng, đẻ đau”.
Các mẹ cũng hết sức lưu ý, ngoài việc trang bị kiến thức cho bản thân thì trong giai đoạn mang thai nếu thấy có các triệu chứng bất thường về sức khỏe cần đến thăm khám ngay ở các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị tốt nhất. Chúc bạn mẹ tròn con vuông!
Học ngay: Cách chữa ho có đờm cho trẻ dưới 1 tuổi