Gãy xương cột sống là một trong những chấn thương rất phổ biến thường gặp trong quá trình lao động, sinh hoạt. Tuy nhiên tình trạng này không gây ra nhiều biểu hiện rõ rệt. Vì thế đôi khi bệnh không được phát hiện can thiệp kịp thời đã dẫn đến những tổn thương vĩnh viễn cho cột sống.
Gãy xương cột sống là gì?
Cột sống là bộ phận được cấu tạo từ nhiều đốt sống xếp liền kề và nằm chồng lên nhau theo chiều dọc. Xương đốt sống cũng như các loại xương khác trên cơ thể, rất dễ bị chấn thương do tác động mạnh từ bên ngoài.
Gãy xương cột sống là thuật ngữ y khoa dùng để chỉ tình trạng xương tại cột sống bị gãy. Đây là chấn thương được đánh giá là nghiêm trọng hơn so với việc gãy các xương ở vị trí khác. Vì xương cột sống là bộ phận bao bọc tủy sống. Một khi xương cột sống bị tổn thương, tủy sống cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến việc truyền dẫn tín hiệu và các phản xạ của cơ thể kém linh hoạt hơn.
Nguyên nhân chính dẫn đến gãy xương cột sống
- Tai nạn ô tô
- Té ngã khi đi bộ, chạy bộ, ngã từ trên cao xuống khi làm việc
- Chấn thương khi chơi thể thao
- Các hành vi bạo lực, người bệnh bị đánh đập, tra tấn,…
Các tác động lực quá mạnh lên cột sống đã tạo áp lực lớn khiến cấu trúc của cơ quan này bị phá vỡ hoặc gãy tùy theo mức độ tổn thương. Chấn thương tại cột sống sẽ làm nứt vỡ phần cứng bên ngoài của cột sống. Nếu lớp xương này bị gãy thì đốt sống sẽ gặp phải tổn thương tương tự. Do đó, có thể ban đầu chấn thương bạn gặp phải chưa gây ra tình trạng gãy xương cột sống nhưng theo thời gian các vết nứt tại vị trí bị va đập sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Cuối cùng là dẫn đến gãy xương cột sống.
Triệu chứng gãy xương cột sống
Triệu chứng của tình trạng gãy xương cột sống sẽ có sự khác nhau giữa từng trường hợp, tùy thuộc vào vị trí cột sống bị gãy và lực tác động dẫn đến chấn thương. Tuy nhiên, mọi người vẫn có thể nhận biết sớm tình trạng gãy cột sống thông qua các biểu hiện như: Đau cổ, đau lưng, ngứa ran, tê nhức xương khớp, yếu cơ, có dấu hiệu co thắt cơ, chức năng ruột và bàng quang bị tê yếu hoặc tê liệt.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể mất khả năng vận động của tứ chi. Mặc dù không phải mọi trường hợp gãy cột sống đều làm ảnh hưởng tủy sống nhưng mọi người cũng không nên chủ quan với chấn thương này. Khi gặp các triệu chứng nêu trên hoặc gặp phải các dấu hiệu khác liên quan đến khả năng vận động ở cột sống bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và can thiệp y tế kịp thời.
Phương pháp kiểm tra, chẩn đoán gãy xương cột sống
Tùy vào từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ tư vấn chỉ định người bệnh làm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác nhau. Các kỹ thuật chẩn đoán có thể áp dụng gồm có:
- Chụp x-quang: Chụp x-quang là việc sử dụng tia bức xạ có khả năng xuyên thấu qua lớp xương đông đặc để phản chiếu tình trạng tổn thương được hiển thị trên tấm phim chụp. Nó có thể hiển thị rõ cấu trúc, hình thái cột sống và các xương bị gãy. Vì vậy kết quả chẩn đoán bệnh có độ chính xác rất cao.
- Chụp cắt lớp vi tính: Phương pháp này giúp bác sĩ phát hiện, đánh giá được cấu trúc mô mềm, xương khớp và dây thần kinh. Từ đó có thể tìm ra các dị vật đè lên dây thần kinh, tủy sống và đốt sống khiến bạn bị đau nhức. Chụp cắt lớp vi tính có thể được chụp dưới nhiều góc độ khác nhau nên đem lại hình ảnh đa diện với tính chính xác gần như tuyệt đối.
- Chụp cộng hưởng từ: Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp hiển thị các đĩa đệm, mô mềm, dây thần kinh và các điểm bất thường ở đĩa đệm. Là căn cứ vững chắc để các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị bệnh phù hợp cho từng đối tượng.
Trên đây là một số thông tin chia sẻ về tình trạng gãy xương cột sống. Hy vọng đã giúp mọi người xác định được nguyên nhân, triệu chứng bệnh để có biện pháp phòng ngừa, điều trị hiệu quả. Chúc sức khỏe!