Viêm phổi ở trẻ sơ sinh là căn bệnh nguy hiểm, có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên ở trẻ sơ sinh khó nhận biết, thường diễn biến nhanh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết về căn bệnh này.
Nguyên nhân viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh được xem là căn bệnh phổ biến và nguy hiểm. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới căn bệnh này như:
- Do sự thay đổi thời tiết khiến trẻ mắc bệnh lý về mũi họng, dẫn tới viêm phế quản cấp. Và nếu không được điều trị kịp thời viêm phế quản tiến triển thành viêm phổi.
- Trẻ khi vừa sinh ra bị nhiễm khuẩn Coli, Listeria do vi khuẩn có trong nước ối lúc đẻ. Thống kê cho thấy nếu thời gian vỡ ối từ 6 tới 12 giờ thì khoảng 33% trẻ sơ sinh bị viêm phổi. Thời gian vỡ ối từ 12 giờ đến 24 giờ thì khoảng 52% trẻ bị viêm phổi và khoảng 90% trẻ sơ sinh bị viêm phổi khi thời gian vỡ ối trên 24 giờ.
- Trẻ nhiễm khuẩn từ dụng cụ y tế, người chăm sóc trẻ sau khi sinh cũng là nguyên nhân phổ biến.
- Nước ối, phân su trong buồng ối cũng khiến bé bị viêm phổi nếu hít phải.
- Một nguyên nhân ít gặp hơn là trong quá trình mang thai, bé không được cung cấp đủ dưỡng khí dẫn tới bệnh viêm phổi.
- Viêm phổi do cách chăm sóc của cha mẹ, với bé có dạ dày nhỏ làm tăng khả năng trào ngược hay trớ khiến bé dễ bị sặc sữa vào phổi. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới viêm phổi.
Dấu hiệu nhận biết viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Do còn quá nhỏ, sức đề kháng yếu nên viêm phổi ở trẻ sơ sinh không hiếm gặp. Điều đặc biệt là các triệu chứng viêm phổi ở trẻ thường bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý hô hấp khác. Vì vậy khi phát hiện ra thì bệnh thường đã nặng, gây khó khăn trong việc điều trị.
Một số dấu hiệu dễ nhận biết nhất cha mẹ có thể lưu tâm:
- Bé bỏ bú hoặc bú ít.
- Cơ thể sốt nhẹ.
- Tiếng thở khò khè, khi đếm nhịp thở thấy một phút nhịp thở của bé lớn hơn 60 lần.
- Khi trẻ bị viêm phổi nặng sẽ thấy thân nhiệt trẻ hạ đột ngột, trẻ ngủ li bì.
- Khi quan sát trẻ ngủ sẽ thấy co rút lồng ngực, thở nhanh.
- Trẻ chướng bụng, khó thở.
- Trẻ mệt mỏi, quấy khóc, khó chịu.
Khi đó, biến chứng bệnh thường xảy ra rất nhanh, cha mẹ phải ngay lập tức đưa bé đến các cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời. Viêm phổi biến chứng khiến trẻ khó thở, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Đây là căn bệnh không được chủ quan, hay xem thường. Viêm phổi được xem là bệnh lý hô hấp đứng đầu trong danh sách bệnh hô hấp nguy hiểm đối với sức khỏe của cả trẻ sơ sinh và người cao tuổi.
Dấu hiệu viêm phổi ở trẻ sơ sinh sẽ có sự khác biệt nhất định, dễ nhận biết nhất là các bậc phụ huynh tiến hành đếm nhịp thở của bé theo phút. Khi nhịp thở nhanh hơn 60 lần trên phút nghĩa là trẻ đang khó thở, biểu hiện của viêm phổi. Ngoài ra còn có thể quan sát xem khi thở bé có hiện tượng co rút hai bên sườn, lồng ngực có lõm xuống không.
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Nếu viêm phổi được xác định sớm, điều trị kịp thời thì bệnh khá dễ điều trị, không gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ. Trẻ sẽ được chỉ định dùng kháng sinh, thuốc hạ sốt, siro giảm ho để dễ chịu hơn.
Tuy nhiên nếu phát hiện muộn, khi viêm phổi vào giai đoạn nặng, trẻ khó thở sẽ đối mặt với một số biến chứng khó lường như:
- Viêm màng não: Vi khuẩn từ phổi tấn công lên não, với sức đề kháng yếu trẻ dễ mắc viêm màng não, có thể rối loạn thần kinh, điếc, giảm khả năng trí tuệ…
- Nhiễm trùng máu: Ngoài tấn công lên não, vi khuẩn trong phổi có thể đi vào máu gây ra nhiễm khuẩn, nhiễm trùng máu. Nếu không kịp thời can thiệp trẻ có thể tử vong.
- Tràn dịch màng phổi: Biến chứng này khiến trẻ gặp khó khăn trong hô hấp, làm nồng độ bạch cầu tăng nhanh, có khả năng dẫn tới sự kháng thuốc điều trị.
- Đột quỵ tim: Tình trạng trụy tim do sốc thuốc, kháng thuốc cũng thường thấy. Điều này khiến bệnh khó điều trị, thời gian chữa bệnh dài hơn.
- Còi xương, suy dinh dưỡng, suy giảm sức đề kháng, bệnh tái phát nhiều lần là những biến chứng thường thấy khác của viêm phổi.
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh bao lâu thì khỏi?
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh điều trị 5 – 10 ngày là khỏi. Thời gian nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh nặng hay nhẹ, khả năng đáp ứng thuốc và nguyên nhân nào gây bệnh.
Một số ít trường hợp bệnh kéo dài sau 2 – 3 tuần điều trị mới khỏi do bệnh nặng, đã xảy ra biến chứng và nguyên nhân do vi khuẩn bệnh viện gây ra.
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm phổi nhanh khỏi hơn
Để bệnh nhanh khỏi và cũng là hỗ trợ quá trình điều trị viêm phổi ở trẻ sơ sinh, người chăm sóc bé nên lưu ý một số điều sau.
- Chọn chế độ dinh dưỡng phù hợp như thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu hóa. Có thể cho trẻ bú nhiều sữa mẹ hơn để tăng sức đề kháng một cách tự nhiên.
- Chia nhỏ bữa ăn trong ngày để giảm bớt áp lực lên hệ tiêu hóa, giúp trẻ ăn được nhiều hơn.
- Bổ sung thêm điện giải hoặc nhiều nước để giúp loãng đờm, long đờm.
- Khi đặt trẻ nằm cần kê cao đầu, giảm áp lực lên phổi.
- Ủ ấm trẻ đúng cách, không ủ quá ấm khiến mồ hôi ngấm vào cơ thể, bệnh sẽ nặng hơn.
- Nơi ở của trẻ đảm bảo vệ sinh, thoáng mát và sạch sẽ, tránh nhiễm khuẩn
- Hạn chế khói thuốc lá tại nơi trẻ ở.
- Sát trùng bình sữa, vật dụng đồ ăn cho bé để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn gây bệnh. Có thể là quần áo cho trẻ sau khi giặt để vô khuẩn.
- Vệ sinh đường thở cho bé trước khi ăn, tránh bị sặc khi trớ sữa, khiến sữa vào phổi.
- Thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi bệnh.
- Khi trẻ có biểu hiện khó thở cần thăm khám ngay để can thiệp kịp thời.
>> Có thể cha mẹ cần biết: Trẻ bị viêm phổi có nên nằm điều hòa, quạt máy hay máy lạnh không?
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh là căn bệnh nguy hiểm, có thể gây ra tình trạng tử vong nếu không phát hiện kịp thời. Vì vậy nếu trẻ mắc bất kỳ bệnh lý nào về hô hấp bạn cần theo dõi sát sao, các biến chứng do bệnh hô hấp gây ra thường xảy ra nhanh. Việc can thiệp y khoa kịp thời giúp điều trị bệnh nhanh khỏi cũng hạn chế tối đa những nguy hiểm cho bé. Chúc mẹ đã có đủ cho mình kiến thức để đồng hành trong việc giữ sức khỏe cho bé.