Viêm họng có mủ là một bệnh lý có khả năng lây lan và bùng phát thành dịch nhất là vào mùa lạnh. Vì vậy, mọi người cần trang bị những kiến thức cần thiết để biết cách phòng tránh cũng như chữa trị bệnh đúng cách.
Thế nào là bệnh viêm họng có mủ?
Viêm họng có mủ là một bệnh lý đường hô hấp. Bệnh xảy ra khi người bệnh bị viêm họng kéo dài, tạo điều kiện cho các loại virus và vi khuẩn có cơ hội tấn công vào vùng họng để hình thành dịch mủ ở phía trong vòm họng.
Do tác nhân gây bệnh là các vi khuẩn, virus nên bệnh có khả năng lây lan qua các con đường sau:
- Người bệnh ho hoặc hắt hơi, gây phát tán virus, vi khuẩn trong nước mũi, nước bọt ra ngoài không khí.
- Người khỏe mạnh dùng chung dụng cụ ăn uống như cốc, bát, thìa hoặc dùng chung khăn mặt với người bệnh cũng sẽ bị mắc bệnh.
Mặc dù đây là một bệnh lý không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không được chữa trị dứt điểm, bệnh có thể phát triển thành các biến chứng nguy hiểm khác như:
- Viêm tấy cổ họng, áp xe cổ họng, viêm amidan.
- Biến chứng thành viêm tai giữa, viêm phổi, viêm xoang… khi các virus hoặc vi khuẩn từ cổ họng lây lan qua những cơ quan khác như tai, mũi, thanh quản, phổi.
- Biến chứng ở các cơ quan xa hơn, gây bệnh thấp khớp, thấp tim hay viêm cầu thận cấp.
Những nguyên nhân nào gây bệnh viêm họng có mủ?
Nguyên nhân trực tiếp
- Do virus: Bệnh phát triển do các virus cảm cúm hoặc cảm lạnh. Đặc biệt nếu người bệnh đang mắc các bệnh như bạch cầu đơn nhân, bệnh sởi hoặc thủy đậu thì nguy cơ mắc viêm họng có mủ càng cao hơn.
- Do vi khuẩn: Khả năng mắc viêm họng có mủ cao nếu người bệnh đang bị viêm họng hoặc mắc viêm amidan mãn tính.
- Tình trạng khô họng kéo dài: Đặc biệt thường thấy vào mùa hanh khô khi độ ẩm không khí xuống thấp làm cho cổ họng bị khô từ đó gây bệnh. Bệnh cũng có thể gây ra do ngủ phòng điều hòa hoặc người bệnh bị nghẹt mũi và thở bằng đường miệng.
Nguyên nhân gián tiếp
- Ô nhiễm không khí, khói, bụi, thuốc lá…
- Các tác nhân gây dị ứng như: Lông động vật nuôi trong nhà, phấn hoa… Gây ra chứng viêm mũi, viêm họng và viêm họng có mủ.
- Thức ăn cay nóng, nước đá lạnh.
- Nói nhiều, nói liên tục, la hét quá mức chịu đựng của cơ họng.
- Tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh.
Các triệu chứng của bệnh viêm họng có mủ
- Cổ họng có chấm mủ: Khi soi gương thấy cổ họng sưng đỏ và xuất hiện các chấm mủ trên bề mặt cổ họng.
- Ho khan: Có thể kèm theo có đờm hoặc không tùy thuộc vào thể trạng của người bệnh. Các cơn ho thường vào ban đêm làm cổ họng đau sau khi ho.
- Đau rát họng: Đặc biệt đau khi người bệnh nuốt nước bọt hay nuốt thức ăn. Khi nói thì người bệnh có cảm giác họng bị khô và vướng như bị mắc xương cá.
- Ngứa họng: Khi viêm họng hình thành mủ, người bệnh có cảm giác ngứa ở cổ họng, khạc nhổ sẽ thấy những hạt nhỏ màu xanh hoặc trắng đục có mùi hôi khó chịu.
- Một số triệu chứng khác như: Người bệnh bị sốt nhẹ, đau đầu, hơi thở có mùi hôi, một số người bệnh có cảm giác đau cơ toàn thân, sờ thấy hạch nhỏ nổi dưới hàm hoặc gần tai.
Viêm họng có mủ uống thuốc gì?
- Penicillin V: Là loại kháng sinh uống được dùng nhiều trong các trường hợp viêm họng.
- Amoxicillin: Thuốc uống, có vai trò thay thế penicillin bởi tỉ lệ kháng thuốc của penicillin khá cao.
- Penicillin G benzathin A: Là kháng sinh tiêm một liều duy nhất. Chỉ định cho bệnh nhân không thể dùng penicillin đường uống hoặc không có khả năng uống thuốc.
- Erythromycin ethyl succinate: Kháng sinh nhóm macrolid, sử dụng khi bệnh nhân dị ứng penicillin và các thuốc cùng nhóm (amoxicillin…)
Lưu ý: Người bệnh điều trị bằng kháng sinh cần có chỉ định từ bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc về điều trị.
Điều trị bằng các phương pháp dân gian
- Súc miệng bằng nước muối: Nước muối có khả năng làm sạch và có tính sát khuẩn tự nhiên, giúp giảm sưng viêm và cảm giác đau rát.
- Mật ong: Mật ong nguyên chất có tác dụng sát khuẩn tự nhiên, kháng viêm và kháng sinh. Vì vậy, người bệnh viêm họng có mủ khi uống mật ong (1 thìa đậm đặc hoặc 2-3 thìa hòa tan với nước ấm) thì có thể giảm nhanh các triệu chứng khó chịu của bệnh như ngứa, rát cổ họng.
- Cam thảo: Trong cam thảo có chứa axit glycyrrhizic có khả năng kháng khuẩn, thanh nhiệt, giúp làm dịu cổ họng, loại bỏ mủ và đờm rất tốt. Vì vậy, để điều trị viêm họng có mủ, người bệnh tiến hành ngậm cam thảo khoảng 2-3 lần mỗi ngày sẽ giảm đáng kể các triệu chứng khó chịu.
- Củ cải trắng: Luộc củ cải trắng lấy nước để uống mỗi ngày là liệu pháp trị bệnh viêm họng có mủ hiệu quả. Trong đông y, đây là một vị thuốc có tác dụng làm mát cổ họng, kháng viêm, tiêu đờm, chữa khàn tiếng và chữa ho.
Các cách phòng tránh
Để phòng tránh căn bệnh khó chịu này, ta nên thực hiện những biện pháp sau:
- Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh và hoa quả để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt không ăn thức ăn cay nóng, không uống nhiều đồ lạnh, không ăn quá mặn hoặc quá chua.
- Giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ, rửa mũi ít nhất 1 lần mỗi tuần bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch chuyên dụng.
- Giữ ấm cổ, ngực, tay chân vào mùa lạnh. Đeo khẩu trang chuyên dụng để ngăn khói bụi, ô nhiễm khi ra ngoài.
Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan đến bệnh viêm họng có mủ. Hy vọng cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích để tự phòng tránh và trị bệnh đúng cách.
Có thể bạn quan tâm: Cách chữa viêm họng mãn tính dân gian